Tiền lệ 1 trong 1

Sau Kosovo, đến lượt vùng Vojvodina tại Bắc Serbia đang tiến dần tới việc đòi ly khai và thành lập một nhà nước  riêng. Chính quyền tỉnh Vojvodina ngày 14-10 vừa qua bỏ phiếu với tỷ lệ 89 phiếu thuận, 21 phiếu chống đã thông qua quy chế mới cho vùng đất này, với tư cách là một tỉnh tự trị trong lòng lãnh thổ Serbia. Biến Vojvodina thành một vùng có quyền tự quyết về tương lai của mình là ý đồ của những chính trị gia thuộc liên minh chiếm đa số, từ lâu đã có tư tưởng ly khai khỏi Serbia.

Điều đáng ngạc nhiên là tiến trình đưa ra nghị quyết về quy chế tự trị mở rộng cho Vojvodina cũng giống Kosovo trước đây, khi tự trị là một bước đi quan trọng để tiến đến độc lập. Hơn nữa, đề xuất Vojvodina tự trị lại được chính Tổng thống Serbia Boris Tadic ủng hộ vì ông coi việc tự trị của Vojvodina là một trong những bước tiến để Serbia hội nhập EU.

Theo những chi tiết của quy chế tự trị mới, Vojvodina có thể coi Novi Sad là thủ đô, có một chính phủ thay vì một hội đồng điều hành như hiện tại và có thể mở một văn phòng đại diện ở Brussels (Bỉ). Vojvodina có diện tích 21.000km2, với 2 triệu dân, có 26 cộng đồng sắc tộc đang sinh sống, trong đó chủ yếu là người Serbia, người Hungary, Slovakia, Croatia, Montenegro và Romania.

Quá trình tự trị sẽ diễn ra từng phần, bắt đầu từ kinh tế, Vojvodina đóng góp 1/3 GDP của Serbia, nhưng chỉ được sử dụng 7% ngân sách quốc gia và các nghị sĩ vùng này đang đòi Vojvodina không phải nộp lại bất cứ khoản thu nào hoặc một khoản tượng trưng cho nhà nước trung ương ở Belgrade. Theo các nhà phân tích quốc tế, sự tự trị ấy sẽ tiến thêm một bước mới nữa: kêu gọi sự ủng hộ của Washington và Brussels cho một cuộc trưng cầu dân ý để đòi độc lập cho Vojvodina.

Nhiều quốc gia châu Âu, như Bỉ, Hà Lan hay Italia cũng có các hình thức tự trị một phần cho các vùng đặc biệt của mình, khi các vùng này nhận được sự độc lập trong khuôn khổ quốc gia, có thể tự phân phối lợi tức của mình mà không phụ thuộc vào chính phủ trung ương. Tuy nhiên, tại Balkans, vấn đề khác hẳn, hình thức tự trị hầu hết đều do xung đột về quyền lợi và tôn giáo giữa các sắc tộc. Đồng thời, Mỹ cũng lợi dụng tình trạng rối ren ở Balkans để tìm cách thúc đẩy sự ly khai ấy diễn ra nhanh hơn nữa theo “hiệu ứng Kosovo”

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục