Trong giai đoạn hiện nay, việc chọn ở nhà lưu trú để tiết kiệm chi phí được xem như một lựa chọn hợp lý cho công nhân lao động (CNLĐ). Điều đáng mừng là thời gian qua, một số khu lưu trú mới với chỗ ở khang trang, trang thiết bị đầy đủ, quản lý hiện đại đã được đưa vào sử dụng.
- Nhà trọ miễn phí hiện đại
Bước vào khu nhà lưu trú 5 tầng dành cho công nhân (CN) của Công ty TNHH Palace Việt Nam (KCX Tân Thuận TPHCM), chúng tôi bất ngờ bởi chế độ quản lý, bảo vệ của tòa nhà không khác mấy so với các chung cư cao cấp. Ông Phạm Ngọc Vinh, nhân viên quản lý khu lưu trú đang ngồi trong phòng trực, mắt chăm chú quan sát những màn hình vi tính trên bàn. Ông Vinh nói: “Hành lang mỗi tầng đều có lắp đặt camera quan sát. Chỉ cần ngồi đây là biết hết mọi chuyện đang xảy ra. Có sự cố hay trộm cắp gì, chúng tôi phát hiện và kịp thời xử lý ngay”.
Để đảm bảo an ninh, mỗi CN ở trong khu lưu trú này được cấp một thẻ ra vào, thiết kế dưới dạng thẻ từ, nhận dạng bằng hệ thống tự động tại khu vực cổng ra vào như ở các nhà ga xe điện ngầm của Singapore.
Chị Mạch Thị Ngọc Ngà, ở khu lưu trú, cho biết: “Hồi trước, mình ở trọ bên ngoài. Lúc công ty xây nhà lưu trú, mình cũng lưỡng lự chưa muốn vào vì ngại nội quy gò bó, không thoải mái. Sau đó, giá phòng trọ bên ngoài ngày một tăng. Ở ghép với người khác trong phòng trọ nhỏ mà mỗi tháng, kể cả tiền điện nước mất gần 800.000 đồng, chịu không xiết nên em quyết định vào đây ở. Trong này sạch sẽ, thoáng mát, còn được sử dụng truyền hình cáp, internet miễn phí nữa”.
Bạn Đỗ Thị Ngọc Quỳnh, ở chung phòng với Ngà, khoe: “Tiền giữ xe, tụi em cũng không phải trả. Mỗi tháng, CN chỉ trả tiền điện, nước mà thôi. Điện, nước mỗi phòng đều có đồng hồ riêng, mỗi tháng có hóa đơn riêng, xài bao nhiêu tính bấy nhiêu nên không lo lắm”.
Mỗi phòng trong khu lưu trú Công ty TNHH Palace Việt Nam được thiết kế có khu vực bếp, nhà vệ sinh riêng. Ngoài ra, còn có khu vực phơi quần áo trong từng phòng. Đặc biệt, khu lưu trú còn có 16 phòng lớn dành cho các cặp vợ chồng là CN. Mỗi phòng được thiết kế gồm 2 buồng riêng, khu vực bếp, nhà vệ sinh và nơi xem tivi chung. Để tạo điều kiện cho thân nhân CN lên thăm, nơi đây còn có khu vực dành riêng cho đối tượng này.
Anh Nguyễn Chí Công, cán bộ văn phòng công ty cho biết: “Công ty dành riêng 1 tầng cho người thân, bạn bè của CN lên thăm có thể ở lại. Trong thời gian lưu lại, thân nhân CN cũng chỉ phải trả tiền điện, nước”. Riêng về tiền điện, được sự hỗ trợ của Ban quản lý các KCX-KCN, chính quyền quận 7 và Công ty Điện lực Tân Thuận, hiện CN ở nhà lưu trú đã được mua điện đúng giá.
- Hơn 8.000 chỗ ở cho NLĐ
Nếu như thời gian trước, nhiều khu lưu trú CN khi xây dựng có một số khiếm khuyết như không gian tù túng, không có phòng vệ sinh riêng, chất lượng không đảm bảo thì những khu lưu trú mới được đưa vào sử dụng gần đây đã khắc phục được nhược điểm này. Ngoài khu nhà của Công ty TNHH Palace, các ký túc xá cho CN mới xây ở KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Tạo cũng được đánh giá tốt.
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM đã có 15 KCX – KCN đang hoạt động, 9 KCN đang triển khai với trên 1.000 dự án đầu tư hoạt động và hơn 250.000 lao động đang làm việc. Trong số đó, lao động từ các tỉnh đến làm việc chiếm hơn 70%. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở của NLĐ rất bức thiết. Từ năm 2006, TPHCM đã có chương trình xây dựng nhà lưu trú cho CN. Tính đến nay, đã có 8 dự án khu lưu trú CN xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm: 7 lô nhà 5 tầng, 4 tòa nhà 6 tầng, 1 lô nhà 3 tầng, 3 tòa nhà 9 tầng, 148 căn nhà cấp 4, đáp ứng 8.110 chỗ ở cho NLĐ tại các khu: Tân Thuận, Linh Trung 1, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc.
Dự kiến trong năm 2012 và năm 2013, các dự án nhà lưu trú và căn hộ cho CN sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng tại các KCN bao gồm: KCN Tân Tạo (2 lô nhà 12 tầng), KCX Linh Trung 2 (1 lô nhà 9 tầng), KCN Tân Thới Hiệp (50 căn nhà cấp 4), KCN Lê Minh Xuân (3 tòa nhà 5 tầng), dự kiến đáp ứng thêm hơn 6.000 chỗ ở nữa. Nếu các dự án được triển khai đúng thời hạn, đạt yêu cầu về chất lượng thì đây thật sự là tin vui cho CNLĐ, góp phần giảm bớt nỗi lo về chỗ ở cho CN nhập cư.
MAI HƯƠNG
>> Giảm gánh nặng cho công nhân - Bài 1: Chật vật với giá tăng