| |
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn của Báo SGGP về giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
- PV: Hội nghị Trung ương 4 bàn nhiều vấn đề, trong đó việc cấp bách là xây dựng Đảng. Thưa đồng chí, vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong Đảng được đặt ra từ bao giờ?
Đồng chí LÊ KHẢ PHIÊU: Đảng ta được thành lập từ năm 1930, đến nay Đảng ta đã 82 tuổi. Từ khi thành lập Đảng đến năm 1945 khi chúng ta khởi nghĩa giành chính quyền thì ngay trong việc bàn về vị trí vai trò của Đảng, chúng ta cũng đã nói tới việc bản thân Đảng phải tự xây dựng mình. Xây dựng Đảng phải có nguyên tắc là tập trung dân chủ, đoàn kết, tự phê bình và phê bình và phải hết sức đề phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu. Năm 1945, chúng ta giành được chính quyền.
Năm 1947, 1948, Bác Hồ đã đặt vấn đề về những khuyết tật của Đảng cầm quyền thông qua việc sửa đổi lề lối làm việc. Bộ máy nhà nước, công quyền phải là công bộc, là đầy tớ của nhân dân - Bác đã nói rất rõ như vậy. Bác cũng yêu cầu trong Đảng phải hết sức chú ý đấu tranh phòng chống chủ nghĩa cá nhân. Lúc đó, trong bộ máy chính quyền, Đảng vẫn có dáng dấp của những vị quan xưa, chứ chưa phải là cán bộ cách mạng. Từ thời điểm đó, Bác Hồ đã nói ngay rằng cán bộ không phải làm quan, mà là đầy tớ của dân.
Như vậy, chỉnh đốn Đảng không phải bây giờ mới nói mà đã bắt đầu từ năm 1947, rồi cả những giai đoạn lịch sử sau này, kể cả biểu hiện tự mãn sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đảng ta luôn phải tự rèn luyện, phê bình, tự phê bình, chấn chỉnh trong nội bộ để đi lên.
- Như vậy, Đảng ta luôn đề cao sự tự chỉnh đốn, chống các biểu hiện suy thoái?
Năm 1969, trước khi Bác mất, Bác dự liệu chúng ta sẽ giành thắng lợi sớm, nhưng sau thắng lợi việc trước tiên là phải củng cố Đảng. Điều đó có nghĩa Bác đã nhìn thấy, đã đấu tranh và đã tiên lượng những thói hư tật xấu trong nội bộ Đảng. Năm 1975 chúng ta giành thắng lợi, sau đó có tiến hành nghiên cứu Di chúc của Bác, đặt ra vấn đề chỉnh đốn xây dựng Đảng. Lúc đó Đảng ta cũng đặt vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân. Đến Đại hội VI năm 1986, chúng ta thực hiện đường lối đổi mới, giải phóng sức sản xuất, rồi sau đó Đại hội VII khẳng định chúng ta vượt qua khủng hoảng về kinh tế - xã hội tuy chưa vững chắc.
Năm 1991 có Cương lĩnh về xây dựng CNXH thời kỳ quá độ… tất cả những chặng đường đó trong Đảng đều có “bệnh” nhưng chúng ta khắc phục từng bước để đi lên, đạt được nhiều thắng lợi vĩ đại. Trong thắng lợi của đổi mới, Đảng ta vẫn nhận rõ những nguy cơ, những khuyết tật, nhất là sự tự suy thoái, chủ quan, tự mãn. Qua đó cho thấy ngay cả lúc đang thắng lợi, Đảng ta vẫn luôn luôn cảnh giác với những thói hư tật xấu có thể phát ra nếu lơ là, mất cảnh giác.
- Từ trước đến nay, những vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã từng được đặt ra chưa, thưa đồng chí?
Hội nghị Trung ương 6 lần 2 của khóa VIII đã đề cập đến những vấn đề cơ bản, cấp bách về xây dựng Đảng. Đảng ta lúc đó đã đặt 3 vấn đề: suy thoái về đạo đức lối sống, tư tưởng chính trị; nguyên tắc tổ chức, phê bình, tự phê bình rất hình thức, rời rạc, trong đó có công tác cán bộ; phương thức lãnh đạo có nhiều vấn đề, trong nội bộ mất đoàn kết, một bộ phận đội ngũ cán bộ hư hỏng. Lúc đó tôi đã cho in lại Di chúc của Bác Hồ, kể cả bản nháp để củng cố lại Đảng. Dư luận chung lúc đó là rất ủng hộ, Đảng ta tuy có khuyết điểm, nhưng vấn đề củng cố được cho đúng thì đó là hạnh phúc cho nhân dân, cho Đảng. Người dân gửi thư, tham gia rất nhiệt tình, họ mong Đảng ta sẽ có chuyển biến.
Và thực tế, Đại hội VIII, Đại hội IX chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Nhưng chỉ cần chúng ta lơi dần là sẽ bộc lộ những cái mới. Vì vậy, Đại hội X, Đại hội XI đều nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Bệnh cũ tái phát và có phần nguy hiểm hơn, nhất là bệnh quan liêu, xa dân, cửa quyền, tham ô tham nhũng thành quốc nạn, nguyên tắc tổ chức lơi lỏng, người đứng đầu bộ máy không thể hiện được nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác cán bộ có nhiều sai phạm. Hội nghị Trung ương 4 lần này tiếp tục thực hiện những vấn đề mà Hội nghị Trung ương 6 lần 2 đã đặt ra về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta phải tự phê bình trong Đảng một cách nghiêm túc.
- Thưa đồng chí, những khuyết điểm đó đã được thấy, được nói đi nói lại, được ngăn chặn nhưng tại sao vẫn không thể giải quyết?
Quả thật là nhiều khó khăn. Nhưng nếu trên mà làm được thì cấp dưới cũng sẽ tốt. Nếu trên mà làm nửa vời không triệt để, chủ quan mình đã tốt thì sẽ hỏng. Cụ thể là phải gương mẫu, chỉnh đốn trước hết ở lãnh đạo cấp cao.
- Làm thế nào để việc chỉnh đốn Đảng lần này không có “vùng cấm” thưa đồng chí?
Từ năm 1947, Bác Hồ đã nói câu “trong hội thì không nói, ngoài hội thì nhiều mồm”. Điều này sau hơn 60 năm hiện nay vẫn còn tồn tại, thậm chí có lúc còn nặng hơn, vì vậy Trung ương, Bộ Chính trị phải thẳng thắn với nhau, dân chủ với nhau, thực sự tiếp thu tinh thần phê bình và tự phê bình để xây dựng. Chúng ta học tập đạo đức Bác Hồ là phải học điều đó. Chỉnh đốn Đảng lần này không sốt ruột được, phải làm nghiêm túc, làm một cách bài bản, có văn hóa và có đạo lý. Đấu tranh trong Đảng là để xây dựng cho đồng chí mình, cho tổ chức Đảng mạnh lên.
- Xin cảm ơn đồng chí!
V.Nghĩa - Ph.Thảo