Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuyển đổi nghề cá theo hướng bền vững

Trước thực trạng ngư trường bị suy kiệt nghiêm trọng do đánh bắt tận diệt thời gian dài, ngư dân đi biển ngày càng ít lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cơ cấu lại ngành nghề, chuyển đổi một số phương thức đánh bắt hải sản theo hướng bền vững.
Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu)
Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu)

Đoạn tuyệt với nghề giã cào

Là một trong những địa phương ven biển có nghề truyền thống gắn liền với đánh bắt hải sản, thời điểm năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu đội tàu nằm trong tốp đầu cả nước với số lượng lên đến hơn 5.800 chiếc, trong đó có quá nửa là loại tàu lớn đánh bắt xa bờ. Thế nhưng, số lượng tàu lưới kéo (hay còn gọi là giã cào) chiếm số lượng khá lớn với hơn 1/4 tổng đội tàu.

Theo các chuyên gia môi trường, nghề giã cào là kiểu đánh bắt tận thu. Những loại hải sản lớn có lợi ích kinh tế thì đưa về làm hàng hóa, những loại nhỏ được dùng làm phân bón. Không những vậy, hình thức đánh bắt gần sát đáy biển còn làm ảnh hưởng đến cả những rạn san hô, phá hoại nơi trú ngụ của các sinh vật biển dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên, do lợi ích kinh tế, nghề giã cào, có những thời điểm chiếm tới 60%-70% tổng sản lượng đánh bắt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên việc loại bỏ các tàu này vẫn đang là bài toán hết sức nan giải.

Ngư dân L.V.T. (ngụ tại phường 5, TP Vũng Tàu) chia sẻ, khoảng gần chục năm trước, chi phí đóng mới một chiếc tàu lưới kéo ít nhất cũng khoảng 4-5 tỷ đồng và nếu thêm tiền sắm sửa ngư cụ thì cũng ngót nghét 6-7 tỷ đồng. Khi đó, nghề này được cho là nghề hái ra tiền bởi chỉ cần vài vụ trúng đậm là có thể thu hồi vốn nên dân đi biển rất chuộng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ngư trường cạn kiệt, giá nhiên liệu trồi sụt thất thường, thêm phần khó kiếm bạn thuyền nên cái nghề “săn lộc biển” chẳng khác gì những canh bạc đỏ đen. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều ngư dân bất chấp quy định, đưa tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài dù biết hậu quả khi bị bắt sẽ rất nặng nề.

Khó mấy cũng phải làm

Ngán ngẩm vì đánh bắt thua lỗ, nhiều ngư dân ở TP Vũng Tàu, huyện Long Điền... cho tàu nằm bờ hoặc rao bán với giá rẻ nhưng cũng chẳng mấy ai đoái hoài. Ngay như trường hợp của ông N.T.N. (ngụ ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) sở hữu cặp tàu lưới kéo khi đóng mới hơn 10 tỷ đồng, nhưng lúc sang tay thì chỉ được giá khoảng 1 tỷ đồng.

Theo nhiều ngư dân, số tàu nằm bờ hiện nay là rất lớn, bởi nếu đưa đi đánh bắt thì nguy cơ thua lỗ nhiều hơn thắng. Cũng có một số chủ tàu muốn chuyển đổi sang nghề đánh bắt khác nhưng tréo ngoe là kinh phí khá lớn, từ 2-3 tỷ đồng/chiếc nên chỉ mấy chiếc tàu mới đóng còn thiết tha, số chủ tàu cũ thì chẳng mấy người mặn mà. Ngặt thêm nữa là việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng hiện nay không hề đơn giản, bởi đa số chủ có tàu nằm bờ đều trong tình trạng khó khăn, nếu đi vay bên ngoài thì lãi cao.

Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 4.670 tàu cá, giảm hơn 1.140 phương tiện so với năm 2020. Mặc dù vậy số lượng tàu lưới kéo vẫn còn khá lớn với gần 1.400 phương tiện, chiếm hơn 1/4 tổng số tàu cá. Do đó, tỉnh chỉ có thể cấm các tàu này hoạt động ở vùng gần bờ và vùng lộng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng nước nông.

Riêng ở vùng khơi, Bộ NN-PTNT vẫn cấp hạn ngạch cho tàu lưới kéo hoạt động nên tỉnh sẽ phấn đấu giảm dần bằng cách không cho đóng mới loại tàu lưới kéo và khi hết hạn sử dụng sẽ tự giải bản tàu.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng từ nay cho đến năm 2026, sẽ chuyển đổi 100 tàu lưới rê (chiều dài dưới 6m) hoạt động ở vùng ven bờ sang nghề du lịch trải nghiệm câu cá giải trí; chuyển 25 tàu lưới kéo ở nhóm chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động ở vùng ven bờ sang nghề lưới rê đáy. Đặc biệt, chuyển 558 tàu lưới kéo hoạt động ở vùng khơi sang nghề lưới rê đáy, nghề câu, nghề lồng bẫy, là những nghề ít ảnh hưởng tới môi trường sinh thái biển.

Theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về vấn đề nuôi trồng thủy sản, dù gặp nhiều khó khăn như đặc thù vùng biển của tỉnh là có sóng ngang lớn, vướng nhiều quy hoạch hàng hải, quân sự nhưng tỉnh vẫn quyết tâm quy hoạch các khu vực nuôi trồng công nghệ cao để phát triển ngành theo hướng bền vững.

Để có những mô hình nuôi biển hiệu quả cần có nhà đầu tư lớn, nhiều kinh nghiệm và sử dụng công nghệ hiện đại. Riêng đối với các sông, hiện nhiều đoạn đã kín lồng bè nên cần phải được khảo sát, mở rộng quy hoạch để phát triển các mô hình chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng hỗ trợ chế biến sâu, chế biến các mặt hàng tinh chế nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, tạo công ăn việc làm phù hợp cho bà con ngư dân dần ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục