Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị liên quan, trong đó có Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28 đến 30-10 đã thu hút được sự quan tâm, nhìn nhận một cách tích cực của các hãng thông tấn quốc tế.
Với tựa đề “Cơ hội thứ hai cho Nga và ASEAN”, Dmitry Kosyrev, nhà bình luận chính trị của hãng tin Ria Novosti (Nga) nhận định trong bài báo, ASEAN, tổ chức của 10 quốc gia có thể chế chính trị khác nhau đang là một minh chứng cho sự thành công về sự hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa, thậm chí, có lẽ sự hợp tác của ASEAN đã thành công hơn EU.
Với sự hợp tác tích cực cũng như đường lối chính trị khéo léo của nhiều quốc gia thành viên, Hội nghị ASEAN đang trở thành nơi gặp gỡ của các chính quyền luôn hướng về việc xây dựng một thể chế chính trị chuẩn mực. Nga hiện xem cộng đồng Đông Nam Á như một trong những động lực thúc đẩy xu thế hội nhập tích cực trên châu lục rộng lớn này.
Báo Nation (Thái Lan) nhận định, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Hà Nội là một hội nghị lịch sử kể từ khi tổ chức thành lập cho đến nay bởi sự tham dự của nhiều cường quốc trên thế giới. Lý giải cho nguyên nhân Hội nghị ASEAN thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, báo cho rằng nguyên nhân là nền kinh tế ASEAN đã có sự tăng trưởng ngoạn mục trong thời điểm phần lớn các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế. Việt Nam, dẫn đầu ASEAN về tỷ lệ tăng trưởng, tiếp theo đó là Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan. ASEAN trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm tại châu Á khi tích cực tham dự vào những vấn đề toàn cầu và thiết lập trật tự tại khu vực.
Nhật báo Nikkei (Nhật Bản) nhận định, Hội nghị ASEAN được tổ chức tại Hà Nội đã cho thấy tổ chức này đã bắt đầu đi vào giai đoạn hai trong chính sách mở rộng quan hệ với bên ngoài: tìm cách tiến hành đối thoại với Mỹ và Nga khi đã tiến hành các cuộc đối thoại tương tự với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mục đích chủ yếu của ASEAN trong kế hoạch này là tăng cường ảnh hưởng, thu hút vốn đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Nga.
Báo Jakarta Post (Indonesia) đăng bài viết của học giả Awidya Santikajaya, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định cùng với ASEAN và Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), EAS đang là một trong những cơ chế chủ chốt tạo thành cơ cấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị EAS tại Hà Nội lần này mang ý nghĩa rất quan trọng bởi tại đây, các nước thành viên EAS đã chính thức mời Nga và Mỹ tham gia cơ chế này.
Ngay từ khi ra đời năm 2005, EAS đã được xác định là một khối do ASEAN lãnh đạo và có sự kết nối với các hội nghị cấp cao ASEAN. ASEAN hiện được coi là một trong những cơ cấu hợp tác khu vực ổn định nhất của các nước đang phát triển.
Trong khi đó, Đài Phát thanh New Zeland ngày 31-10 dẫn lời Thủ tướng nước này John Key cho rằng Hội nghị EAS vừa diễn ra ở Hà Nội là một hội nghị tích cực với sự quan tâm của nhiều quốc gia, có chủ đề chính được thảo luận là các vấn đề kinh tế nhằm tiến tới việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do Đông Á.
Thanh Hằng