Thái Lan: Cái giá của sự bất ổn chính trị

Suốt hơn 2 năm nay, kể từ tháng 9-2006, Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị kéo dài khi ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự.

Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này. Một thủ tướng nữa phải ra đi và Thủ tướng Somchai Wongsawat hiện đang chịu nhiều sức ép phải ra đi. Nhưng thiệt thòi nhất là nhân dân Thái Lan phải gánh chịu vì nền kinh tế của đất nước này đang và sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Thái Lan trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Giá đồng bath xuống mức thấp, chỉ 35 bath/1USD. Theo báo chí Thái Lan dẫn lời các nhà nghiên cứu nổi tiếng của nước này, thiệt hại của sân bay Suvarnabhumi có thể từ 134 tỷ đến 215 tỷ bath (tương đương 3,7 tỷ USD đến 6 tỷ USD), nếu bị đóng cửa kéo dài đến tháng 12.

Ngành công nghiệp tổ chức hội nghị chuyên nghiệp ở Bangkok cũng chịu tổn thất khoảng 310 triệu USD. Tăng trưởng GDP của Thái Lan năm nay có thể sẽ giảm từ 4,5% như ước tính xuống còn 4%, mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Các nhà nghiên cứu dự báo, năm tới, tốc độ tăng trưởng của Thái Lan chỉ khoảng 3%. Thậm chí, một số trung tâm nghiên cứu còn đưa ra dự báo thấp hơn cho năm 2009 là 2%-3%, nếu chính trị vẫn bất ổn.

Nền kinh tế Thái Lan sẽ bị tác động kép cả bên trong lẫn bên ngoài trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng ở trong nước. Tỷ trọng xuất khẩu của Thái Lan chiếm tới 70% GDP. 

Tổn hại lớn nhất từ cuộc hoảng chính trị hiện nay là ngành du lịch, vốn chiếm 6%-7% GDP của Thái Lan. Chính phủ Thái đã phải quyết định chi 1 tỷ bath để hỗ trợ khách du lịch nước ngoài tìm cách trở về quê hương hoặc đi các nước khác do đám đông biểu tình phong tỏa và chiếm giữ sân bay quốc tế lớn nhất Bangkok. Sau khoảng một tuần lễ, đã có hơn 700 chuyến bay bị hủy bỏ.

Người Thái đang buồn vì đất nước của họ từng được mệnh danh là “mảnh đất của những nụ cười” bây giờ trở thành quốc gia bị xa lánh, khi nhiều nước trên thế giới cảnh báo công dân của họ không nên tới Thái Lan.

Người đứng đầu ngành này của Thái Lan cho biết năm 2009, có thể chỉ còn 6 – 7 triệu khách du lịch nước ngoài so với 13,5 triệu khách năm 2008. Khoảng 1 triệu nhân công của ngành du lịch Thái Lan có thể mất việc làm nếu trật tự không được vãn hồi.

Các ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng bởi lực lượng công nhân bị lôi kéo vào các cuộc biểu tình. Khoảng 10 nhà máy sản xuất điện tử đang đối mặt với khó khăn vì không thể chuyển sản phẩm lên tàu để xuất khẩu.

Kattiya Kraikan, Chủ tịch hiệp hội điện – điện tử của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết ngành này có thể mất tới 2 tỷ bath mỗi ngày vì khủng hoảng chính trị và an ninh hiện nay…

Cho dù chính phủ ở Thái Lan hiện nay tồn tại hay sụp đổ thì tình hình chính trị hỗn loạn ở đất nước này khó sớm ổn định và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư của nước ngoài. Cuộc khủng hoảng lần này ở Thái Lan có lẽ tổn hại nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ hồi năm 1997.

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục