Vững vàng Nhơn Trạch

Dù có những đồn đoán về việc nhập, tách địa giới hành chính nhưng người dân huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (tiếp giáp với TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn tràn đầy tâm thế tự tin trên chặng đường cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới. Với lịch sử lâu đời gắn liền với sự hình thành, phát triển của tỉnh và vùng Đông Nam bộ, địa phương này đang được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị công nghiệp xứng tầm của Vùng TPHCM.

Thi công nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 25B qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
Thi công nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 25B qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Tình đất tình người

Có dịp về các xã Phước An, Long Thọ, Phú Hữu công tác nhiều lần, chúng tôi mới có dịp hiểu thêm về bề dày lịch sử, văn hóa của huyện Nhơn Trạch. Những khu rừng ngập mặn xanh ngát, mênh mông sông nước Đồng Kho thông ra sông Đồng Tranh rồi chảy ra sông Lòng Tàu, ra biển Đông và liên thông với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TPHCM) cho thấy tiềm năng về đa dạng sinh học, du lịch của huyện. Nó cũng gợi nhắc đến chiến công của Trung đoàn 10 (Đặc công Rừng Sác) trong kháng chiến chống Mỹ đã đi vào sử sách.

Nhưng ấn tượng với chúng tôi hơn cả là sản vật nước lợ của Phước An và con người nơi đây. Những con tôm đất, nghêu, sò huyết, cá nâu vừa ngọt thịt vừa mang vị mặn mòi mang đến cho du khách những bữa ăn chất lượng khó quên. Vừa được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng vừa được nghe người dân địa phương như ông Ba Thọ (nguyên cán bộ tư pháp xã Long Thọ) hướng dẫn, mô tả chi tiết về vị đặc trưng từng loại cá, món ăn đặc sản khiến chúng tôi như được mở mang thêm kiến thức văn hóa du lịch. Vốn là dân gốc ở xã Phước An, từng có nhiều năm tháng gắn liền với việc mưu sinh trên những cánh rừng ngập mặn nên ông hiểu rõ luồng lạch từng nhánh sông chảy qua Phước An. Tính cách của ông cũng chân chất, phóng khoáng như đặc tính của người dân Nam bộ được hình thành suốt hơn 300 năm qua trên hành trình cha ông ta mở cõi về phương Nam.

Cảng nước sâu Phước An, Nhơn Trạch vừa được đưa vào khai thác trong năm 2025

Cũng không thể quên những người dân bình dị khác như ông Tám Dũng - người cũng sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất nước lợ Nhơn Trạch. Gia đình ông có công với cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, có mấy đùng tôm ở xã Long Thọ nên không phải lo về kinh tế, nhưng ông vẫn không quên lo toan đến quyền lợi chính đáng của người dân tứ xứ về lập nghiệp, định cư tại xã. Ông chạy đôn chạy đáo tìm gặp chính quyền, kể cả nhà báo để thỉnh cầu giúp bà con về chuyện kéo điện sinh hoạt cho hơn 100 hộ sống gần đó mà đến nay ý nguyện vẫn chưa thành chỉ vì vướng quy hoạch…

Khu đô thị Swan Bay xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch nằm bên sông Đồng Nai.jpg
Khu đô thị Swan Bay xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch nằm bên sông Đồng Nai

Hướng đến đô thị công nghiệp hiện đại

Cứ mỗi lần về Nhơn Trạch lại cho chúng tôi những cảm nhận mới. Mới đây, cuối tháng 4, chúng tôi ghé thăm một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 3 và lại thêm một lần ấn tượng với hạ tầng ở đây bởi đường sá rộng thênh thang, mỗi bên 3 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa; vỉa hè hai bên cũng rất rộng, thông thoáng cho người đi bộ. Giờ làm việc đường phố khá vắng, đó là do công nhân đang say sưa làm việc bên trong các nhà máy có vốn đầu tư trong và ngoài nước với công nghệ hiện đại. Chỉ có xe tải ra vào để chuyên chở hàng hóa tỏa đi các tỉnh, thành và ra bến cảng xuất khẩu đi nước ngoài. Cũng vì tập trung nhiều KCN lớn nên huyện Nhơn Trạch có dân số gần 300.000 người, đa số đang trong độ tuổi lao động và đây là nguồn nhân lực rất quan trọng để xây dựng một đô thị công nghiệp hiện đại.

Làng bè du lịch Phước An, huyện Nhơn Trạch đang là điểm đến du li5cvh sinh thái - văn hóa hấp dẫn.JPG
Làng bè du lịch Phước An, huyện Nhơn Trạch đang là điểm đến du lịch sinh thái - văn hóa hấp dẫn

Chỉ riêng KCN Nhơn Trạch 3 do Tổng Công ty Tín Nghĩa đầu tư và quản lý đã thu hút được 89 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 26.500 lao động. Trong đó, KCN Nhơn Trạch 3 (giai đoạn 1) được thành lập năm 1997 với tổng diện tích 336,9ha, diện tích đất đã cho thuê là 326,46ha, tương ứng tỷ lệ lấp đầy 98,8%, gồm 20 doanh nghiệp; KCN Nhơn Trạch 3 (giai đoạn 2) được thành lập năm 2008 với tổng diện tích 360,49ha, diện tích đất có thể cho thuê là 283,15ha, diện tích đất đã cho thuê 277ha, tương ứng tỷ lệ lấp đầy 97,8%, gồm 69 doanh nghiệp.

Sau hơn 30 năm thành lập, đến nay, huyện Nhơn Trạch có hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội; chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh, thu ngân sách nhà nước đạt 10.327 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng thu ngân sách tỉnh. Huyện đã xây dựng được 9 KCN, 1 cụm công nghiệp; thu hút 632 dự án đầu tư, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 458 dự án, với tổng số vốn trên 11,5 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh; dự án có vốn đầu tư trong nước là 174 dự án, số vốn 68.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 130.000 lao động.

Hội nghị trao đổi hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ được tổ chức tại Nhơn Trạch trong năm 2024.jpg
Hội nghị trao đổi hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ được tổ chức tại Nhơn Trạch trong năm 2024
cảng Phước An đón chuyến tàu container đầu tiên cập cảng ngày 13-2-2025.JPG
Cảng Phước An đón chuyến tàu container đầu tiên cập cảng ngày 13-2-2025

Đánh giá về cơ hội phát triển của huyện Nhơn Trạch, ông Dương Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, hiện nay Nhơn Trạch đã hình thành cảng Phước An nằm trong quy hoạch Cụm cảng 5, là cảng nước sâu hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu 60.000DWT; kết hợp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, khi đưa vào sử dụng tạo thành chuỗi liên kết quan trọng để phát triển dịch vụ logistics. Về tương lai, Nhơn Trạch là cực tăng trưởng quan trọng, kết hợp với Long Thành, Biên Hòa trở thành tam giác phát triển của tỉnh và lan tỏa vùng Đông Nam bộ, là “xương sống” của nền kinh tế tỉnh Đồng Nai, tạo nguồn thu quan trọng đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, với vị trí địa lý thuận lợi có 3 mặt giáp sông, có các tuyến đường bộ cao tốc đi qua, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam bộ, huyện Nhơn Trạch còn quỹ đất lớn phù hợp cho phát triển dịch vụ logistics phục vụ cho các KCN trên địa bàn tỉnh, hình thành khu đô thị vệ tinh hiện đại và đẳng cấp.

Theo Nghị quyết số 22/NQ-HĐND tỉnh Đồng Nai (ngày 29-4-2025), huyện Nhơn Trạch được sắp xếp lại còn 3 xã. Theo đó, sáp nhập toàn bộ 4 đơn vị hành chính cấp xã gồm Phú Hữu, Phú Đông, Đại Phước, Phước Khánh để thành lập xã Đại Phước; sáp nhập toàn bộ 5 đơn vị hành chính cấp xã gồm Phú Thạnh, Long Tân, Phú Hội, Phước Thiền và thị trấn Hiệp Phước thành xã Nhơn Trạch; sáp nhập toàn bộ 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm Vĩnh Thanh, Long Thọ, Phước An để thành lập xã Phước An. Và theo tờ trình của Bộ Nội vụ (ngày 4-5-2025) gửi Chính phủ cũng đã thống nhất với số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai mới, trong đó có 3 xã mới của huyện Nhơn Trạch (sau khi kết thúc hoạt động).

Tin cùng chuyên mục