Lung linh Đảo Ngọc
Trong khoảng chục năm nay, đã được đến Phú Quốc vài lần nhưng quả thực cái nhìn của chúng tôi chỉ như “kính nhi viễn chi”. Chỉ có cảm nhận trực giác là: Mỗi lần sau đến, thấy hòn đảo có vẻ đang trên đà phát triển, đổi thay. Nhưng lần này, nhiều điều “vỡ ra” rồi đọng lại, làm chúng tôi ngỡ ngàng… Phú Quốc - Đảo Ngọc mang đủ sắc màu hấp dẫn vừa quen vừa mới, từ cảnh vật tới con người.
Biển Phú Quốc nhìn từ Dinh Cậu (Dương Đông).
Thư thái phố xá, chợ đêm
Chiều muộn, chạy xe máy tà tà trên đường Trần Hưng Đạo có cảm giác đang ở TP biển Nha Trang, Vũng Tàu hay Hạ Long. Phía bên trái kia là thấp thoáng biển xanh hiền dịu. Hai bên đường, hiện ra những nét đặc trưng của phố du lịch: Khách sạn, resort, nhà hàng, quán xá cà phê, shop bán hàng lưu niệm, cửa hàng dịch vụ… Thoáng chốc lại bắt gặp một vài chiếc xe du lịch đủ kích cỡ lớn nhỏ chậm rãi chạy ngược xuôi, hoặc dừng đậu, đón trả khách đi tour.
Chưa đến 7 giờ tối mà chợ đêm Dinh Cậu đã rực rỡ ánh đèn như sao sa và khách vô ra nườm nượp. Đủ cả khách Tây, khách ta - thong dong, từ tốn dạo chợ. Là chợ mà không ồn ã, xô đẩy. Chỉ có vẻ lao xao nửa sôi động nửa bình lặng, lẫn trầm trồ nhìn ngắm. Khách có thể dạo ngược xuôi vài lượt qua các hàng quán ăn uống, chủ yếu phục vụ các đồ hải sản, hoặc các cửa hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ; các gian hàng dược liệu hay các quầy đồ ăn dân dã như khoai lang, khoai mì, bánh khọt - đặc trưng Phú Quốc. Râm ran là những lời mời chào nhẹ nhàng bằng cả tiếng ta, tiếng Anh, tiếng Nga. Dạo xem, nhìn ngắm, mua sắm xong, khách có thể lựa chọn một nơi ngồi ưng ý trong khu ẩm thực ăn tối hoặc lai rai.
Ngồi nhâm nhi cà phê nơi quán cóc của ông Tư Thìn, chúng tôi được nghe nhiều chuyện hay. Người đàn ông vui chuyện này quê gốc Thủ Thiêm, TPHCM, đi bộ đội, đóng quân ở đảo từ 1981. Ra quân 1986, lấy vợ người sở tại, ông thành người Phú Quốc. Ông khoát tay nói: “Con đường Trần Hưng Đạo này, hồi đó chỉ là đường đất đỏ. Khi ấy bộ đội trên đảo nhiều hơn dân. Tôi quyết định lập nghiệp ở đảo vì thấy sống được - thoáng đãng, thoải mái, thư thả”. Trải qua một thời làm mướn, đi bạn rồi có ghe cá, dành dụm được chút vốn, ông bỏ biển lên bờ cất nhà mở quán cà phê, lai rai sống khỏe và vui khoe “đất trên trục đường này đắt nhất Phú Quốc nha”. Chỉ tiệm bánh mì bên kia phố, Tư Thìn bảo đó là của nhà chị Huyền, từ Bình Dương ra. Làm ăn phát tài nhờ giao mối bánh cho các nhà hàng, resort, các đoàn khách đi tour. Còn ngay cạnh tiệm bánh mì là một khách sạn, đang được nâng cấp lên 4 tầng ở phía ngoài, bên trong vẫn có hơn chục phòng đón khách lưu trú. Tư Thìn khen ông chủ khách sạn đó là người chỉn chu, giỏi làm ăn, cứ từ từ tích lũy mà nên. Ngay sát vách nhà ông Tư là cửa hàng dịch vụ hướng dẫn tour du lịch, câu cá mực, lặn ngắm san hô của một anh chàng người Pháp. Ông Tư hào hứng kể: “Ông Tây này ngoan và thật thà lắm. Nói giỏi tiếng Việt. Vợ chồng tui được mời dự lễ ăn hỏi và đám cưới. Vợ nó dân Cửa Cạn. Nó khoe đã mua được mấy mẫu đất cho vợ đứng tên, sau làm resort”.
Du lịch đặc sắc, phong phú
|
Nghe giới thiệu về các điểm đến của du lịch Phú Quốc, chắc bạn phải lên một lịch trình dài ngày mới có thể nếm trải hết. Chưa nói đến nghỉ dưỡng hoặc “tìm hiểu chuyên sâu”, chỉ “đánh trống ghi tên” tham quan, tham dự theo tour đủ lượt và đủ loại hình thôi đã thấy phải có đủ cả sức lực, thời gian và đương nhiên là tài chính phải đầy đặn.
Nghe theo gợi ý của cô lễ tân khách sạn, điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan là Bảo tàng “Cội nguồn” - bảo tàng tư nhân đầu tiên tại ĐBSCL. Quả không uổng công cả nửa buổi chiều. Chúng tôi đã có cái nhìn khá hệ thống về mảnh đất và con người nơi đây, từ tự nhiên, địa lý… đến những nét độc đáo đặc trưng quý giá về rừng - biển, các sản phẩm quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo. Có sự cảm nhận rõ nét về văn hóa, xã hội, những nét lịch sử chính yếu về sự phát triển của Phú Quốc, trải dài từ năm 1671. Đặc biệt, trong bảo tàng còn có phần giới thiệu khá chi tiết về các giai đoạn cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng và lòng yêu nước vô biên của người dân nơi đảo xa.
Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực, di tích Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, thấy truyền thống đấu tranh hào hùng, bi tráng, tràn đầy khí phách của ông cha hiển hiện trước mắt. Di tích Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
Nhắm chẳng có thời gian và sức khỏe để du ngoạn, khám phá như chàng trai trẻ, chúng tôi tìm đến phòng VH-TT để có thể nắm rõ hơn các loại hình tour. Ông Nguyễn Thái Khanh, cán bộ chuyên trách du lịch, nói: “Còn rất nhiều điểm sông, suối, hồ, rừng nguyên sinh hoang dã đến giờ này chưa khai thác tới”. Ông Khanh lần lượt điểm sơ những điểm đến du lịch hấp dẫn đặc sắc, rõ ràng như lần giở bản đồ, trong đó có hàng chục hòn nơi du khách có thể vừa thưởng ngoạn, vừa khám phá, lại vừa thỏa chí bơi lặn vẫy vùng giữa biển xanh, cát trắng. Chỉ đơn cử thôi, trong vịnh Gành Dầu, ba hòn Thày Bói, Ngón Tay và Đồi Mồi với vẻ đẹp hoang sơ, đá xếp hình bánh khọt và vẻ đẹp san hô đa sắc đã có thể hút hồn du khách đến vài ngày thăm ngắm. San hô ở biển Phú Quốc phong phú đa dạng nhất nước với 89 loài cứng, 19 loài mềm. Diện tích rừng còn chiếm tới 65% diện tích đảo, là loại rừng nguyên sinh quý hiếm vào loại nhất nhì Việt Nam. Để có thể “thấm” hơn với những đặc sản nổi tiếng của Phú Quốc, du khách không thể không thăm thú các làng chài, vườn hồ tiêu, các cơ sở sản xuất rượu sim và các nhà thùng sản xuất nước mắm…
Câu chuyện điện sáng, nước sạch
Đã từng đi biển, ra đảo nhiều lần, cũng ở Phú Quốc vài dịp. Điều chúng tôi ưu tiên quan tâm là chuyện điện nước.
Biết cáp ngầm đã đưa điện lưới quốc gia ra Phú Quốc từ tháng 2 năm nay nhưng chúng tôi vẫn muốn biết xem người dân đảo hiện được xài điện ra sao. Ông Lê Minh Du, Phó Giám đốc Điện lực Phú Quốc, đã trò chuyện rất cởi mở, chân tình. Ông công tác trong ngành điện tại đảo từ năm 1991, cũng là gần 23 năm làm “lưới hẹp” - hiểu nôm na là nguồn điện quá “hẻo” thì làm sao mở lưới rộng được. Khởi đầu chỉ là một cụm 2 máy diezel và những người “làm điện” phải kiêm đủ mọi việc: thợ điện, thợ đường dây, thợ xây, thợ sửa máy và cả thu ngân nữa. Rồi nhu cầu thúc bách, lần lần được bổ sung thêm 3 máy, rồi nâng lên thành nhà máy phát trung thế năm 1995. Đến năm 2002, được tiếp nhận vào Điện lực Kiên Giang, được đầu tư bổ sung thành 2 cụm. Vắn tắt vậy nhưng là cả một quá trình phấn đấu, học hỏi, trưởng thành về nghề của mỗi cá nhân và cả tập thể để có thể đáp ứng yêu cầu cải tạo lưới, nâng cấp thiết bị đồng bộ và vận hành được cấp điện áp mới của điện lưới quốc gia hôm nay. Hiện tại, điện lực Phú Quốc đã khai thác 17.000 khách hàng tiêu thụ chính thức. Tất cả các xã trên đảo đã có điện, kể cả “vùng sâu” như Gành Dầu, Bãi Thơm, công suất điện cáp ngầm sử dụng chưa hết. Ông Du nói, điện lưới đã như một mũi đột phá cực kỳ quan trọng thúc đẩy phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội và nhiệm vụ của Điện lực Phú Quốc trong tương lai gần là phải đón đầu các dự án lớn trên đảo. Là người sinh ra, lớn lên và được làm việc, phục vụ ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cùng đồng hành với những bước phát triển của Phú Quốc hàng chục năm qua, hẳn ông Du rất vui và tự hào. Hẳn nhiên thôi, bởi ông và các đồng nghiệp đã góp phần xứng đáng làm Đảo Ngọc ngày càng sáng thêm.
Lâm Phước Thọ mới ngoài 30 tuổi, quê Rạch Giá, Kiên Giang. Cách nay đúng 10 năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM, anh xung phong ra Phú Quốc công tác. Và chàng trai trẻ khi ấy đã được thử thách ngay bằng việc tham gia xây dựng trạm cấp nước sạch cho đảo. Những tưởng, công tác vài năm rồi trở vào bờ, thế mà giờ này Thọ tự coi mình là dân đảo kỳ cựu. Anh không kể nhiều về những ngày gian khó cùng nỗi buồn nơi đảo vắng thời đó hay nỗi nhớ đất liền quay quắt. Nhìn trong mắt, nghe lời nói và giọng cười hào sảng của Thọ, chúng tôi cảm nhận Phú Quốc đã “cho” anh thật nhiều, trong đó quý giá nhất là mối tình đầu với cô gái dân đảo, nay là vợ anh… Với cương vị hiện tại là Trưởng trạm cấp nước Phú Quốc, trong câu chuyện về nước, Thọ đọc thuộc lòng những “nguồn cơn” cho tới bây giờ và cả mai sau của ngành cấp nước trên đảo. Anh bảo, do mạng lưới cấp nước còn hạn chế nên đến nay mới chỉ có khoảng 1/3 dân số trên đảo, mà đa phần ở thị trấn Dương Đông, được hưởng nước sạch. Hiện trạm đang thực hiện dự án nâng cấp nhà máy, tuyến ống tới thị trấn An Thới, xã Dương Tơ ở phía Nam đảo. Qua năm 2015, nước sạch sẽ về tới thị trấn An Thới. Trong khoảng 2 năm tới, Phú Quốc sẽ có thêm 1 dự án cấp nước lấy từ nguồn hồ Cửa Cạn. Theo quy hoạch, đảo có tới 5 hồ cấp nước. Đường nước sạch ở Phú Quốc sẽ còn vươn dài, vươn xa để đáp ứng hết mức nhu cầu ngày càng lớn của dân sinh và du lịch - cũng là một tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống, minh chứng cho văn minh đô thị đảo.
THƯ NAM - THÁI BẰNG