Một mũi tên 3 mục đích

Trung Quốc vừa quyết định đưa 2 khu trục hạm và một tàu tiếp vận đến vịnh Aden, ngoài khơi Somalia để phối hợp với lực lượng hải quân nhiều nước khác chống hải tặc, bảo vệ một trong những huyết mạch giao thông hàng hải quốc tế. Vịnh Aden, đường dẫn vào kênh đào Suez, huyết mạch giao thông hàng hải nối liền Á-Âu. Mỗi ngày, 1/3 hàng hóa chở bằng container trên thế giới, 4% sản lượng dầu thô của toàn thế giới đều đi qua vịnh Aden. Mỗi năm, có 22.000 tàu bè các loại đi qua vịnh nối liền Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương này. Về phương diện quân sự, con đường này cũng rất quan trọng, bởi vì nếu không qua vịnh Aden để tới kênh đào Suez, thì tàu bè phải đi vòng xuống mũi Hảo Vọng của Nam Phi và như vậy, hải trình từ Ấn Độ Dương sang châu Âu kéo dài thêm 10.000km.

Hàng chục năm qua, Trung Quốc đã dành rất nhiều ngân quỹ để phát triển lực lượng hải quân với 3 hạm đội là hạm đội Bắc Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải có tầm vận hành và khả năng tác chiến, kiểm soát vượt ngoài biển Đông. Việc đưa tàu sang vịnh Aden là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ rằng hải quân của họ có thể vượt đại dương để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Đây được coi là dấu hiệu đầu tiên mà Trung Quốc muốn cho quốc tế biết là họ có đủ sức mạnh tham dự các hoạt động tác chiến hải quân rất xa căn cứ.

Bình luận về vấn đề này, tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc cho biết có 3 mục tiêu mà Trung Quốc muốn đạt được, trước hết Trung Quốc hiện là một cường quốc, không phải chỉ về nguyên tử, mà còn cả về hải quân và luôn tích cực tham dự vào những việc chung trên thế giới. Trong vấn đề chống hải tặc ở ngoài khơi Somalia, ngoài hải quân Mỹ, còn có hải quân Nga và khoảng 20 chiến hạm của Liên minh châu Âu. Khi quyết định tham gia hoạt động này, Trung Quốc muốn thể hiện thiện chí, đồng thời làm nghĩa vụ của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Chính Hội đồng Bảo an đã ra nghị quyết cho phép lực lượng hải quân quốc tế chống hải tặc trong vịnh Aden. Thứ đến, Trung Quốc muốn cho thế giới biết về khả năng hải quân mạnh, hải quân biển xanh của họ. Cuối cùng, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh hải quân, để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Ngoài ra, theo nhận xét của Lý Vĩ, chuyên gia nghiên cứu chống khủng bố thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, việc quân đội nước này tham gia vào chiến dịch chống cướp biển ở vùng Sừng châu Phi còn mang một thông điệp chính trị mạnh mẽ. Đó là với sức mạnh quân sự và kinh tế hiện nay, Trung Quốc muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới. 

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục