Khám chữa bệnh ở các bệnh viện, trung tâm y tế

Bài 1: Bệnh viện tuyến trên: giường thiếu, bệnh đông

Bài 1: Bệnh viện tuyến trên: giường thiếu, bệnh đông

Sở Y tế TPHCM hiện đang quản lý các bệnh viện (BV) chuyên khoa: Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Từ Dũ, Hùng Vương, Bệnh Nhiệt đới... và các BV đa khoa: Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, An Bình, Nhân dân 115... Hầu hết các BV này đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân ngoại trú lẫn nội trú.

  • Chấp nhận nằm ngoài hành lang

Chiều 5-12, chúng tôi đến Khoa hô hấp BV Nguyễn Tri Phương, nằm trên lầu 2 - là một trong những khoa đông bệnh nhân nhất vì đang mùa lạnh, nhiều người bị cảm cúm. Phòng bệnh được kê giường chật đến nỗi không còn lối đi. Bên ngoài hành lang của khoa cũng được tận dụng kê cả chục chiếc giường - chưa kể ghế bố được kê thêm khi thiếu giường.

Bài 1: Bệnh viện tuyến trên: giường thiếu, bệnh đông ảnh 1

Một trung tâm y tế phải tận dụng khu vực hội trường để kê giường phục vụ bệnh nhân. Ảnh: NG.TR.

Chị Thái Thị Thu, 21 tuổi, đang chăm sóc anh Thái Đình Bình cho biết: anh Bình nhập viện lúc 12 giờ đêm trong tình trạng sốt cao, nhức đầu, đau nhức các cơ. Do không có giường nên bệnh nhân đành phải nằm tạm trên ghế bố ngoài hành lang của khoa.

Bình quân, mỗi ngày BV Nhân dân 115 có 1.200 bệnh nhân điều trị nội trú, trong khi giường bệnh chỉ có 850. Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh-Giám đốc BV ND 115 đưa chúng tôi đi tham quan một vòng, hầu hết các khoa ngoại, nội thần kinh, nội tim mạch… đều rất đông bệnh nhân.

Dọc theo lối đi của các khoa đều được kê băng ca, ghế bố cho bệnh nhân nằm tạm. Phòng bệnh rất chật chội và ngột ngạt vì kê đầy giường, cứ ba bệnh nhân nằm trên hai giường kê lại. Tương tự, BV Nguyễn Trãi được giao 550 giường theo kế hoạch, thực kê 700 giường nhưng có những ngày đầu tuần, bệnh nhân vào điều trị nội trú tăng lên khoảng 730.

Để giải quyết tình trạng quá tải ở các khoa cấp cứu tổng quát, tim mạch, hô hấp… BV Nguyễn Trãi đã gửi tạm bệnh nhân ở các chuyên khoa trên vào các khoa có ít bệnh nhân như tai mũi họng, ngoại, mắt và cử bác sĩ đến khám.

Ở BV Nhân dân Gia Định, các khoa: nội, nhi, ngoại, sản luôn trong tình trạng quá tải. Tại khoa ngoại lồng ngực, ngoài những bệnh nhân nằm trên băng ca ngoài hành lang, trong mỗi phòng bệnh dù đã kê 8 giường nhưng khi nào đông bệnh nhân thì vẫn phải sắp xếp cho bệnh nhân nằm ghép.

Cháu Thanh Bình, 15 tuổi, ở phòng 21 Khoa ngoại lồng ngực ấm ức về việc cháu mổ viêm ruột thừa cấp được 3 ngày, còn rất đau nhưng phải nằm ghép với một bệnh nhân khác. Cháu Bình kể, trước đó do bị ói, đau vùng bụng nên được gia đình chuyển đến cấp cứu tại TTYT quận Bình Thạnh theo diện BHYT.

Các bác sĩ ở đây nhiệt tình khám và chích thuốc giảm đau. Tuy nhiên, khi về nhà cháu lại bị đau bụng dữ dội và phải trở lại trung tâm. Sau khi chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp, bác sĩ trực cấp cứu yêu cầu cháu đến mổ cấp cứu tại BV Nhân dân Gia Định. Dù đã lên tuyến trên nhưng gia đình cháu Bình thắc mắc: TTYT Bình Thạnh mới xây dựng, phòng mổ hiện đại nhưng không hiểu vì sao lại không nhận mổ viêm ruột thừa?!

  • Tâm lý và những hệ lụy...…

Bãi giữ xe BV Từ Dũ luôn trong tình trạng thiếu diện tích và thừa xe. Ngay từ cổng bệnh viện trở vào, hầu hết các ghế đá, bãi đất trống đều có rất đông người thăm nuôi bệnh nằm ngồi ngổn ngang. Khu vực khám phụ khoa chật kín người xếp hàng chờ gọi số. Tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ là chuyện thường ngày.

Tại các phòng nội trú, kẻ đứng người ngồi chen chúc, người thăm nuôi, thai phụ chờ sinh và sản phụ phải ở chung phòng. Ghế bố, giường xếp, chiếu, tấm nylon được đặt, trải la liệt ngoài hành lang để làm chỗ nghỉ ngơi. Không ít thai phụ sắp đến ngày sinh phải đứng, ngồi trước lối đi phòng nội trú vì trong phòng quá chật.

Bài 1: Bệnh viện tuyến trên: giường thiếu, bệnh đông ảnh 2

Bệnh viện Ung bướu thường xuyên bị quá tải. Trong ảnh: Bệnh nhân chờ đến lượt khám bệnh tại bệnh viện. Ảnh: N.T.

Bệnh nhân Huỳnh Thu H., 81 tuổi (ngụ tại đường Lê Văn Thọ phường 12 quận Gò Vấp) vào cấp cứu tại BV N. trong tình trạng khó thở, phù chân. Sau khi khám, một bác sĩ thực tập kết luận: bệnh nhân bị suy thận! Sang ngày hôm sau, bệnh nhân tiếp tục khó thở, bác sĩ khác khám và cho rằng… thận tốt, bị viêm phổi và cho dùng kháng sinh liều mạnh.

Qua 4 ngày nằm viện, từ chỗ bệnh nhân còn đi đứng được, đã yếu dần tay chân nên mọi sinh hoạt đều phải cậy đến người nhà hỗ trợ. Buổi tối, bệnh nhân tiếp tục khó thở, người nhà đi gọi đến 20 phút sau bác sĩ mới có mặt. Bức xúc quá, thắc mắc thì mới biết một bác sĩ trực phụ trách phải theo dõi bệnh nhân ở cả… 3 tầng lầu.

Ngay sáng hôm sau, người nhà xin cho xuất viện và chuyển bệnh nhân sang một bệnh viện tư. Khác với BV N., kết quả chẩn đoán mới, bệnh nhân bị tâm phế mạn (lão suy, cao huyết áp động mạch phổi ảnh hưởng tim). Chỉ sau 8 giờ điều trị, bệnh nhân khỏe và về trong ngày.

Qua nhiều lần trao đổi với các vị lãnh đạo BV Nhi đồng 1, Ung bướu, Từ Dũ, Chấn thương chỉnh hình,… hầu hết các vị đều thừa nhận rằng, với áp lực một bác sĩ phải khám từ 80-120 bệnh nhân trong ngày thì khó tránh khỏi những sai sót. Cũng chính vì tâm lý tập trung đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên mà người bệnh phải chịu đựng vô số những hệ lụy kèm theo: điều kiện sinh hoạt tối thiểu thiếu thốn, nhiễm khuẩn và lây lan bệnh cho nhau, tốn nhiều chi phí và thời gian. 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục