Lao động “chui” ở Đài Loan

Bài 2: Không thể để chuyện đã rồi mới xử lý

Gần đây, tuy số lượng lao động Việt Nam (VN) bỏ trốn ở lãnh thổ Đài Loan (ĐL) đã giảm, nhưng tính chung vẫn còn gần 11.000 lao động VN làm việc bất hợp pháp (chiếm 52% tổng số lao động nước ngoài bất hợp pháp) đang “ẩn trú” tại ĐL. Giải pháp nào cho tình trạng này? 

  • Thu nhập hấp dẫn… 

Nhiều năm qua, ĐL luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động VN đến làm việc. Hiện nay, có trên 73.000 lao động VN làm việc tại đây, trong đó trên 70% lao động giúp việc nhà, khán hộ công.

Nơi tập trung nhiều lao động VN là các KCN Đào Viên, Tân Trúc, Đài Trung, Đài Nam. Theo ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban Quản lý lao động VN tại Đài Bắc, mức lương bình quân của lao động VN ở thị trường này đạt 400 - 600 USD/tháng.

Nhiều lĩnh vực như điện tử, cơ khí, người lao động chịu khó làm thêm giờ có mức lương cao khoảng 30.000 Đài tệ/tháng (tương đương 1.000 USD).

Ở các Nhà máy Kính Bằng chuyên làm bo mạch điện tử, Nhà máy Thanh Vỹ chuyên về cơ khí chế tạo, thu nhập hàng tháng của lao động VN đạt 30.000-40.000 Đài tệ (1.000 - 1.200 USD). Nguyễn Đình Long quê ở TP Vinh (Nghệ An) làm việc gần 1 năm ở Nhà máy Thanh Vỹ, cho biết: “Mỗi ngày làm 8 giờ, tăng ca 6 giờ, thu nhập bình quân 1.000 USD/tháng”.

Tuy nhiên, ở những nhà máy ít có việc làm thêm, thu nhập của người lao động không cao, chỉ đảm bảo mức lương tối thiểu theo hợp đồng.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn, thắc mắc, so bì, thậm chí khiến lao động ta bỏ trốn. Riêng lao động giúp việc nhà, khán hộ công, dù công việc bấp bênh, nhiều rủi ro hơn, cũng có thu nhập cao hơn nhiều lần ở nhà.  

  • …Và nguy cơ mất thị trường  

Do tỷ lệ lao động VN bỏ trốn luôn ở mức cao nhất so với các nước khác nên từ đầu năm 2005, ĐL đã ngưng tiếp nhận lao động giúp việc nhà của VN.

Lý giải nguyên nhân này, ông Hoàng Như Lý, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế-Văn hóa VN tại Đài Bắc, nói: “Vì họ thường đặt nặng mục đích kiếm tiền là trên hết. Họ hay đòi hỏi, hay thắc mắc và khi không đạt được mục đích là họ bỏ trốn ngay để tìm việc làm mới có thu nhập cao hơn hợp đồng”.

Nguyên nhân áp lực về chi phí ban đầu đi ĐL làm việc quá cao cũng là một nguyên nhân. Bình quân mỗi lao động phải mất ít nhất 4.000 - 5.000 USD cho một chuyến đi ĐL tìm việc làm.

Bên cạnh phí môi giới “ngầm” phải trả cho các công ty môi giới của ĐL quá cao, lao động của ta phải gồng thêm khoản phí quản lý (trả cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động VN) với mỗi năm làm việc 1 tháng lương cũng khá lớn. Do áp lực vay tiền nóng, trả lãi ngân hàng với tổng số tiền 70 - 100 triệu đồng để đi ĐL làm việc, nhiều lao động bất chấp rủi ro, “đáùnh bài” trốn ra ngoài, mong kiếm thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Bá Hải còn cho biết, mới đây, Văn phòng Kinh tế-Văn hóa VN tại Đài Bắc đã lập danh sách 226 lao động bỏ trốn, gởi về nước để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, trong số lao động bỏ trốn ở Trại Thu dung Tam Hiệp nói trên, sẽ có nhiều lao động phải chịu hình phạt khi về nước. Ngoài ra, từ tháng 3-2006, các cơ quan chức năng ở ĐL đã có nhiều biện pháp xử phạt chủ sử dụng lao động bất hợp pháp với mức rất nặng: 750.000 Đài tệ (tương đương 20.000 USD).

Chính vì thế, lao động VN bỏ trốn ra ngoài ít có cơ hội tìm việc làm hơn trước. Để cắt dần những đường dây dụ dỗ lao động nước ngoài bỏ trốn ngay từ khi đến ĐL, Ủy ban Lao động ĐL đã cho thành lập Trung tâm Đón dẫn lao động nước ngoài ở sân bay, hoạt động 24/24 giờ và sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người lao động nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh, cũng như về nước.

Trường hợp lao động nước ngoài bị ép về nước, bị chủ quỵt tiền công… cũng được trung tâm hỗ trợ giúp họ đòi lại quyền lợi chính đáng. Điểm mới là phía ĐL cũng cho phép lao động nước ngoài tái ký hợp đồng lao động thêm 3 năm với thủ tục đơn giản hơn. Nhờ vậy, lao động bất hợp pháp ở ĐL, trong đó có lao động VN đã giảm.

Dù có những giải pháp như trên, nhưng tình trạng lao động VN bỏ trốn vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Nó đòi hỏi quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc tham gia chống trốn và trên hết là ý thức của người lao động lẫn gia đình họ trong việc chấp hành tốt hợp đồng lao động theo quy định. 

KHÁNH BÌNH

Thông tin liên quan

Bài 1: Bi kịch của những giấc mơ đổi đời nhanh

Tin cùng chuyên mục