40 năm đất nước giải phóng, đội Du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi) cũng bước qua tuổi 70. Mảnh đất Ba Tơ từ nhà ngục của thực dân Pháp sau 40 năm giải phóng đã bật lên mạnh mẽ thành một huyện trù phú bậc nhất trong các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.
Những chiến tích oai hùng, những di tích lịch sử sống mãi với thời gian, nơi là địa bàn che chở những người con của cách mạng đã làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ vang dội, nay đã được công nhận là an toàn khu (ATK) đầu tiên của Nam Trung bộ.
Bức phù điêu tại Bảo tàng Ba Tơ như tạc vào thời gian hình ảnh những du kích kiên cường của 70 năm trước với vũ khí thô sơ là gậy gộc, giáo mác, cuốc xẻng và cả tiếng cồng chiêng xung trận nhưng lại có ý chí sắc bén vô cùng để làm nên cuộc khởi nghĩa vang danh một thời. Trong những chiến sĩ du kích bình dị, chân chất, mộc mạc, lấm lem bùn đất mà kiên trung ấy, người ta vẫn thấy lấp lánh ẩn hiện những con người một thời đã góp sức lực và trí tuệ của mình làm nên lịch sử, trong đó có Trung tướng Nguyễn Đôn.
Quảng trường Ba Tơ ngày nay.
Vị tướng của bình minh
Dòng sông Liêng của Ba Tơ vẫn chảy êm đềm dưới chân núi Cao Muôn sừng sững gợi lại ký ức về một thời hào hùng, gian lao và khốc liệt như mạch nguồn lịch sử vẫn âm thầm chảy, đôi khi ngược về trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Đôn. Trong số ba thủ lĩnh đầu tiên trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Ba Tơ giành chính quyền ngày 11-3-1945 là Phạm Kiệt, Nguyễn Khoách và Nguyễn Đôn, hiện nay chỉ ông còn sống tại Đà Nẵng.
Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (quận Hải Châu), Trung tướng Nguyễn Đôn thư thái ngồi đọc sách và dõi theo các thông tin báo chí từ chồng sách báo và tạp chí đặt ngay ngắn trên bàn. Mái tóc đã trắng như mây trời nhưng đôi mắt của vị tướng già 95 tuổi vẫn quắc thước và tinh anh. Duy chỉ bước chân ông có vẻ yếu đi so với vài năm trước nhưng trí óc của người du kích già vẫn còn khá tường minh. Nếu như Phạm Kiệt nổi danh với việc chủ trương “kéo pháo ra” cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Nguyễn Khoách được nhiều người biết đến là một trong hai “ông tướng” (cùng với Võ Bẩm) được Bác Hồ trực tiếp giao việc mở đường 559 (đường Trường Sơn huyền thoại) thì Trung tướng Nguyễn Đôn luôn gắn với cuộc khởi nghĩa lừng danh Ba Tơ. Cùng với Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn đã trực tiếp vào đồn Tây ở Ba Tơ để thuyết phục đám lính khố xanh cùng tên quan tư Pháp hạ vũ khí, giao đồn cho cách mạng ngay sau khi Nhật vừa đảo chính Pháp đêm 9-3-1945.
Cũng chính Nguyễn Đôn là một trong ba vị thủ lĩnh của đội du kích thuyết phục với các nhà lãnh đạo bấy giờ nên đưa ngay đội du kích về đồng bằng, phát triển nhanh lực lượng vũ trang để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, đưa Quảng Ngãi trở thành địa phương đầu tiên ở miền Trung giành chính quyền sớm nhất từ tay phát xít Nhật. Nếu không có một nhãn quan chiến lược quân sự, vẫn để đội du kích với vài mươi tay súng tiếp tục bám với vùng rừng Ba Tơ thiêng độc thì khó có thể tiến hành giành chính quyền một cách chóng vánh như thế. Cũng như nếu không có sự nhạy cảm của một nhà chính trị từng trải thì sẽ rất khó khăn để lấy được đồn Ba Tơ từ tay quân Pháp một cách nhanh gọn và thành lập được chính quyền cách mạng đầu tiên ở vùng rừng heo hút này.
Trung tướng Nguyễn Đôn nhớ lại: “Hội nghị Trung ương 8 chủ trương “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhưng không phải nơi nào cũng quán triệt được. Ngay trong đêm 9-3-1945, tin Nhật hất cẳng Pháp đã được một cơ sở của ta chạy bộ từ sông Vệ (huyện Tư Nghĩa bây giờ) qua những con đường rừng núi ngoằn nghèo với núi đồi chập chùng và suối sâu chia cắt để lên được huyện miền núi Ba Tơ suốt một ngày sau đó báo lại. Chúng tôi phải hành động ngay việc chiếm đồn Ba Tơ và thành lập đội du kích, vì nếu để qua ngày 12-3, Nhật sẽ đưa quân lên Ba Tơ thì cái giá phải trả để cuộc khởi nghĩa thắng lợi sẽ đắt hơn nhiều”. Ba Tơ từng là nơi rừng thiêng nước độc. Thực dân Pháp đã lập “căng an trí” nơi đây để giam lỏng những người cộng sản, mượn khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng này để tiêu diệt ý chí đấu tranh của những “hạt mầm” cách mạng sau khi đã mãn hạn tù từ các nhà lao khét tiếng trong nước.
Nhưng dã tâm đó của thực dân Pháp đã vô tình “kết nối” ý chí của những người cộng sản ngay tại chốn rừng thiêng này. Nguyễn Đôn là một trong những thành viên của “căng an trí”, đã biến nhà tù đế quốc thành “tử huyệt” cho chính những người sinh ra nó. Nếu không có cuộc “hội ngộ” tình cờ mà như định mệnh ấy của những người tù chính trị thì sẽ không có đội quân du kích. Chính đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang Khu 5 này đã góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa mùa thu năm 1945 và cuộc trường chinh kháng Pháp 9 năm sau đó.
Màu xanh ATK
Vẫn còn đây di tích Bến Buông bên sông Liêng hùng vĩ một thời gian dài là nơi nơi tập kết lương thực, vũ khí từ đồng bằng ngược sông về ATK Ba Tơ phục vụ cuộc đấu tranh du kích. Núi Cao Muôn sừng sững, kiên trung giữa đại ngàn vẫn vang vọng lời thề trầm hùng “hy sinh vì Tổ quốc” của những người con “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Biểu tượng Trại dâu tằm của ông Trần Toại, chiến sĩ cách mạng gan dạ, kiên trung, mưu trí và dũng cảm đã góp sức người, sức của vào cuộc khởi nghĩa thành công. Hay trại bò Bãi Ri của cụ Trần Hàm bề ngoài là cơ sở kinh tế để che mắt địch, nhưng bên trong lại là một điểm hoạt động của cách mạng cũng đã được tôn tạo như mô hình một thời hoạt động của của đội du kích lừng danh. Chính nơi đây, vào tháng 4-1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của Ba Tơ đã được thành lập rồi mang luôn tên vùng đất bạc màu và nghèo khó ấy - chi bộ Bãi Ri...
Sẽ không mang thật nhiều ý nghĩa nếu như Ba Tơ tự gặm nhấm vinh quang của quá khứ mà để cho mảnh đất cách mạng ấy chìm trong bần hàn. Ba Tơ là huyện đi đầu trong công cuộc đổi mới khiến cho cái bụng của đồng bào Hre được no, được đắp cái chăn ấm và được đi trên những con đường bê tông phẳng lì. Và hơn hết, Ba Tơ, được biết đến với cái màu xanh ngút mắt của núi rừng. Cái màu xanh báo hiệu sự ấm áp đủ đầy trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Hrê đã nói lên rằng, Ba Tơ đã biết tựa vào quá khứ để làm bệ phóng cho hôm nay.
Vì vậy, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới dịp kỷ niệm 65 năm Khởi nghĩa Ba Tơ không chỉ là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của hơn năm vạn dân Hrê ở Ba Tơ mà còn là sự tưởng thưởng cho tất cả những ai không muốn lấy hào quang của quá khứ để làm trang sức cho mình, trong khi đại đa số người dân thì vẫn đói kém.
Đường nhựa phẳng lì từ quốc lộ 1A, rẽ về quốc lộ 24 đi Kon Tum uốn lượn lúc bằng phẳng, lúc qua những sườn đồi với không khí mát rượi, trong lành và thư thái. Qua đèo Đá Chát một quãng là vào địa phận Ba Tơ. Hiếm có huyện vùng cao nào mà màu xanh của rừng trồng lại trùm lên cả dọc dài hàng trăm cây số như Ba Tơ. Nếu như trước đây, rừng đã chở che cho đội quân du kích non trẻ để làm nên chiến thắng thì hôm nay, những cánh rừng đã nuôi sống một cách đủ đầy cho người dân.
Ông Trần Ngọc Thương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ nói, rằng, điệp khúc “cây gì, con gì” sẽ trở nên vô nghĩa nếu như cây ấy, con ấy chỉ dừng lại trong các bản báo cáo nhạt nhẽo. Ba Tơ đã từng trả giá cho “điệp khúc” ấy khi người ta muốn biến vùng đất này thành “thủ phủ” của cây cà phê và ca cao. Người dân từng đói quay đói quắt ngay trên mảnh đất của mình, đành bất lực nhìn vào những loại cây trồng xa lạ kia. Và chính họ chứ không ai khác, đã cứu đời mình bằng những loại cây mang lại cơm áo hàng ngày. Đó là cây keo lai. Cả tỉnh Quảng Ngãi trồng keo lai nhưng chỉ có Ba Tơ là mang lại hiệu quả hơn cả. Trong 39.000ha mà đồng bào Hrê được cấp sổ đỏ thì đã có 36.000ha được phủ keo lai. Bình quân mỗi hécta keo lai cho 200 tấn, giá 750.000 đồng/tấn thì số tiền mà loại cây này mang lại sẽ “phủ xanh” cả huyện Ba Tơ! Đây không phải là phép tính trên giấy mà suốt hơn 10 năm qua, kể từ khi cây keo lai có mặt tại Ba Tơ, hàng trăm ngôi nhà khang trang đã dần thay cho những ngôi nhà sàn ọp ẹp của người Hrê. Dĩ nhiên, trồng rừng chỉ là một mảng để Ba Tơ rũ chiếc áo đói nghèo của mình. Đồng bào Hrê lâu nay vẫn xem con trâu chỉ là vật tế thần trong những ngày đại lễ của dân tộc họ. Thế nhưng, hai vạn con trâu ở Ba Tơ hiện nay đã thành hai vạn “cỗ máy” đẻ ra tiền. Từ chỗ chỉ để cúng tế, giờ trâu đã thành hàng hóa. Đó là một bước tiến dài trong nhận thức của đồng bào.
Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, thanh minh rằng dù so sánh là khập khiễng nhưng nhờ vậy để nhắc nhở ta biết trân trọng quá khứ, nỗ lực cho tương lai và tri ân những người đã ngã xuống để có một Ba Tơ hôm nay. Ông Phong nói: “70 năm trước, Ba Tơ là châu lỵ do thực dân Pháp chiếm đóng, cai quản. Đời sống nhân dân lầm than, hệ thống hạ tầng không có. Sau giải phóng, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhân dân Ba Tơ đã hết sức nỗ lực xây dựng. 5 năm lại đây, đời sống nhân dân được nâng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16% - 17%/năm. Riêng năm 2013, đạt 30,7%/năm. Thu ngân sách từ số 0 lên hơn 20 tỷ đồng/năm...”. Kinh tế vườn, đồi, kinh tế rừng và các mô hình kinh tế xen canh cơ bản đã đi vào guồng quay của bài toán xóa đói, giảm nghèo và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu ở huyện miền núi xa xôi này nên hộ nghèo từ hơn 50% xuống còn một nửa. Ba Tơ như càng được tiếp thêm nội lực khi được công nhận là ATK. “Hành trình phát triển cần có thời gian trong khi kinh phí thì giới hạn, Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để biến Ba Tơ thành điểm du lịch xứng tầm với ATK đầu tiên ở Nam Trung bộ. Đưa mảnh đất có truyền thống cách mạng này phát triển mạnh hơn nữa”, ông Phong quyết tâm.
70 năm Khởi nghĩa Ba Tơ, từ huyện miền núi gần như “trắng các chỉ tiêu” đến huyện trù phú bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi là bước đi dài. Trong cuộc trường chinh để rũ bỏ ngục tù và nghèo đói ấy luôn thấp thoáng bóng dáng của những người du kích như Trung tướng Nguyễn Đôn.
HÀ MINH