Khủng hoảng đến bao giờ?

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu và cho chúng ta thấy rõ những hiểm họa mà người dân trên thế giới sẽ phải hứng chịu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là cuộc khủng hoảng này sẽ đi tới đâu và bao giờ chấm dứt? Denis Durand, một chuyên gia kinh tế người Pháp, cho rằng cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ chưa thể kết thúc và những hậu quả của nó đối với hệ thống ngân hàng sẽ vẫn còn kéo dài trong nhiều tháng tới.

Hàng trăm ngàn ngôi nhà thế chấp ở Mỹ đã bị tịch thu, và còn hàng triệu ngôi nhà khác cũng sẽ chung một kết cục tương tự trong vòng 2 năm tới. Giá nhà đất sẽ tiếp tục giảm tại nhiều thành phố lớn của Mỹ.

Sau sự sụp đổ của các ngân hàng lớn như Citigroup hay Merrill Lynch, niềm tin vào thị trường tiền tệ chưa thể khôi phục mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cố gắng hết sức để ngăn chặn ảnh hưởng lan rộng. Chuyên gia người Pháp này tin rằng dù không xảy ra những biến động gì lớn trong thời gian tới, hệ thống tài chính thế giới cũng vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm tới.

Nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng biến thành suy thoái kinh tế, kéo theo sự bùng phát của nạn thất nghiệp ngày càng lan rộng trong những ngày này. Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra là hệ quả của cách thức điều tiết thị trường được hình thành trong những năm 1980 và thế giới đang lạc vào cái vòng luẩn quẩn.

Các ngân hàng trung ương khuyến khích những ngân hàng thương mại cho những cá nhân đầu cơ vay tiền thay vì đầu tư để tạo công ăn việc làm. Hậu quả của các hoạt động đầu cơ chính là các cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, sự đổ vỡ của các nền kinh tế mới nổi (Brazil, Argentina và Nga) năm 2000 và giờ đây là cuộc khủng hoảng tín dụng liên quan đến bất động sản.

Mỗi lần như vậy, các chính sách về kinh tế, nhất là sự can thiệp của các ngân hàng trung ương vào các thị trường, lại dẫn đến cuộc khủng hoảng tiếp theo. Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng trong thương mại và tài chính quốc tế xem ra không thể kiểm soát được. Thâm hụt cán cân thanh toán đang đặt Mỹ vào tình trạng phụ thuộc vào các chủ nợ.

Trong khi đó, tổ chức chịu trách nhiệm việc điều chỉnh những mất cân bằng quốc tế là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại đang bị khủng hoảng về vốn, về hiệu quả hoạt động… Trước tình cảnh u ám hiện nay, khả năng nền kinh tế thế giới hồi phục một sớm, một chiều là khó có thể xảy ra.

Anh Văn

Tin cùng chuyên mục