Ba nguy cơ cho giao thông TPHCM

  • Công trình nhiều, kinh phí ít

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong năm năm tới đây, thành phố sẽ phải thực hiện 117 công trình với tổng kinh phí lên tới 226.598 tỷ đồng. Đây thực sự là thách thức cực kỳ lớn đối với thành phố vì giai đoạn này, hoạt động kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM gặp rất nhiều khó khăn.

Như số báo trước chúng tôi phản ánh, chính Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM ông Trần Quang Phượng đã tỏ ra rất lo ngại trước khả năng không có nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông như quy hoạch được duyệt. Nguồn vốn này, bao gồm cả các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài và nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước. Quan trọng hơn nữa, trong 117 công trình phải thực hiện trong năm năm tới, đa phần đều là những công trình góp phần quan trọng vào việc chống ùn tắc và tai nạn giao thông ở TPHCM như 6 tuyến metro, xe điện, 4 tuyến đường trên cao, đường vành đai 2 và các bãi đậu xe ngầm ở khu vực trung tâm thành phố…     

  • Xe công cộng hụt hơi trước xe cá nhân

Số liệu thống kê từ ngành chức năng cho thấy hiện nay tỷ lệ xe máy trên đầu người tại TPHCM thuộc loại rất cao, với bình quân gần 700 xe máy/1.000 dân. Trong khi đó, sau rất nhiều nỗ lực của các ngành chức năng, đến nay hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TPHCM chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân TPHCM, có nghĩa là cho đến bây giờ, hệ thống VTHKCC nói chung, xe buýt nói riêng vẫn chưa đủ sức “kình” lại phương tiện giao thông cá nhân.

Theo các chuyên gia, sự lép vế của xe buýt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau: tình hình kẹt xe vẫn còn phổ biến từ đó khiến cho tốc độ thực tế của xe buýt thấp, tốc độ lưu thông chỉ vào khoảng 16 km/giờ; giá cước xe buýt tính ra chiếm khoảng 13% thu nhập bình quân đầu người, nghĩa là vẫn chiếm tỷ trọng khá cao trong thu nhập của người dân; khoảng cách từ nhà ra các trạm xe buýt còn xa từ đó tạo ra tâm lý ngán ngại cho hành khách, nhất là khi vỉa hè hầu hết bị lấn chiếm, không còn đường cho người dân đi bộ đến các trạm xe buýt; tuyến xe buýt đêm còn ít và cũng chỉ là những tuyến đặc thù nên vô hình trung “làm khó” người dân có nhu cầu đi lại sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí sau giờ hành chính...

  • Ý thức chấp hành Luật Giao thông hạn chế

Theo Ban An toàn Giao thông TPHCM, tính đến thời điểm này, số vụ ùn tắc giao thông đã giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu vui trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ mà đơn giản là vì nhiều điểm đào đường đã không còn… đào nữa. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân vẫn còn rất hạn chế.

Trong 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 24 vụ ùn tắc giao thông, giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trong 24 vụ này có 1 vụ kẹt xe do người dân đứng trú mưa dưới cầu vượt Sóng Thần, lấn hết đường đi của xe. Các vụ còn lại, đa phần do có một tai nạn xảy ra và người dân hiếu kỳ đứng lại hoặc đi chậm lại để xem, gây ùn tắc giao thông. 

T.Nhân – S.Lam

Tin cùng chuyên mục