South China Morning Post đưa tin, khoảng 39% số người được hỏi xem Đông Nam Á là khu vực đem lại lợi tức đầu tư tốt nhất, trong khi 35% chọn Trung Quốc và 16% chọn Mỹ. Vào năm ngoái, trong khảo sát tương tự, khoảng 55% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc sẽ mang lại lợi tức đầu tư tốt nhất trong năm 2018. Thống kê trong năm 2017 cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các nước ASEAN đã tăng lên mức kỷ lục 137 tỷ USD, cao hơn 14 tỷ USD so với năm 2016. Còn trong một báo cáo công bố vào tháng 11 năm ngoái, 3 quốc gia thành viên ASEAN, gồm Việt Nam, Indonesia và Singapore, chiếm khoảng 72% dòng vốn FDI trong khối.
Ông Raymond Chao, Chủ tịch Công ty Kiểm toán PWC phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, cho biết căn cứ theo kết quả khảo sát trên nhóm các giám đốc điều hành thế giới, trong năm nay, Việt Nam tiếp tục năm thứ 2 là điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực châu Á.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể gây tổn hại kinh tế cho một số nước, nhưng nếu biết tận dụng lợi thế, mâu thuẫn thương mại này có thể mang lại lợi ích cho một số nền kinh tế ở ASEAN. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực ASEAN do không muốn chịu mức thuế cao của Mỹ. Riêng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, xu hướng dịch chuyển sang khu vực ASEAN được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa, tập trung trong các ngành sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ.
GDP toàn khối duy trì ổn định
Tuy nhiên, vẫn có một số lo ngại về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ lên các nền kinh tế ASEAN. Theo ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á của Đại học Temple, Nhật Bản, sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sẽ kéo theo cả nền kinh tế ASEAN - vốn cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Có ý kiến khác cho rằng ASEAN cũng sẽ chịu tác động không nhỏ từ tín hiệu thắt chặt lãi suất ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong năm 2018, ngân hàng trung ương của Indonesia và Philippines đã phải thắt chặt tín dụng sau việc FED nâng lãi suất đột ngột đã đẩy nhanh các dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi. Nhưng nhờ các điều chỉnh hợp lý trong chính sách kinh tế, ASEAN vẫn đạt được tiến bộ trong việc thực thi 5 “mũi tên” kinh tế mà nước Chủ tịch ASEAN (Singapore) đã vạch ra cho năm 2018. Đó là: đẩy mạnh sáng tạo và thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại; tăng cường dịch vụ và hội nhập đầu tư; tạo môi trường pháp lý thuận lợi và đẩy mạnh các mối quan hệ ngoại khối ASEAN. Năm 2017, GDP của toàn khối ASEAN đạt 2.800 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng hàng năm là 5,3%, tăng so với mức 4,8% năm 2016. Giới chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP toàn khối sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 5,1% và 5,2% trong năm 2018 và 2019.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu