Bắc miền Trung vào mùa mưa lũ: Nguy cơ vỡ nhiều hồ đập

Mới bắt đầu vào mùa lũ năm nay nhưng ở Nghệ An đã xảy ra vỡ đập. Ngày 11-9, đập Tây Nguyên tại địa bàn xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu) bị vỡ. Hiện tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa, trong đó có 12 hồ có dung tích trữ trên 5 triệu m³, 613 hồ có dung tích chứa dưới 5 triệu m³. Các hồ này phần lớn được xây dựng từ những năm 1970-1980 với các phương tiện và trình độ khác nhau. Vì thế, theo khảo sát đánh giá của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, tần suất thiết kế an toàn lũ của các công trình này rất thấp, chỉ từ 5%-10%.
Bắc miền Trung vào mùa mưa lũ: Nguy cơ vỡ nhiều hồ đập

Mới bắt đầu vào mùa lũ năm nay nhưng ở Nghệ An đã xảy ra vỡ đập. Ngày 11-9, đập Tây Nguyên tại địa bàn xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu) bị vỡ. Hiện tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa, trong đó có 12 hồ có dung tích trữ trên 5 triệu m³, 613 hồ có dung tích chứa dưới 5 triệu m³. Các hồ này phần lớn được xây dựng từ những năm 1970-1980 với các phương tiện và trình độ khác nhau. Vì thế, theo khảo sát đánh giá của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, tần suất thiết kế an toàn lũ của các công trình này rất thấp, chỉ từ 5%-10%.

Nếu theo tiêu chuẩn thiết kế hiện nay thì mức bảo đảm an toàn lũ chỉ đạt từ 1,5-2%. Tại tỉnh Hà Tĩnh, do phần lớn hồ đập được xây dựng từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, công tác thiết kế, thi công, quản lý thiếu đồng bộ, hàng năm lại liên tiếp bị thiên tai, bão lụt tàn phá, các dự án và nguồn kinh phí đầu tư duy tu, sửa chữa hạn chế, chưa đúng tầm... nên chưa đảm bảo an toàn. Đặc biệt, có 20 hồ đang ở mức “báo động đỏ” cần phải sửa chữa khẩn cấp như: hồ Tân Phong, Khe Chọ, Nước Xanh (huyện Kỳ Anh), An Hùng, Vực Trống (Can Lộc), Đồng Hố (Lộc Hà), Bình Lạng, Đá Bạc (thị xã Hồng Lĩnh), Khe Dẻ (Hương Sơn), đập Hầu, Trạng, Mục Bài, Cơn Song, Khe Trồi, Khe Con, Họ Võ, Khe Sắn (Hương Khê)...

Gia cố hồ đập ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) trong đợt lũ tháng 9-2012. Ảnh: D.Quang

Gia cố hồ đập ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) trong đợt lũ tháng 9-2012. Ảnh: D.Quang

D.Cường - D.Quang

Cảnh báo lũ quét trên diện rộng

Ngày 9-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Nông ra thông báo khẩn nêu rõ, đến chiều tối 9-10, mực nước trên hầu hết sông suối của tỉnh Đắk Nông dâng cao bất thường và đạt đỉnh, có nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét ở nhiều nơi và trên diện rộng.

Do mưa lớn và kéo dài trên thượng nguồn nên nước đổ về các sông suối tỉnh Đắk Nông rất lớn cao hơn bình thường từ 3 - 5m, gây ngập lụt cho hàng trăm hộ dân và hàng ngàn hécta cây trồng các loại ở các huyện ĐắkR’ Lấp, Tuy Đức, ĐắkG’ Long và thị xã Gia Nghĩa.

Nước lũ đổ về các hồ chứa nước thủy điện của nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Srêpốk 3, Buôn Kuốp trên sông K Rông Nô (huyện K Rông Nô - tỉnh Đắk Nông) và sông Srêpốk thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk lắk; nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 trên sông Đồng Nai thuộc huyện ĐắkG’ Long (tỉnh Đắk Nông), gần đạt đỉnh và các nhà máy này chuẩn bị xả lũ.

Riêng tại công trình thủy điện lớn nhất là Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 đã hình thành lũ gây một số thiệt hại ban đầu như: mưa lớn gây sạt trượt tại một số vị trí và làm trôi đá rải bề mặt; chảy thành thác từ các cơ mái đào xuống nhà máy, tràn vào sân nhà máy; lũ quét tràn qua đường và đẩy đất đá xuống dòng sông sau cầu Đồng Nai 3; mái taluy khu vực đầu cầu nhà máy Đồng Nai 3 bị sạt trượt khối lượng khoảng 500m³.

* Chiều 9-10, BCH PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết, anh Lê Công Khanh (SN 1980, quê tỉnh Quảng Nam), là công nhân của Công ty TNHH Thanh Quảng Trà (đóng tại huyện Nam Trà My) bị nước lũ cuốn mất tích vào lúc 10 giờ 30 ngày 9-10. Sáng 9-10, các công nhân của Công ty Thanh Quảng Trà, trong đó có anh Khanh, men theo dòng sông Tranh để tìm kiếm thi thể anh Đoàn Phước Huệ (SN 1982, trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) bị lũ cuốn trôi ngày 6-10. Khi đến đoạn sông rộng chừng 20m (đoạn giáp giữa xã Trà Mai và Trà Dơn), anh Khanh bơi qua bờ bên kia sông để tìm kiếm, bị lũ cuốn trôi.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, cũng trên sông Tranh cách nơi anh Khanh bị nạn khoảng 1km về phía thượng nguồn, có 3 người bơi qua sông thì 2 người bị nước lũ cuốn trôi dẫn đến chết đuối. Theo ông Hồ Trọng Phúc (SN 1969) người sống sót cho biết, vào thời điểm trên, ông cùng ông Toán (chưa xác định được họ, khoảng 60 tuổi) cùng con rể là anh Yên (chưa xác định được họ, khoảng 30 tuổi, quê ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đi làm vàng tại khu vực xã Trà Tập về. Đến sông Tranh, thấy nước lớn nên anh Yên bơi qua trước. Khi anh Yên đến bờ thì phát hiện ông Toán và ông Phúc bị nước cuốn trôi.  Anh Yên bơi ra cứu nhưng cả hai bị nước cuốn trôi, ông Phúc bị cuốn trôi hơn 20m nhưng may mắn thoát chết.

* Theo tin từ Ban chỉ huy PCLB huyện Đam Rông (Lâm Đồng), đến trưa 9-10 mới tìm thấy thi thể của chị Nguyễn Thị Thủy (35 tuổi, ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) bị nước lũ cuốn trôi vào đêm 8-10. Tối 8-10, khi đang ở trong nhà thuộc khu rẫy trên thì bất ngờ nước lũ dâng cao, chị Thủy đi thu gom tài sản để tránh lũ nhưng bất ngờ bị lũ cuốn trôi xuống suối Đạ R’Sal.

Nhóm PV

Thời tiết Nam bộ, Trung bộ đẹp dần lên

Chiều và tối 9-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã có thông báo mới nhất về việc dự báo mực nước cao nhất năm 2012 tại đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên và đạt mức cao nhất năm 2012 vào ngày 16 và 17-10-2012. Tại Tân Châu, mực nước đạt mức 3,5m (BĐ1), tại Châu Đốc đạt mức 3,1m (trên BĐ1: 0,1m) sau đó xuống dần. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, thời tiết ở hai khu vực Nam bộ, Trung bộ sẽ tốt dần lên, mưa ở các khu vực này đang giảm, trời nắng ban ngày và có mưa vài nơi vào chiều tối và đêm. Nhiệt độ Tây Nguyên phổ biến 27-30°C, Nam bộ 29-32°C. Trên biển thời tiết ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gió giảm xuống cấp 4-5, trời không mưa và hửng nắng nhẹ.

Càng về cuối tuần, mưa ở Nam bộ càng giảm, nắng sẽ nhiều hơn. Riêng miền Bắc đang nắng đẹp và ổn định. Nhiệt độ 23-31°C, sáng có sương mù nhẹ, miền núi thì se se lạnh, có nơi nhiệt độ 13°C.

P.Văn

Tin cùng chuyên mục