Tại hội thảo khoa học “Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tuần qua, nhiều ý kiến đã nêu rõ những thách thức rất lớn trong việc đưa năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trở thành động lực then chốt giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Đồng chủ trì hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đã chia sẻ với PV Báo SGGP nhiều nhận định quan trọng về vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa ông, các ý kiến nêu tại hội thảo đều khẳng định nhu cầu bức thiết phải chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng dựa vào năng suất và hiệu quả. Theo thông tin từ hội thảo, từ năm 2010 đến nay, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam khá thấp, phản ánh rõ thực trạng năng suất lao động chưa cao và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn. Trong khi đó mức đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng là vấn đề còn được tranh luận. Ông có nhận định gì?
* PGS-TS VŨ HẢI QUÂN: Trước hết, phải nhìn nhận kinh tế số và TFP là yếu tố quyết định cho tăng trưởng cao và bền vững trong dài hạn. Trên lý thuyết lẫn thực tiễn, mối quan hệ giữa kinh tế số và TFP mang tính cộng hưởng sâu sắc. Kinh tế số với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) và Internet vạn vật (IoT) đã và đang tái định hình phương thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý. Điều này trực tiếp tác động và nâng cao TFP thông qua nhiều kênh như tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận hành (như việc sử dụng AI và Big Data để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất hay logistics); đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo ra con người có kiến thức, kỹ năng mới… Các nền tảng số cũng giúp giảm chi phí giao dịch, mở rộng thị trường và cải thiện phân bổ nguồn lực.
Việc gia tăng TFP thông qua kinh tế số trở thành yêu cầu chiến lược cấp thiết vì Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các yếu tố tăng trưởng truyền thống như tăng vốn, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên đang dần tới hạn và không còn phù hợp với bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta buộc phải chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào hiệu quả của công nghệ và tri thức. Dù tiềm năng lớn, quá trình phát triển kinh tế số và nâng cao TFP tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản từ hệ thống thể chế, chính sách, nguồn nhân lực có kỹ năng số và năng lực làm chủ công nghệ nền tảng.
* Ông có thể phân tích rõ hơn thách thức về thể chế và giải pháp để hóa giải những thách thức đó?
* Đây chính là những điểm nghẽn mà với vai trò tham mưu về định hướng chính sách, chúng tôi và Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đặc biệt quan tâm. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã tạo khoảng trống và độ trễ trong pháp luật. Nhiều vấn đề mới như AI, định danh số, giao dịch xuyên biên giới chưa được luật hóa đầy đủ, gây lúng túng trong quản lý và kìm hãm đổi mới. Chính sách thuế, lao động, cạnh tranh hiện được thiết kế cho kinh tế truyền thống, gây vướng mắc khi áp dụng vào kinh tế số. Do đó, theo tôi, một trong những việc cần làm ngay chính là hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu. Luật Dữ liệu 2024 (có hiệu lực từ 1-7-2025) là đạo luật đầu tiên chuyên sâu về dữ liệu số, quy định về phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số, Trung tâm Dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Bên cạnh đó, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được ban hành. Tuy nhiên, nên tiếp tục rà soát, sửa đổi các luật liên quan để phù hợp với môi trường số và xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các công nghệ số mới.

Cùng với đó thiết kế cho được mô hình quản trị dữ liệu quốc gia hiệu quả. Đề xuất đáng lưu ý được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo vừa qua là thiết lập mô hình điều phối dữ liệu tập trung, củng cố vai trò của Trung tâm Dữ liệu quốc gia dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, đồng thời thành lập “Hội đồng Dữ liệu quốc gia” để tư vấn và giám sát chiến lược dữ liệu.
* Dữ liệu được ví như là hồng cầu nuôi dưỡng nền kinh tế số. Ông có cho rằng nên tăng cường hơn nữa vai trò của khu vực tư nhân trong xây dựng và chia sẻ dữ liệu?
* Đúng vậy. Nhà nước nên ban hành chính sách khuyến khích và cơ chế cụ thể để doanh nghiệp tham gia chia sẻ dữ liệu. Nên có cơ chế chia sẻ bắt buộc đối với dữ liệu dùng chung giữa các bộ ngành, chuyển từ văn hóa “sở hữu dữ liệu” sang “chia sẻ dữ liệu”, khắc phục tình trạng “cát cứ dữ liệu”.
* Bằng cách nào, thưa ông?
* Đây là vấn đề có sự đóng góp ý kiến của nhiều bên. Có một số đề xuất mà tôi cho rằng rất đáng nghiên cứu theo hướng xây dựng chính sách dữ liệu mở và phát triển thị trường dữ liệu. Chính phủ có thể ban hành văn bản pháp quy về dữ liệu mở, yêu cầu các bộ ngành, địa phương công bố dữ liệu không thuộc diện mật; thí điểm xây dựng sàn giao dịch dữ liệu do nhà nước quản lý để thúc đẩy kinh tế dữ liệu. Tất nhiên, cùng với đó phải nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông qua việc đầu tư mạnh vào các trung tâm dữ liệu dung lượng lớn theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống điện toán đám mây Chính phủ…; xây dựng chương trình đào tạo chuyên gia quản trị dữ liệu; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về “văn hóa dữ liệu” và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
* Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của các trường đại học trong vấn đề đào tạo nhân lực cho nền kinh tế số?
* Chúng ta đã và đang làm nhưng tôi cho rằng phải tiếp tục mạnh dạn hơn nữa trong việc trao thêm quyền tự chủ cho các trường đại học, cho phép đại học công lập được quyền góp vốn, liên doanh với doanh nghiệp, chủ động tuyển dụng và đãi ngộ nhân sự chất lượng cao, quản lý tài sản công theo cơ chế thị trường.
Theo mô hình kết hợp “Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà nước”, Singapore đã áp dụng khá thành công trong việc cùng nghiên cứu tạo ra các sản phẩm công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng phục vụ nhu cầu doanh nghiệp. Ở Việt Nam mô hình kết hợp ba nhà này còn hạn chế, một mặt do cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết còn hạn chế, một mặt do thiếu thông tin giữa các bên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu khắc phục các hạn chế để đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp theo mô hình kết hợp ba nhà để tạo ra các sản phẩm đột phá về công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao.