(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, ngày 17-9, vùng áp thấp nhiệt đới ở ngoài biển Đông đã mạnh lên thành bão số 8 và bất ngờ đổi hướng, đang nhắm thẳng vào khu vực Trung Trung bộ. Trước tình hình trên, chiều 17-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương để chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão số 8.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, chiều 17-9, bão số 8 đã ở vào khoảng 16 độ vĩ Bắc và 111,9 độ kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Khoảng chiều 18-9, tâm bão sẽ chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8.
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, trong sáng 18-9, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, khi đi vào khu vực bờ biển các tỉnh Trung Trung bộ sẽ lệch về phía Tây Nam. Tuy nhiên, bão số 8 được nhận định là cơn bão không quá mạnh, khi tiếp cận bờ, cường độ mạnh nhất ở cấp 9, khi đổ bộ sẽ ở cấp 8. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào bờ vào đêm 18-9 rạng sáng 19-9. Vì vậy, mọi biện pháp phòng chống bão ở trên bờ phải xong trước 18 giờ chiều 18-9.
Mặc dù bão không mạnh, nhưng mưa trước và sau bão lại được dự báo rất lớn. Mưa lớn trên diện rộng, trải khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ 18-9, kéo dài hết ngày 20-9. Tâm mưa tập trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, đặc biệt một số vùng mưa cục bộ có thể lên tới 400 - 500mm. Hơn nữa, bão lại đổ bộ đúng dịp Trung thu, triều cường lớn, nên sẽ gây gió và sóng biển dâng cao dọc các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra đến Hà Tĩnh.
Trong khi đó, dọc các tỉnh miền Trung đã có mưa kéo dài nhiều ngày nay. Các sông hầu hết đều ở mức báo động 1, các hồ cũng đang ở mức nước dâng. Đặc biệt, theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, hiện có 53/157 hồ đã đầy. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho các nước trong khu vực đề nghị cho tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vào tránh trú bão số 8. Ngoài ra, đã huy động gần 6.000 người, 535 phương tiện gồm 277 ô tô, 272 thuyền và ca nô cùng 6 máy bay trực thăng để phòng chống bão. Đến trưa qua, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.611 tàu thuyền biết diễn biến của bão số 8 để chủ động phòng tránh.
Nhận định về bão số 8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, bất kỳ cơn bão nào hình thành ngay trên biển Đông đều rất khẩn trương và không thể chủ quan. Vùng nguy hiểm được xác định từ Quảng Bình đến Phú Yên. Vì vậy, địa phương cần tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú.
Theo Phó Thủ tướng, đáng lo ngại nhất là sông hồ khu vực miền Trung đã đầy nước, với lượng mưa như được cơ quan khí tượng dự báo thì nguy cơ gây lũ rất lớn. Vì vậy, Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương tính toán phương án điều tiết nước các hồ chứa, sao cho vừa đảm bảo cắt lũ vừa đảm bảo nước cho sản xuất. Trên đất liền, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải nắm được các khu dân cư có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét để có phương án sơ tán dân.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Định, đến cuối buổi chiều ngày 17-9, toàn tỉnh có tổng số tàu thuyền của tỉnh di chuyển đánh bắt các ngư trường là 7.351 tàu với 42.301 người. Trong đó, 4.605 tàu với 22.045 người neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh. Khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh có 183 tàu cá của tỉnh Bình Định với 1.149 người; khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 2.102 tàu cá với 15.383 người; khu vực quần đảo Hoàng Sa không còn tàu; khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có 75 tàu cá với 562 người; khu vực quần đảo Trường Sa có 386 tàu cá với 3.162 người đang hoạt động khai thác. |
NHÓM PV
>> Sáng 19-9, bão số 8 sẽ đi vào khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi