Nông nghiệp, nông thôn (NNNT) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của TPHCM. Làm thế nào để cung ứng vốn nhiều hơn, hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Việc tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho vay phát triển hạ tầng nông thôn; cho vay đầu tư mở rộng sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất khu vực này… là những vấn đề được các đại biểu quan tâm, gợi mở giải pháp tháo gỡ tại hội thảo.
Thế mạnh nông nghiệp đô thị
Nông nghiệp đô thị đang trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Tại TPHCM, đất nông nghiệp đang bị thu hẹp nhưng người dân gắn với nông nghiệp vẫn còn nhiều. Hiện ở ngoại thành TPHCM còn trên 1,2 triệu người với gần 330.000 hộ, số hộ làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ không nhỏ. TPHCM đặt ra yêu cầu giá trị sản xuất nông nghiệp của năm sau không chỉ bù vào phần diện tích suy giảm mà còn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm.
Về vấn đề này, ông Lê Tấn Hùng, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP, nêu giải pháp: “Chủ trương của TP là phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao. Ngoài chương trình “2 cây, 2 con”, chúng ta xác định rõ thêm TPHCM phải đi đầu về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Làm chủ được giống, chúng ta sẽ làm chủ được sản phẩm và thị trường; tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, tìm ra những cây - con tạo giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích”.
Ông Nguyễn Đức Lệnh (Chi nhánh Agribank tại TPHCM) đề xuất giải pháp mô hình 3 nhà: Ngân hàng - hộ nông dân - doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (nguyên liệu đầu vào: thức ăn chăn nuôi, phân bón…) và mô hình 4 nhà (ngân hàng - hộ nông dân - doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp). Đây là mô hình hiệu quả đã và đang được triển khai thực hiện tốt tại một số địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực NNNT phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho chính các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Như vậy, trong bảng “phân vai” các nhà, ngân hàng bao giờ cũng ở vị trí số 1. TS Trần Du Lịch gợi ý: “Để đẩy mạnh chương trình chuyển dịch nông nghiệp đô thị, đề nghị Bộ NN-PTNT cùng với Agribank xây dựng gói tín dụng cho từng mảng cụ thể chứ không nên làm lẻ mẻ. Ví dụ nông dân sản xuất phải gắn với doanh nghiệp, nông dân tiêu dùng gắn với tín dụng”.
TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cho biết: “Agribank xác định vai trò chủ đạo của mình trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực NNNT tại TPHCM. Đó là: Tiếp cận, mở rộng cho vay đối với các chương trình dự án theo Quyết định số 36 của UBND TP về chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP; tham gia đầu tư và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trọn gói đối với các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp trọng điểm theo Quyết định số 13 của UBND TPHCM. Dự kiến đến năm 2015, dư nợ cho vay theo chương trình này đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Agribank sẽ tập trung thực hiện chương trình “chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2020: bố trí đủ nguồn vốn để khách hàng có đủ điều kiện vay vốn, hỗ trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội tại các xã thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn vùng ven và ngoại thành. Agribank sẽ dành từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng dư nợ đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp theo chủ trương chung của TP.
Quyết tâm tạo chuyển biến
Theo các đại biểu, vấn đề xuyên suốt là việc giải quyết nguồn vốn, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, hộ nông dân. Chi nhánh Agribank Sài Gòn triển khai nhiều gói tín dụng NNNT, khép kín chu trình luân chuyển vốn của Agribank từ nông dân sản xuất trực tiếp đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu, Agribank chi nhánh Bình Chánh cam kết lãi suất cho vay NNNT của đơn vị luôn thấp nhất so với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn.
Thay mặt ban tổ chức hội thảo, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập, Tổng thư ký Tòa soạn Báo SGGP, phát biểu: Thực tế NNNT và nông dân cả nước nói chung và TPHCM nói riêng có vai trò rất quan trọng. Để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nước ta phải lấy nông dân làm trung tâm, xây dựng nông thôn vững chắc mới tạo nền tảng ổn định xã hội để phát triển. Với vai trò là cơ quan của Đảng và là tiếng nói của tầng lớp nhân dân, Báo SGGP đã chuyển tải nhiều bức xúc của nông dân, kiến nghị của các chuyên gia, tuyên truyền nhiều mô hình làm ăn hiệu quả trong lĩnh vực này; đã đồng hành, sát cánh cùng với các ngành các cấp, các cơ quan chức năng và đồng nghiệp tuyên truyền, phổ biến chính sách, phản biện và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến NNNT và nông dân, với mong muốn góp sức mình xây dựng nền nông nghiệp vững chắc, bộ mặt nông thôn mới.
Đúc kết hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: “Hội thảo đã hoàn thành cơ bản chương trình của mình, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc; 59 tham luận là những gợi mở, kiến nghị để Agribank tính toán hướng phát triển trong thời gian tới. Agribank cam kết với nông dân, chính quyền TP về thực hiện tam nông; tiếp tục mở rộng quy mô về tín dụng và dịch vụ. Ngay sau cuộc hội thảo này, 40 chi nhánh của Agribank phải bắt tay vào mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ”.
Ông Bảo chỉ đạo các chi nhánh trong hệ thống trên địa bàn TP phải xác định rõ tỷ trọng cho vay NNNT, bám sát vào định hướng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao của TP. Các chi nhánh đóng trên địa bàn các huyện ngoại thành phải mở ngay hội nghị khách hàng, bàn cách làm ăn, tiến hành điều tra kinh tế - xã hội của từng xã, nắm chắc kinh tế hộ nông dân để có phương án cho vay hiệu quả, coi điển hình nông dân, các chủ trang trại làm ăn hiệu quả như một doanh nghiệp lớn.
Thay mặt lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Ban tổ chức hội thảo đúc kết những vấn đề các đại biểu đặt ra, kiến nghị UBND TP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank tháo gỡ các vấn đề còn gây cản ngại, ách tắc. Những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của TP, chính quyền TP sẽ tiếp tục xem xét sửa đổi nhằm góp phần đẩy nhanh việc cung ứng vốn phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
M.TRƯỜNG - H.NHUNG
| |
- Thông tin liên quan:
>> Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn