Sạt lở đê biển và những hệ lụy
Vùng ĐBSCL có chiều dài bờ biển hơn 700km, chiếm khoảng 1/5 tổng chiều dài bờ biển của nước ta; trong đó hơn phân nửa nhìn ra biển Đông và phần còn lại nhìn về hướng Tây ra vịnh Thái Lan. Nhiều năm qua, chạy dọc theo các tuyến ven biển ĐBSCL là nơi đông đảo người dân sinh sống để khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, trồng hoa màu… đem lại nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, trước những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở đê biển càng lúc càng nghiêm trọng, đe dọa đời sống của nhiều hộ dân…
Sạt lở trên diện rộng
Những ngày đầu tháng 3-2017, trở lại điểm nóng sạt lở tại cửa biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), chúng tôi chứng kiến dãy bờ kè nơi đây bị sóng biển đánh hư hỏng nghiêm trọng. Trong khi đó, từng đợt sóng từ biển vẫn ngày đêm dội ầm ầm vào thân kè, có lúc sóng mạnh đánh bay nước cao đến 3m, tràn qua đỉnh kè. Theo quan sát của chúng tôi, đoạn kè tiếp giáp với ngay đầu cửa biển Gành Hào đang chịu tác động nhiều nhất và hư hỏng nặng nề nhất. Sóng biển đánh không chỉ sạt lở mái kè, sụp hành lang kè, mà còn làm gãy mũ chắn sóng rất nguy hiểm, nguy cơ sạt lở kè rất cao.
Kè Gành Hào, một trong những điểm nóng sạt lở ở Bạc Liêu
Là một trong nhiều hộ dân có nhà ở gần kè Gành Hào, bà Hồ Thị Dân (ấp 1, thị trấn Gành Hào) lo lắng: “Hiện kè này nguy hiểm lắm, có thể sụp bất cứ lúc nào. Nếu kè sập thì hàng ngàn hộ dân ở phía sau kè sẽ bị ảnh hưởng”. Bà Dân cho biết thêm, vào những lúc nước lên thì ban đêm không dám ngủ do sóng biển đánh mạnh quá, sóng đánh dội vào thân kè làm rung chuyển như “động đất”, có khi nằm trên giường nó nhảy tưng tưng. Vì vậy, mỗi khi thủy triều dâng cao, biển động… không dám cho trẻ ngủ ở nhà, mà gửi đi nơi khác. Theo người dân địa phương, đây là năm thứ hai liên tiếp kè Gành Hào bị sạt lở. Cách đây một năm “kịch bản” cũng diễn ra tương tự. Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất do nhà sát điểm sạt lở, ông Huỳnh Việt Chương kể: “Năm ngoái, gió chướng thổi mạnh nên sóng đánh vào kè, đập vào thân kè dội lên ngang nóc nhà tôi và đánh sập vách tường nhà. Sau đó tôi xây lại nhà, triều cường tiếp tục đánh sập. Thời gian qua cả nhà sống trong nơm nớp lo sợ”.
Tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng tại ven biển ĐBSCL. Đã nhiều năm nay, những cư dân ở khu vực cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) sống trong tâm trạng lo âu vì sạt lở. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Văn Lợi cho biết: “Sạt lở ở khu vực này diễn ra nhiều năm nhưng mạnh nhất là trong 3, 4 năm nay. Trước đây, khu vực này dân còn cất nhà trệt, nay thì phải làm nhà sàn vì không còn đất. Con đường từ đồn biên phòng cũ chạy ra Vàm Xoáy cũng đã lở mất tiêu, nên dân ở đây phải đi lại trên những cây cầu nối tiếp nhau. Nhiều người chịu đựng không nổi đã bỏ đi để lại những căn nhà trống huơ trống hoác...”.
Tại vùng biển huyện Ba Tri (Bến Tre) mặc dù đang vào mùa khô hạn nhưng tình trạng sạt lở bất ngờ ập đến làm nhiều hộ dân chịu cảnh trắng tay vì không ứng phó kịp. Ông Huỳnh Văn Ngoạt, ngụ ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho biết: “Mới giữa tháng 2-2017, trong lúc người dân xứ biển này đang tập trung trồng hoa màu và nuôi thủy sản thì sóng biển kết hợp với triều cường ập đến dữ dội suốt mấy ngày liền. Do sóng đánh rất mạnh, có lúc cột sóng cao hơn 4m, đã làm căn nhà tường của gia đình tôi bị vỡ tung tóe, tài sản trôi hết. Rất may là không ai bị thương tích”.
Sóng biển đánh hư hỏng nhà dân ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) mới đây
Thiệt hại tiền tỷ
Theo ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, chỉ riêng đợt sóng biển vừa qua đã gây sạt lở khoảng 2km đê, ăn sâu vào đất liền khoảng 10m. Có tổng cộng 25 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 2 căn nhà bị sập hoàn toàn và 5ha rau màu bị sóng cuốn trôi; tổng thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Khu vực này sạt lở đê biển diễn ra khoảng 7 năm nay, dù địa phương đã nỗ lực khắc phục như làm kè, trồng cây chắn sóng… nhưng sạt lở cứ ngày càng trầm trọng. Ước tính bình quân biển lấn sâu vào đất liền khoảng 10-20m mỗi năm, ảnh hưởng sản xuất và đe dọa đời sống nhiều hộ dân”.
Trao đổi với những cán bộ thủy lợi tỉnh Trà Vinh, ai cũng lắc đầu ngao ngán về nạn sạt lở đê biển ngày càng nguy hiểm. Theo thống kê, toàn tỉnh Trà Vinh có tuyến đê biển dài khoảng 65km đi qua các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, với khoảng 17.000 hộ dân sinh sống; thế nhưng tình trạng sạt lở diễn ra liên tục đã khiến việc sản xuất cũng như đời sống người dân bị đảo lộn. Chỉ chúng tôi nhiều đoạn đê bị sóng đánh lở sâu vào đất liền, những cánh rừng phi lao cũng bị quật ngã trơ gốc, ông Hồ Quốc Hải, 70 tuổi, ngụ ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: “Hồi trước mé biển cách thân đê hiện hữu này khoảng 1- 1,5km, đất đai của gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác nằm tuốt ngoài kia. Thế rồi biển xâm thực, sóng đánh ăn sâu vào đất liền vài chục mét mỗi năm… cứ lần hồi như thế mà rất nhiều đất đai của người dân xứ này bị “bà thủy” nuốt chửng hết. Riêng gia đình tôi đã 3-4 lần dời nhà tháo chạy vì bị “thủy thần” rượt đuổi”.
Theo ông Hồ Quốc Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, thời gian qua nạn sạt lở đê biển gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân địa phương. Ngoài chuyện mất mùa màng, mất hàng trăm hécta rừng phi lao… thì sạt lở làm mất rất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hiện tại có nhiều hộ vẫn còn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đất đã bị sạt lở thành… biển. “Trước thực trạng sạt lở toàn tuyến đê biển hơn 8,5km đi qua địa bàn xã nên xã đã chủ động di dời nhiều hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xây dựng tuyến dân cư để bố trí bà con bị mất nhà, mất đất có chỗ ở. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt bởi sạt lở tiếp tục rượt đuổi nếu không có phương án phòng chống căn cơ, lâu dài…”, ông Triều nói.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện tại kè Gành Hào bị sạt lở đến 87m chiều dài, chiều rộng sạt lở 10m, chiều sâu trung bình 2,5m. Phần hành lang phía sau tường kè bị sạt lở dài 65m, chiều rộng 6m, sâu từ 0,2 - 1,5m. Nguy hiểm nhất là phần mũ chắn sóng bị gãy hoàn toàn trên 47m. Tương tự, tại kè Nhà Mát, sóng biển đánh làm phần mũ chắn sóng kè sạt gãy trên 20m rơi xuống mái kè… Để khắc phục hậu quả, tỉnh Bạc Liêu cần khoảng 40 tỷ đồng để triển khai nhanh biện pháp khắc phục khẩn cấp, không cho sạt lở và sụt lún phát sinh thêm. Trong đó, gia cố kè Gành Hào là 25 tỷ đồng, kè Nhà Mát và cầu Chiên Túp 1 là 15 tỷ đồng. Về lâu dài, Bạc Liêu cần nguồn vốn đến 210 tỷ đồng để xử lý sạt lở. Lãnh đạo UBND huyện Đông Hải cho rằng, nếu tình huống xấu xảy ra là kè Gành Hào bị sạt lở, thì có trên 8.000 hộ dân sinh sống tại thị trấn Gành Hào bị ảnh hưởng. Vì vậy, UBND huyện Đông Hải đề nghị cần có giải pháp khắc phục kịp thời, không để hậu quả sóng biển đánh vỡ kè...
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận, dọc chiều dài tuyến đê biển Gò Công khoảng 17km đều bị sạt lở đe dọa, bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền 8-10m. Sạt lở đê biển làm mất hàng chục hécta rừng phòng hộ và “lá chắn sóng” này tiếp tục mất bởi sạt lở ngày càng trầm trọng. Theo tính toán, tuyến đê biển Gò Công bảo vệ cho khoảng 38.000ha đất sản xuất và hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống trong vùng ngọt hóa Gò Công. Vì vậy, trước thực trạng sạt lở dữ dội hiện nay, rất cần những giải pháp cấp bách để ứng phó nhằm tránh nguy cơ vỡ đê biển sẽ gây thiệt hại khôn lường…
|
HUỲNH LỢI - NGỌC CHÁNH