Nhà cổ ở thành phố Hồ Chí Minh
Có một nghịch lý đang diễn ra: người có tiền, có khiếu thẩm mỹ khi làm nhà mới thì làm giả cổ hoặc chạy đôn đáo khắp nơi tìm mua nhà cổ về dựng. Trong khi đó, nhiều chủ nhân của những ngôi nhà cổ lại ghẻ lạnh với chính nơi cư trú của bao thế hệ gia đình.
Xập xệ
Ai đến hẻm 23 đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, Bình Thạnh, TPHCM) cũng thấy một cảnh đối lập. Một bên là nhà số 6, quán ăn Những người bạn tuy mới xây dựng được mấy năm nhưng chủ nhân của nó làm theo mô hình nhà truyền thống Nam bộ với cột gỗ, lan can gỗ, mái lợp ngói 22, sân lát gạch vuông Bát Tràng. Phía đối diện, cách chục bước chân là ngôi nhà A17/1E đường Ngô Tất Tố, phường 22, Bình Thạnh, một ngôi nhà cổ Nam bộ hơn 100 năm tuổi, thì mái lợp ngói mũi hài đã nhiều chỗ xô lệch, phải dặm vá bằng những miếng nhựa xanh, trắng; tường chỗ nứt nẻ, chỗ thủng gạch phải quây bằng những tấm tôn, mảnh nhựa. Trên một tấm tôn quây ngoài tường, chủ nhà còn cẩn thận dán tờ giấy trắng in mấy chữ đen cảnh báo người qua lại: “Cẩn thận/ Quý khách vui lòng đậu xe cách tường 2m/ Ngói dễ rơi vào xe”.
Nhà cổ số 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh đã xuống cấp
Cũng ở quận Bình Thạnh, đường Nơ Trang Long hiện còn mấy ngôi nhà cổ cũng đều ở trong tình trạng xập xệ như thế. Nhà số 124, 126, 128 (thuộc phường 14) đều hư hỏng nặng: tường loang lổ, thủng lỗ chỗ; cửa gỉ sét; mái ngói xô xốc; sân và hành lang chất đồ đạc bừa bãi. Tôi ngỏ ý muốn vào tham quan thì bà chủ nhà số 124 lắc đầu, xua tay. Bà chủ nhà số 128 thì bảo: “Hư hết rồi có gì mà xem”, rồi bà chỉ dẫn: “Cậu đến gần cầu Băng Ky, có ngôi nhà xưa hơn nhà này nhiều, mà đẹp lắm!”. Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến ngôi nhà số 237 (thuộc phường 11). Đó là căn biệt thự rất đẹp xây theo kiến trúc Pháp với nền cao, hành lang bao quanh, sảnh đón khách phía trước là nơi giao nhau của 2 bậc thang uốn cong đi vào từ 2 bên. Vách tường loang lổ dấu thời gian được tô điểm bằng những ô gạch men trang trí kỷ hà. Vòng ngoài là một hàng rào làm bằng cột sắt, mảnh tôn, giăng lưới B40 phủ dày cây xanh. Tôi nhìn qua lỗ khóa ở cánh cổng sắt, thấy thấp thoáng một ông lão mặc bộ quần áo bà ba màu nâu chầm chậm đi lại trên hành lang. Ông là Lê Thành Công (Sáu Nhỏ), 84 tuổi, chủ nhà. Theo ông, căn biệt thự này đã gần 200 tuổi. Những người sống trong ngôi biệt thự này đã đến thế hệ thứ 6, trong khoảng sân lớn, nay gia chủ đã cất thêm vài căn cho con cháu ở. Dãi dầu mưa nắng, thời gian, ngôi nhà chính đã xuống cấp, nhiều mảng tường nứt đã phải vá bằng xi măng. Trần nhà đã rụng lớp xi măng, lộ ra sườn gỗ cũng đã mục, tưởng chừng có thể sập bất cứ lúc nào. Ông Sáu cho biết, do đang đợi xác định quy hoạch lộ giới con đường trước mặt nên vẫn chưa thể bắt tay vào sửa chữa lại ngôi nhà.
Nhà cổ ở số 124 Nơ Trang Long (phường 14, quận Bình Thạnh) đã xuống cấp nghiêm trọng
TPHCM còn bao nhiêu nhà cổ nguyên vẹn?
Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, ở TPHCM hiện chỉ còn 8 căn nhà cổ dân gian truyền thống còn giữ được nguyên vẹn những giá trị. Ở khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, có nhà của bà Trần Thị Kim Hồng ở số 34/14 ấp 5 và nhà ông Nguyễn Kim Chung ở số 18/9. Hai căn nhà này được gia đình nhiều lần sửa chữa, sơn phết lại. Các đồ vật trong gia đình như tủ, bàn, ghế… được chạm khắc hoa văn rất độc đáo, tinh xảo. Chính vì thế mà nhiều năm qua, 2 ngôi nhà này còn là phim trường của một số bộ phim như Con thú tật nguyền, Dòng sông không quên, Mùa nước nổi, Ngọn cỏ gió đùa, Người Bình Xuyên...
Ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, có 2 ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Hữu Thời và Nguyễn Minh Chính. Trong đó, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Minh Chính được xây dựng cách nay hơn 100 năm còn khá kiên cố, kiến trúc rất đẹp và nguyên vẹn. Nhà trước được thiết kế 3 gian 2 chái, có 2 lối đi gắn kết với nhà phía sau, ở giữa 2 lối đi có một khoảng rộng để trồng hoa kiểng… Phần gạch nền của nhà được lát bằng gạch lục giác màu đỏ. Loại gạch này rất hiếm thấy trong những căn nhà cổ khác ở thành phố hiện nay. Ở huyện Bình Chánh còn một căn nhà cổ của ông Huỳnh Kim Phú (107A/4 ấp 1, xã An Phú Tây), được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, nóc bánh ú, có 36 cột gỗ, các đầu kèo đều được khắc hoa văn hình rồng. Theo ông Phú, căn nhà được xây dựng từ năm 1885, được ông cố của ông Phú là tri huyện Phạm Văn Huynh mua lại và lấy bảng hiệu là Long quan hiệu. Căn nhà này không chỉ có kiến trúc cổ xưa mà còn mang dấu ấn lịch sử trong những năm kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn (1945-1946). Chính nhờ cái trang thờ rộng lớn của căn nhà và sự tinh ý của bà Lê Thị Hạnh (mẹ ông Phú) mà các cán bộ cách mạng như Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Nguyễn Văn Chì, Ung Văn Khiêm, Huỳnh Văn Vàng thoát khỏi sự truy lùng của giặc Pháp. Về sau, căn nhà còn trở thành nơi dừng chân của Ủy ban kháng chiến Nam bộ lúc bấy giờ…
Ở huyện Hóc Môn có nhà của bà Ngô Thị Anh Đào ở số 15/2 đường Lê Thị Hà, khu phố 8, thị trấn Hóc Môn, cũng là một kiến trúc cổ dân gian truyền thống điển hình. Căn nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX ở Biên Hòa, Đồng Nai. Sau đó, năm 1942, chủ nhân cho chuyển toàn bộ khung nhà về địa chỉ hiện nay. Nhà có kiến trúc 3 gian 2 chái, mái ngói, nền gạch. Trên các kèo và bao lam đều có chạm khắc các họa tiết khá tinh vi. Kế căn nhà cổ của bà Đào là nhà ông Phạm Văn Đúng, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, nhưng đến nay đã trải qua 2 lần sửa chữa lớn và hiện nay nhìn từ bên ngoài thì căn nhà hoàn toàn có kiến trúc hiện đại. Cùng cảnh ngộ với căn nhà của ông Phạm Văn Đúng là nhà ông Trần Minh Thạc ở ấp 10, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Trước đây, căn nhà của ông Thạc cũng là nhà cổ dân gian truyền thống với kết cấu 3 gian 2 chái, vật liệu bằng gỗ. Vào năm 2002, chủ nhà đã cho trùng tu sửa chữa và kết quả là hiện nay căn nhà hoàn toàn là một kiến trúc hiện đại. Trong nội thành hiện còn 2 căn nhà cổ rất có giá trị là nhà của bà Nguyễn Thị Bích Thủy ở số 292, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5 và nhà của bà Trần Thị Ngọc Thảo ở số 185/3, đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận. Hai căn nhà này đều được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX và đến nay kết cấu chính của căn nhà vẫn còn nguyên vẹn. Các vật dụng bằng gỗ trong nhà đều được chạm khắc rất tinh vi với nhiều họa tiết dân gian. Điều đáng mừng là căn nhà của bà Bích Thủy đã được TPHCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Còn lại những ngôi nhà khác đang đứng trước nguy cơ biến mất do quy hoạch phát triển thành phố.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
--------------------------------------
Bài 2: Rối chuyện bảo tồn