Bài 2: Gỡ khó như thế nào?

Giảm chi phí vận tải để góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam là việc “cần làm ngay”, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết đã và đang bắt đầu có hiệu lực.
Bài 2: Gỡ khó như thế nào?

Chi phí vận tải cản đường cạnh tranh hàng Việt

Giảm chi phí vận tải để góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam là việc “cần làm ngay”, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết đã và đang bắt đầu có hiệu lực.

Đưa dịch vụ vận tải lên… sàn

Ngày 2-12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức khai trương sàn giao dịch vận tải, là nơi để các đơn vị kinh doanh vận tải giới thiệu năng lực của mình và tìm kiếm nguồn hàng. Các chủ hàng đăng tải nhu cầu vận tải, tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị vận tải đáp ứng được yêu cầu và có giá cước thấp nhất. Các công ty logistics nghiên cứu nhu cầu vận tải, kết nối với chủ hàng để tổ chức các phương thức vận tải và các dịch vụ khác trong quá trình vận tải. Thông qua hoạt động của sàn giao dịch vận tải, người làm tổ chức vận tải sẽ phát hiện các quy luật của các luồng hàng đi, hàng về trên các hành lang vận tải để kết nối “cung, cầu” nhằm giảm đến mức tối đa tình trạng xe chạy “rỗng” đường về.

Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ GTVT nhằm khắc phục những bất cập trong hoạt động vận tải, nhưng theo nhiều chuyên gia, động thái này chưa đủ để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết, hoạt động vận tải hàng hóa hiện có rất nhiều chi phí… khó kê khai. Các mối hàng lớn và các đơn vị vận tải lớn thường có mối quan hệ rất chặt chẽ và không muốn công khai lên sàn. Chưa kể, nhiều DN vận tải cho biết, họ muốn bước đầu chủ động hợp tác với nhau, liên kết với các chủ hàng, hỗ trợ nhau và khi đã đủ điều kiện thì sẽ dần hình thành nên sàn giao dịch vận tải.

Có lẽ phải đợi thời gian mới biết được quan điểm nào đúng, hợp lý, có thể tồn tại và phát triển. Thế nhưng, với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu về đầu tư công, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên giảng dạy chương trình Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng nên để cho các DN chủ động. Nhà nước chỉ cần tạo hành lang, khuyến khích sàn giao dịch vận tải hoạt động và phát triển. Thời gian qua, đã có nhiều sàn giao dịch hàng hóa ra đời nhưng sớm rơi vào cảnh “chợ chiều” vì không được nhiều DN trong ngành tin tưởng. Sàn giao dịch vận tải cũng như sàn giao dịch hàng hóa không chỉ cần có công nghệ thông tin kết nối mà còn cần có sự tin tưởng, hợp tác của các DN trong ngành. Đúng là, một trong những giải pháp cần làm ngay để tăng cường hiệu quả sử dụng xe, chống tình trạng chạy “rỗng” chiều về là tổ chức sàn giao dịch vận tải để kết nối các đơn vị vận tải với các chủ hàng. Thế nhưng, mô hình nào, cách làm nào cho hiệu quả thì cần phải nghiên cứu thêm nữa.

Cân đối các loại hình vận tải

Việc quá phụ thuộc vào vận tải đường bộ - loại hình vận tải có chi phí cao gấp nhiều lần so với các loại hình vận tải bằng đường sắt và đường thủy, đã và đang làm tăng chi phí cho hàng hóa Việt Nam. Như chúng tôi trình bày ở bài 1, Bộ GTVT đã nhìn thấy bất hợp lý này và đang nỗ lực cân đối cơ cấu vận tải lại cho hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần có những cú hích mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh quá trình này.

Vận chuyển hàng bằng phương tiện thủy vào TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Trước mắt, Bộ GTVT nên ưu tiên vốn cho công tác nạo vét, chỉnh trang, mở mới các tuyến đường thủy nội địa kết nối từ các trung tâm sản xuất hàng hóa như khu công nghiệp, khu chế xuất, những vùng tập trung trồng cây nông nghiệp quy mô lớn tới các bến cảng, nhà ga để phục vụ công tác xuất khẩu, tới các chợ đầu mối nếu là hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xây thêm cảng đường thủy nội địa để đáp ứng nhu cầu này. Chỉ cần Bộ GTVT và các đơn vị liên quan có cơ chế phù hợp, hấp dẫn để hình thành nên các đội tàu, sà lan chuyên chở hàng hóa thì các nhà đầu tư sẽ hưởng ứng ngay. Việc phát triển vận tải đường sắt cũng tương tự. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư hạ tầng đường sắt lớn nên Bộ GTVT có thể chọn đầu tư từng đoạn có nhu cầu vận chuyển hàng hóa cao. Ví dụ như các tuyến đường sắt đưa hàng từ Tây Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… về khu cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải chẳng hạn. Một hệ thống đường bộ kết nối các đầu mối giao thông đường thủy và đường sắt tất nhiên cũng cần được ưu tiên. Ngoài vốn và chủ trương đầu tư, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc dành quỹ đất cho giao thông, đặc biệt với việc xây dựng các bến bãi, cảng, nhà ga… Một chính sách đồng bộ mang tính đột phá, rất cần thiết trong lúc này. 

Giải quyết bài toán quy hoạch

Theo quy hoạch đầu tiên, việc di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và hình thành cụm cảng biển quốc tế mới ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng khu vực ở Hiệp Phước (TPHCM)  phải hoàn thành cách nay 5 năm. Tuy nhiên, do nhiều lý do, quy hoạch này đã được điều chỉnh nhiều lần với tiến độ thực hiện cũng thay đổi. Hiện nay, công tác di dời vẫn chưa hoàn tất, hệ thống hạ tầng kết nối đến các cụm cảng mới cũng chưa hoàn thiện. Cụm cảng biển TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai là cụm cảng quan trọng bậc nhất đất nước, đảm nhận tới 40% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Sự ngổn ngang trong công tác đầu tư ở cụm cảng này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí vận tải, hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa Việt Nam như bài 1 đã phản ánh.

Cần tập trung đầu tư dứt điểm, bài bản và đồng bộ các công trình đã được xác định trong quy hoạch là việc mà ngành chức năng phải làm nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư - một chuyên gia đã nhận định như vậy khi điểm lại quá trình thực hiện quy hoạch di dời cảng biển trên sông Sài Gòn và hình thành cụm cảng biển mới. Tại cảng sông Phú Định của TPHCM, dù đã đi vào hoạt động một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa khai thác hết công suất do hệ thống đường bộ kết nối đến cảng thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa xuống hoặc triều lên. Tình trạng ngập ở đây nặng nề tới mức có nhiều thời điểm, cả cán bộ công nhân viên cảng phải nghỉ việc vì nước ngập tới hết bánh xe, đi không được. Chưa kể, cảng Phú Định lại phải cạnh tranh với các bến sông tự phát nằm gần khu cảng, thoải mái hoạt động mà không phải đóng bất cứ loại thuế nào. Việc đầu tư “không tới nơi tới chốn”, môi trường cạnh tranh không bình đẳng… đã làm cho cảng sông Phú Định - cảng sông được đầu tư bài bản bậc nhất TPHCM, nằm trên tuyến giao thông đường thủy huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây - gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Hiệu quả đầu tư không cao như kỳ vọng.

* * *

Hoạt động vận tải được ví như hệ tuần hoàn đưa máu đi khắp cơ thể và nuôi sống cơ thể. Hệ thống này hoạt động tốt, chúng ta sẽ có một cơ thể mạnh. Cũng vậy, trong bối cảnh giao thương trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài diễn ra sôi động như hiện nay, trách nhiệm của ngành vận tải lại càng nặng nề hơn bao giờ hết. Hàng hóa Việt Nam có thêm sức cạnh tranh sẽ nhờ một phần không nhỏ vào việc giảm chi phí của ngành vận tải.

NGUYỄN KHOA

- Xe “rỗng”, đường thiếu, người… tà tà

Tin cùng chuyên mục