Phục hồi chậm
Việc nối lại hoạt động của hàng không và du lịch ở khu vực Đông Nam Á đã bị cản trở bởi dịch bệnh và các lĩnh vực này đang phải đối mặt với sự phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác của thế giới.
Đi lại quốc tế trong khu vực này đã đình trệ trong vài tháng qua, bằng khoảng 3% mức trước đại dịch, thấp hơn một chút so với mức trung bình hiện nay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 4%) và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu hiện nay (khoảng 15%). Dự báo, khoảng cách giữa khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, và các khu vực còn lại của thế giới sẽ tăng lên trong vài tháng tới khi các khu vực khác dần mở cửa trở lại, nhất là với những người đã được tiêm vaccine Covid-19.
Hơn 25 quốc gia đã bỏ hoặc có các kế hoạch sớm bỏ yêu cầu cách ly đối với người đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, Đông Nam Á lại đang đi theo hướng ngược lại với việc một số nước tăng thời hạn cách ly từ 14 lên 21 ngày trong những tháng gần đây, ngay cả đối với những người đã được tiêm vaccine, làm cho việc khôi phục đi lại quốc tế càng thêm khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng đến kinh tế và khiến khu vực khó thu hút du khách quốc tế hơn trong vài năm tới.
Du lịch trong nước có ý nghĩa quan trọng và trong thời kỳ dịch bệnh, loại hình này đã giúp các công ty tồn tại được ở những nước ASEAN có thị trường nội địa đáng kể. Tuy nhiên, xét về khía cạnh doanh thu và kinh tế, ASEAN phụ thuộc rất nhiều vào du lịch quốc tế. Chính vì thế, Thái Lan vừa qua đã tuyên bố sẽ mở cửa trở lại cho những du khách đã được tiêm vaccine trong vòng 120 ngày.
Kế hoạch của Thái Lan là nhắm tới đối tượng khách du lịch bên ngoài khu vực, nhất là châu Âu, vì không thể thu hút được du khách từ các quốc gia khác ở Đông Nam Á hay bất kỳ nơi nào ở châu Á - Thái Bình Dương cho tới khi những yêu cầu cách ly của các quốc gia này được giảm hoặc miễn.
Đòi hỏi nỗ lực đa phương
Kênh CNA khẳng định 10 nước thành viên ASEAN cần phải làm việc cùng nhau - lý tưởng nhất là trên cơ sở đa phương thay vì song phương - để đặt nền tảng cho việc nối lại đi lại trong nội bộ, hay đến và đi từ trong nội khối. Tháng 3-2021, ASEAN cho biết đang cân nhắc áp dụng hộ chiếu vaccine chung nhưng cho đến nay, sáng kiến này vẫn chưa đạt được tiến bộ nào.
Dù hộ chiếu vaccine ASEAN có thể chưa thành công, nhưng 10 nước thành viên vẫn có thể hợp tác để đề ra các tiêu chuẩn và đạt được các thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa trở lại nói chung. Qua đó, các nước cũng có cơ hội hợp tác để nhất trí về những sáng kiến như Giấy thông hành của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Việc các quốc gia thiếu sự đồng thuận về các tiêu chuẩn đi lại hàng không mới vẫn là một trở ngại. Một số nước ASEAN vẫn chưa thực hiện những hướng dẫn đi lại hàng không mới theo khuyến nghị của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) được công bố đầu tiên vào tháng 6-2020 và được cập nhật tháng 12-2020 và tháng 3-2021. Điều này dẫn đến một loạt những quy định phức tạp khó có thể tuân thủ, khiến hành khách bối rối và dẫn đến tình trạng thời gian làm thủ tục check-in tại sân bay kéo dài một cách bất thường.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng các nước ASEAN cũng cần cấp bách xem xét kế hoạch công nhận vaccine lẫn nhau bởi điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đi lại quốc tế.
Nếu ASEAN không bắt đầu đưa ra những biện pháp cần thiết để hỗ trợ, nguy cơ phục hồi chậm so với các khu vực còn lại trên thế giới là hiện hữu. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế của khu vực.