ASEAN thống nhất trong đa dạng vì hòa bình và phát triển

Hôm nay 15-12, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 14 diễn ra tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia.

Đồng thời, cũng đúng thời điểm này đánh dấu một cái mốc quan trọng: Hiến chương ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt đối với các nước khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá sự kiện này, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nêu rõ: “Việc Hiến chương ASEAN bắt đầu có hiệu lực đánh dấu một mốc lịch sử đối với việc cơ cấu tổ chức, xác định lại vị thế của ASEAN để đối phó tốt hơn với những thách thức trong thế kỷ 21”.

Để Hiến chương ASEAN đầu tiên có tính bắt buộc về pháp lý, tất cả 10 thành viên của khối đã phê chuẩn Hiến chương này trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14.

Theo chương trình nghị sự của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 14, đại biểu từ các nước thành viên sẽ thảo luận việc định lại thời gian tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 và những vấn đề liên quan khác.

Trước đó, dự kiến Hiến chương ASEAN sẽ chính thức có hiệu lực khi Thái Lan tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN từ ngày 15 đến 18-12 tại Chiang Mai. Tuy nhiên, hội nghị đã bị hoãn do tình hình chính trị bất ổn ở Thái Lan. Tuần trước, Singapore đã đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 tại Jakarta vào tháng 1-2009 thay vì tháng 3-2009 như dự kiến của Thái Lan.

Hiến chương ASEAN có 13 chương, 55 điều với 3 trụ cột chính: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, sẽ là khung thể chế để các nước trong ASEAN hợp tác hiệu quả cho mục đích hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung không chỉ của khối ASEAN, mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế.

Hiến chương đề ra các nguyên tắc của ASEAN là tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc của tất cả quốc gia thành viên ASEAN; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; không can thiệp các công việc nội bộ của nhau; tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; tuân thủ các nguyên tắc thương mại đa phương.

Nội dung cơ bản của Hiến chương ASEAN bao gồm những vấn đề chủ yếu như: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các nước thành viên; Không can thiệp vào công việc nội bộ; Tạo ra thị trường chung, thống nhất có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tự do lưu thông; Tăng cường phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên và các di sản văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực qua hợp tác giáo dục…

Hiến chương ASEAN cũng trao quyền hành lớn cho các vị nguyên thủ quốc gia ASEAN là các quan chức hoạch định chính sách cao nhất của hiệp hội và duy trì quá trình ra quyết định truyền thống của khối thông qua nguyên tắc đồng thuận.

Hiến chương chấp thuận tính đồng nhất pháp lý của ASEAN đối với các cuộc đàm phán và giao dịch quốc tế. Ngày 8-8 hàng năm là “Ngày ASEAN” và tiếng Anh là ngôn ngữ hoạt động của khối.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và lắm thách thức, việc các nước Đông Nam Á thống nhất trong một khối vì mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển có ý nghĩa rất tích cực, phù hợp với xu thế của thời đại và nguyện vọng của nhân dân các nước.

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục