Sứ mệnh đầy khó khăn của nữ thủ tướng đầu tiên ở Thái Lan Đúng như dự đoán, bà Yingluck Shinawatra đã chính thức trở thành thủ tướng thứ 28 của Thái Lan và là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử của xứ chùa Vàng. Trên cương vị mới, bà Yingluck sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách lớn, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Thái Lan đang bị chia rẽ và phân cực sâu sắc. Thách thức đầu tiên khi bước vào nhiệm kỳ 4 năm tới là bà Yingluck phải chứng tỏ khả năng vận hành chính phủ mới mà không cần có sự can thiệp hay chỉ đạo từ người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, hiện đang sông lưu vong ở nước ngoài. Để tồn tại lâu hơn ba chính phủ tiền nhiệm, tân Thủ tướng Yingluck phải chứng minh được rằng bà không phải là "cái bóng" của ông Thaksin hay một người thừa hành từ xa những tham vọng chính trị của ông. Theo một chuyên gia phân tích ở Bangkok, khi bà Yingluck thực sự bắt tay vào điều hành đất nước, nhiều người lo ngại rằng ông Thaksin có thể sẽ là trở ngại lớn. Đảng Puea Thai từng đề xuất xin ân xá cho các nhà hoạt động chính trị để thúc đẩy hòa giải tại đất nước này, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là cách để đưa ông Thaksin trở lại nắm quyền, dù cả hai anh em nhà Shinawatra đều bác bỏ điều này. Bản thân ông Thaksin cũng không giấu giếm mong muốn trở lại Thái Lan "vào một thời điểm thích hợp". Trong khi đó, phe “áo vàng” và Đảng Dân chủ khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng để phản đối một lệnh ân xá như vậy. Tuy nhiên, bà Yingluck dường như ý thức được rằng không nên gây thù hằn với những đối thủ đầy quyền lực của người anh trai. Còn nhớ hơn hai năm trước, chính phủ cuối cùng ủng hộ ông Thaksin đã bị hạ bệ do những cuộc biểu tình của người “áo vàng”. Hai đảng tiền thân của Puea Thai cũng đã bị giải tán sau khi tòa tuyên án các chính đảng này gian lận trong bầu cử. Một loạt trách nhiệm lớn lao đang dồn lên vai nữ Thủ tướng Yingluck, đặc biệt trong bối cảnh Thái Lan phải thay thủ tướng tới 5 lần kể từ khi ông Thaksin bị truất quyền trong cuộc đảo chính tháng 9-2006. Năm đời thủ tướng chỉ trong vòng 5 năm là một con số khiến một doanh nhân kỳ cựu nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trên chính trường như bà Yingluck phải suy ngẫm. Bài toán khó đặt ra đối với tân thủ tướng và ban lãnh đạo của Đảng Puea Thai là phải phân bổ ghế cho các thành viên kỳ cựu của Puea Thai, các đảng nhỏ trong liên minh và các thủ lĩnh “áo đỏ” để làm hài lòng các bên. Để có thể trụ được trên chiếc “ghế nóng”, bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình hòa giải dân tộc, tân Thủ tướng Yingluck cũng cần phải thực hiện cam kết nâng mức lương tối thiểu lên 300 bạt/ngày (khoảng 10 USD), cung cấp máy tính miễn phí cho các trường học và hỗ trợ giá nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp tỏ ý lo ngại rằng nếu các biện pháp dân túy đó áp dụng ngay sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan trên thị trường quốc tế. Trong diễn văn tạm biệt được phát trên đài truyền hình tối 4-8, Thủ tướng mãn nhiệm Abhisit Vejjajiva đã nhấn mạnh rằng việc chuyển giao từ chính phủ do ông lãnh đạo sang một chính phủ mới chỉ có thể diễn ra suôn sẻ nếu các cuộc xung đột được giải quyết thông qua nghị trường. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ lạm phát và giá hàng hóa tăng cao nếu chính phủ liên hiệp của bà Yingluck vay mượn hàng trăm tỷ bạt để thực hiện những chính sách đã hứa hẹn. Liệu thắng lợi lớn của một thành viên nữa trong gia đình Shinawatra có đánh dấu một sự khởi đầu mới cho xứ chùa Vàng, một cơ hội mới để đặt dấu chấm hết cho những bất ổn chính trị kéo dài suốt thời gian qua hay một lần nữa lại đặt ra những thách thức mới cho nền dân chủ mong manh của Thái Lan? Chắc chắn, chặng đường phía trước còn nhiều gập ghềnh chông gai và bà Yingluck không có sự lựa chọn nào khác là phải giương cao ngọn đuốc và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để đáp ứng những kỳ vọng của cử tri. Ngọc Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok) |