Bài 2: Nguồn thải hiện hữu, giải pháp mơ hồ

Hơn 700 nguồn thải khó kiểm soát
Bài 2: Nguồn thải hiện hữu, giải pháp mơ hồ

Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”!

Thực trạng ô nhiễm tại sông Sài Gòn - Đồng Nai được đề cập liên tục từ năm 2003. Đã có rất nhiều cuộc họp giữa các tỉnh thành được tổ chức; có quá nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cũng có quá nhiều lời hứa, cam kết giữa các tỉnh thành nhằm thể hiện quyết tâm phải bảo vệ sông Sài Gòn - Đồng Nai. Thế nhưng đến nay, nước sông Sài Gòn - Đồng Nai vẫn tiếp tục gia tăng mức độ ô nhiễm.

Các doanh nghiệp thường chọn thời điểm về khuya để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai. Ảnh: Ái Vân

Các doanh nghiệp thường chọn thời điểm về khuya để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai. Ảnh: Ái Vân

Hơn 700 nguồn thải khó kiểm soát

Nguồn thải gây ô nhiễm chủ yếu sông Sài Gòn - Đồng Nai được xác định từ các khu dân cư, rò rỉ dầu từ hoạt động giao thông đường thủy, nước rỉ rác của các bãi chôn lấp rác, các loại hóa chất sử dụng phổ biến trong hoạt động khai khoáng và sản xuất công nghiệp… Trong đó, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Bình Dương, kế đến là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng tại TPHCM, 15 khu chế xuất, khu công nghiệp đã được đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, có hơn 700 nguồn thải khác chưa kiểm soát hết chất lượng vẫn đang thải ra môi trường.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Bảo vệ môi trường cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM liên tục trong 5 năm qua đều cho thấy, đoạn sông từ bến Đình - xã Nhị Bình - cầu Bình Phước đổ về hạ lưu đến sông Thị Vải đã bị ô nhiễm nặng hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, vi sinh. Nồng độ các chất ô nhiễm luôn vượt tiêu chuẩn cho phép mức độ A và xấp xỉ ngưỡng mức độ B. Riêng từ đoạn hợp lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn đến thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, nguồn nước cũng đã bị ô nhiễm nhưng còn ở mức độ có thể kiểm soát được.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, riêng tại khu vực sử dụng cho mục đích cấp nước của TPHCM, chất lượng nguồn nước không ổn định. Nồng độ oxy hòa tan (DO), Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép. Đại diện Công ty cổ phần nước BOO Thủ Đức khẳng định, tình trạng xấu đi của chất lượng nguồn nước ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp. Bởi công nghệ xử lý nước cấp hiện nay chủ yếu là bằng phương pháp lắng lọc và khử trùng. Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế TPHCM đã không ít lần cảnh báo về tình trạng gia tăng chất thải ô nhiễm trong nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo trên, thực trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.

Xung đột lợi ích

Lý giải thực tế trên, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, muốn cải thiện số lượng cũng như chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai, yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất là phải giữ được diện tích rừng đầu nguồn. Kế đến là hạn chế phát triển ngành sản xuất nhạy cảm với môi trường. Và cuối cùng là buộc các doanh nghiệp đang hoạt động phải xử lý tốt chất thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố trên đều rất khó thực hiện.

* Tại sông Thị Vải, vào những năm 2007 - 2012, tàu thuyền từ chối đi vào vì nước thải làm hoen rỉ thân tàu. Bản thân các tỉnh, thành ở khu vực hạ nguồn như TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu dù cố công cải thiện chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai nhưng đều như “dã tràng se cát”.

Đại diện UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, toàn tỉnh có khoảng 79 công trình thủy điện nhưng có đến 14 công trình thủy điện lớn do Bộ Công thương cấp phép. Vậy muốn giữ rừng cho sông thì trước hết Bộ Công thương phải hạn chế cấp phép xây dựng thủy điện dọc hệ thống sông. Vị đại diện tỉnh thuộc khu vực thượng nguồn này cũng bày tỏ sự trăn trở, day dứt suốt nhiều năm qua: Trên địa bàn tỉnh Đăk Nông không có nhiều danh lam thắng cảnh, điều kiện thiên nhiên cũng không ưu đãi cho sự phát triển ngành dịch vụ du lịch. Vậy nếu không cho tỉnh này phát triển thêm lĩnh vực công nghiệp thì làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm, cải thiện chất lượng đời sống người dân? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra, đó là nếu các tỉnh ở thượng nguồn giữ rừng để giữ nguồn nước sạch cho các tỉnh hạ nguồn phát triển kinh tế thì các tỉnh hạ nguồn có chia sẻ lợi nhuận kinh tế thu được cho các tỉnh thượng nguồn hay không?

Đồng thuận với ý kiến này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết thêm, toàn tỉnh có khoảng gần 70 thủy điện và phần lớn trong số đó được Bộ Công thương cấp phép. Nhiều dòng chảy bị chặn nguồn để giữ nước cho thủy điện. Bản thân tỉnh dù không muốn nhưng cũng bất lực với việc có quá nhiều nhà máy thủy điện mọc lên.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, cho đến nay việc phát hiện những doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp gây ô nhiễm không khó, nhưng không thể xử lý dứt điểm vi phạm. Với các doanh nghiệp hoạt động độc lập có thể áp dụng hình thức buộc tạm ngưng hoạt động nhưng với các khu công nghiệp, bệnh viện, khu dân cư thì không thể. Do vậy, ngoài hình thức phạt tiền, cơ quan chức năng cũng chưa tìm được cách nào xử lý hiệu quả hơn. Ngoài ra, ngay trong công tác quản lý, trách nhiệm xử lý đối tượng có hành vi vi phạm môi trường hiện phân tán tại nhiều bộ ngành, cơ quan chức năng. Kết quả là tất cả các cơ quan liên quan đều có quyền thanh tra - kiểm tra nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện nếu xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.

Các tỉnh thượng nguồn khó giữ rừng, còn tại các tỉnh thuộc khu vực trung lưu thì mọc dày những khu công nghiệp chưa hoặc có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng vận hành không hiệu quả. Kết quả là các tỉnh ở khu vực hạ nguồn “lãnh đủ” chất thải. Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhiều năm qua, nguồn nước tại khu vực hạ nguồn thuộc địa phương này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Các tỉnh thượng nguồn từ chối, còn các tỉnh hạ nguồn thì tỏ ra “bất lực” nên việc bắt tay bảo vệ nguồn nước con sông này của một số tỉnh, thành còn rất thờ ơ và mỗi địa phương làm một kiểu. Chính phủ thấy được thực tế này nên đã quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Nhưng đáng tiếc là hiện ủy ban này chưa thực hiện được các mục tiêu mà người dân và giới chuyên môn kỳ vọng.

MINH XUÂN - MINH HẢI

- Bài 1: Ai là thủ phạm?

Tin cùng chuyên mục