
Sau hơn hai mươi năm phấn đấu thực hiện cải cách để được “chen chân” trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới nhưng đến nay, người Trung Quốc chợt giật mình khi nhận thấy khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội ngày càng nới rộng. Trung Quốc giờ là nơi “tập hợp của ba thế giới”.
- Thế giới “muốn gì được ấy”

Tàu thủy du lịch cao cấp cá nhân của giới “muốn gì được nấy”.
Đối với thành phần thuộc “thế giới” này, tiền không thành vấn đề, chủ yếu là chỗ tiêu tiền. Thu nhập bình quân đầu người của “thế giới” này khoảng 1,17 triệu NDT/năm và tập trung ở độ tuổi từ 25 – 39. Phần lớn tầng lớp giàu có này có trình độ đại học, gần 4/10 là người quản lý các doanh nghiệp; mỗi gia đình đều sở hữu những khu biệt thự hoặc căn hộ chung cư cao cấp.
Cái thú của lớp nhà giàu Trung Quốc giờ đây không còn chỉ là mua sắm xe hơi cao cấp, xây biệt thự mà đã chuyển sang các loại hình như mua sắm máy bay riêng, mua tàu thủy du lịch cao cấp. “Thế giới” này chiếm 15% tổng số 5.126 gia đình ở 10 thành phố lớn của TQ mà Viện Nghiên cứu tình hình đất nước TQ đã điều tra.
- Thế giới “thường thường bậc trung”
“Giới cổ cồn kham khổ phấn đấu” là đại diện chủ yếu của thế giới thứ hai, đa phần họ đều có công việc trong các cơ quan nhà nước hoặc tư nhân tương đối ổn định, thu nhập gia đình trong khoảng từ 2.000 đến 3.000 NDT/tháng. Những gia đình kiểu này quan tâm nhiều đến vấn đề nhà ở, giáo dục và du lịch. Họ đang ở giai đoạn chuyển từ hình thái tiêu dùng số lượng sang tiêu dùng chất lượng. Có đến 13% số người trong thế giới này sẵn sàng giảm bớt chi tiêu dành cho việc học hành của con cái.
- Thế giới “cùng khổ”
“Thế giới” này ở đầu mút quần thể dân chúng có thu nhập thấp và rất thấp. Thành phần này chiếm 5% số gia đình được điều tra. Vấn đề họ đối mặt chính là “muốn mua nhưng không có tiền”. Họ chỉ chú trọng vào cái ăn hàng ngày chứ không phải tiêu dùng.
Người viết chứng kiến, ngay sát chợ vải quốc tế Quảng Châu hào nhoáng là làng Khang Lạc với những khu nhà rách nát, ổ chuột, cống nước bẩn thỉu, ướt át, hôi hám, là nơi tập trung của những cư dân lao động nghèo, đồng thời cũng là nơi tập trung của nhiều tệ nạn xã hội. Trên các đường phố Quảng Châu nườm nượp xe cộ, không khó bắt gặp hình ảnh không chỉ có người già và trẻ em, mà còn một lượng khá lớn thanh niên ngồi bệt bên lề đường, trước mặt là dòng chữ dùng phấn viết nghệch ngoạc: “Tôi đói quá, xin cô bác cho dăm đồng” hay “Tôi không có tiền để trở về quê, xin cô bác giúp đỡ tiền tàu xe!”. Phần đông trong số này là những thanh niên nông thôn, hy vọng đến thành phố để đổi đời.
Trước tình hình phân hóa giàu - nghèo diễn ra ngày càng gay gắt trong xã hội TQ, ngày 26 tháng 5 năm 2006, Bộ Chính trị Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp nghiên cứu cải cách chế độ phân phối thu nhập. Dù vậy, theo ông Đường Quân, Viện Nghiên cứu Chính sách Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, bất kể việc thực hiện theo hướng nào cũng đều dẫn đến ảnh hưởng xã hội rất to lớn, đòi hỏi sự nghiên cứu và thực hiện thận trọng.
ĐÀO LƯU