Vòng quay trái bóng V-League 2007 đã khép lại. B.Bình Dương đăng quang ngôi vô địch, Đồng Tháp và H.Huế về lại chốn cũ là giải hạng Nhất. Nhưng V-League 2007 không chỉ có những danh hiệu, những cuộc chia tay buồn bã vì lực bất tòng tâm. Như sự huyền bí, biến thiên của trái bóng, V-League 2007 còn chứa đựng đủ các góc cạnh, màu sắc của một nền bóng đá mang danh xưng "chuyên nghiệp". Để có một cái nhìn đa chiều, sâu sắc về V-League 2007, từ số báo ngày 25-9, SGGP Thể Thao đã khởi đăng loạt bài như để khái quát tổng thể những góc cạnh ở sân chơi số một của bóng đá Việt Nam trong mùa bóng thứ 7 mặc tấm áo chuyên nghiệp.
PHẦN 1: XỬ KHÔNG CƯƠNG QUYẾT
Sự việc tại sân Quân khu 7 có thể tóm tắt một cách đơn giản: Trọng tài dừng trận đấu nửa chừng vì xét thấy không đủ điều kiện để có thể tiếp tục. Việc không đủ điều kiện an toàn là do BTC sân không thể kiểm soát được hành động quậy phá của khán giả. Nhóm khán giả này được xem là những cổ động viên của đội khách Thanh Hóa.

Cách xử của BTC: xét thấy thực thể tạo nên vụ việc là "một nhóm người được xem là CĐV Thanh Hóa" nên không xử thua TMN.CSG. Vì không xử thua nên trận đấu phải được đá tiếp 24 phút. Nhưng, đội TMN.CSG vẫn bị phạt tiền và thi đấu một trận không có khán giả.
Thông báo kỷ luật của BTC được hiểu là BTC đã căn cứ vào ngọn chứ không phải gốc. Tức là không căn cứ vào chuyện thực tế là trận đấu đã không đủ điều kiện tổ chức thi đấu mà lại căn cứ vào chuyện ai mới là người gây ra sự việc. Cái đáng nói là BTC không có bất kỳ chứng cứ xác thực và thẩm quyền nào để xác định đấy là "CĐV của đội Thanh Hóa".
Vì vậy, thông báo kỷ luật của BTC quá nhiều điều không hợp lý:
Thứ nhất: Án dành cho TMN.CSG cho thấy TMN.CSG đã sai hoàn toàn trong việc tổ chức trận đấu với Thanh Hóa. Đã sai như thế thì căn cứ theo qui chế chuyên nghiệp, buộc phải xử TMN.CSG thua 0-3. Đây cũng chính là lý do để phía Thanh Hóa dọa làm căng với BTC.
Thứ hai: Nếu đã cho rằng không thể xử thua TMN.CSG vì người gây ra vụ việc là "CĐV Thanh Hóa" thì hà cớ gì cấm các CĐV CSG vào sân trong trận đấu kế tiếp. Họ có lỗi gì trong việc này?
Thứ ba: BTC không đủ chức năng lẫn thẩm quyền để xác định đâu là CĐV Thanh Hóa và đâu là CĐV của đội TMN.CSG. Vậy thì lấy những căn cứ từ đâu để xác định những người quậy phá ngày hôm ấy là thuộc về trách nhiệm của đội Thanh Hóa.
PHẦN 2: KHÔNG TẠO RA ĐƯỢC ÁN LỆ VÀ TIỀN LỆ
Qua vụ việc trên, nhiều người đặt vấn đề: BTC xử như vậy thì vô hình chung sẽ tạo ra một thói quen: CĐV đội khách sẽ tìm cách "quậy" trận đấu để làm hại đội chủ nhà. Nói cách khác, thông báo kỷ luật của BTC không có tính "răn đe" với các CĐV.
Thực tế cuộc sống ai cũng biết: chống chỉ là tương đối, quan trọng nhất là phải phòng tránh những tình huống xấu, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro. Cho dù có được bảo vệ an ninh đến mấy thì nếu một vụ bạo loạn diễn ra, cũng khó lòng mà kiểm soát tốt được. Hơn nữa, đây là vấn đề liên quan đến sinh mệnh con người. Cần phải có biện pháp mạnh không chỉ với BTC sân, các đội bóng mà còn với những người đến xem bóng đá. Việc tổ chức một trận đấu không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của một sân vận động. Ứng xử của các CĐV cũng chẳng thể đổ thừa vì họ là CĐV bóng đá. Họ cũng phải chịu những ràng buộc của pháp luật, của các qui định xã hội.
Chúng ta có thể thấy các khán đài ở nước Anh đông đảo như thế nào và cũng an toàn như thế nào. Các CĐV đến sân hiểu rằng hành động của họ đã bị các camera ghi hình và nếu quậy phá, họ sẽ bị lôi ra tòa án dân sự, hình sự. Ngoài chịu sự ràng buộc của các qui định khi vào sân, họ còn phải chịu các qui tắc bên ngoài xã hội.
Tiếc là BTC đã có thể tạo nên một án lệ để lấy đó mà căn cứ, phòng ngừa cho các trường hợp mà CĐV đội khách cố tình đến sân để quậy phá. Trong trường hợp này, BTC phải có một quyết định sáng suốt để hỗ trợ các CLB vì ai cũng biết việc bảo vệ an ninh hay kiểm soát các hành vi tệ hại trên khán đài tại các sân vận động Việt Nam chỉ dừng ở mức độ hạn chế. Cần phải chế tài các CĐV trước khi vào sân chứ không phải đợi xảy ra chuyện rồi mới nói.
Chúng ta nên nhớ lại một chút thảm họa Heysel năm 1985. 39 người chết trên sân Heysel và một án phạt cấm thi đấu 5 năm của toàn bộ các CLB bóng đá Anh tại đấu trường châu Âu. Tại sao các CĐV của Liverpool tạo ra thảm kịch nhưng các CLB Anh phải chịu chung số phận? Lý lẽ: bản thân nền bóng đá, các CLB khác đều phải cùng nhau góp sức để đừng có một thảm họa như thế.
PHẦN 3: LÀM KHÔNG ĐÚNG QUI TRÌNH
Nói như vậy để thấy đội Thanh Hóa không hề vô can trong trận này. Đúng là họ có thể chứng minh rằng những người quậy phá ngày hôm đó không có CĐV chính thức của CLB, nhưng nói như vậy là trốn tránh trách nhiệm của họ đối với sự phát triển bóng đá quốc gia nói chung (trong đó có cả họ).
Thế là thay vì có những tiếng nói phê phán hành động trên hoặc kêu gọi những người ủng hộ đội mình biết cách kềm chế thì lãnh đạo CLB Thanh Hóa lại khá mạnh miệng phủ nhận. Họ không xem nhóm người mặc áo vàng, vẫy cờ vàng, treo băng rôn trên khán đài là những "người của mình". Họ "phủi tay" nhanh như chớp những cá nhân mà trước khi xảy ra sự việc là nơi mà họ ngước nhìn, vỗ tay chào đón và hãnh diện vì đông hơn cả CĐV đội chủ nhà. Họ có những phát ngôn, hành động vô hình chung tạo ra một cảm giác đối với các CĐV rằng đội Thanh Hóa đang bị xử ép.
Không ai thấy phía Thanh Hóa nói lời nào về một sự việc trầm trọng mà họ có phần trách nhiệm trên mà chỉ tìm cách phản đối BTC. Họ không biết rằng, nếu BTC V-League 2007 biết cách làm đúng qui trình thì chính Thanh Hóa mới là đội chịu án phạt nặng nhất: đánh rớt hạng.
Đúng: Thanh Hóa hoàn toàn có thể phải nhận án phạt lớn đó. Vì sao ư?
BTC V-League luôn miệng nói đây là một vụ việc chưa có tiền lệ. Ô hay! Đã chưa có tiền lệ thì xử như thế nào là phụ thuộc vào năng lực, sự công tâm và sự sáng suốt của BTC.
Vì chưa có tiền lệ, BTC có quyền không ra vội quyết định xử phạt. Nói cho ngay, đây là một sự việc nằm ngoài khả năng của BTC, vì vậy, việc đầu tiên mà BTC làm là kiến nghị lên VFF. Việc thứ hai, tập trung toàn bộ chứng cứ, báo cáo, nhân chứng thuộc thẩm quyền của mình để làm căn cứ phán xét. Thứ ba, đề nghị VFF họp ngay, với đầy đủ các thành phần chức năng và các bên liên quan thuộc thẩm quyền của VFF.
BTC nói rằng họ làm đúng việc của họ là cứ căn cứ vào qui chế để xử, nhưng họ làm quá nhanh. Nếu họ biết cái "mắc mứu" lớn nhất của việc này là mọi thứ xuất phát từ các ủng hộ viên Thanh Hóa thì cần phải bắt đầu từ yếu tố đó. Nếu BTC không có thẩm quyền thì VFF. Chính VFF sẽ đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xác định: nhóm người quậy phá ngày hôm ấy thuộc về đội bóng nào. Chính những cơ quan chức năng sẽ là nơi xác định chính xác nhất cả về dân sự lẫn hình sự và bảng kết luận của những cơ quan này sẽ là căn cứ chính xác nhất để BTC có thể đưa ra một quyết định mà cả Thanh Hóa, CĐV chân chính của Thanh Hóa cũng không có cách gì để khiếu nại, để phản đối. Sau đó, nếu BTC có phạt TMN.CSG thì chúng tôi tin CLB này cũng như các CĐV của họ cũng sẽ hiểu và thông cảm cho BTC.
Một lần nữa, xin nhắc lại: đây là một vụ việc mà BTC xác định là chưa có tiền lệ, thế mà họ lại quá vội vàng ra quyết định. Phàm cái gì chưa có tiền lệ thì là cái phức tạp nhất, cần phải suy xét nhiều nhất.
Chính cách hành xử không thống nhất của BTC tạo nên một hệ lụy…
KẾT QUẢ: THANH HÓA TIẾP TỤC "QUẬY" |
Trong một sự việc mà BTC có thể sáng suốt làm tốt hơn thì họ lại "nhanh nhảu" một cách lạ kỳ. Nếu không ra quyết định sớm thì chúng tôi tin chẳng ai có thể phàn nàn. Đằng này, quyết định của BTC đã tạo nên một scandal không đáng có để mỗi bên liên quan đều uất ức. |
Thông tin liên quan |
- Bài 1: Không về đích an toàn? |