Bài 2: Rối chuyện bảo tồn

Phá di sản kiến trúc mở nhà hàng, cà phê
Bài 2: Rối chuyện bảo tồn

Nhà cổ ở thành phố Hồ Chí Minh

Theo Viện Nghiên cứu phát triển, TPHCM có khoảng 3.000 biệt thự, nhà cổ có giá trị di sản. Trong số này mới có 168 công trình kiến trúc cổ do nhà nước quản lý, đã có quyết định xếp hạng di tích, đang được TP đầu tư tu bổ để bảo tồn. Còn lại, rất nhiều nhà cổ chưa được rà soát, phần lớn do tư nhân quản lý.

Phá di sản kiến trúc mở nhà hàng, cà phê

Một trong những điểm nhấn của di sản kiến trúc ở TPHCM hiện nay là những kiến trúc Pháp. Các công trình do người Pháp xây dựng ở Sài Gòn tồn tại đến hôm nay khá nhiều: Tòa án Nhân dân TPHCM (xây dựng năm 1881), Dinh Gia Long (xây dựng năm 1885, nay là Bảo tàng Cách mạng), khách sạn Continental (xây dựng năm 1880), khách sạn Majestic xây dựng cùng năm với nhà thờ Đức Bà (1877), Bưu điện Sài Gòn (xây dựng từ 1886 đến 1891), Tòa Đô chính hay còn gọi là Dinh Xã Tây, nay là trụ sở UBND TPHCM xây khoảng năm 1907, Nhà hát thành phố khánh thành ngày 1-1-1900, chợ Sài Gòn tức chợ Bến Thành xây dựng từ 1912 đến 1914, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm bên trong Thảo cầm viên xây dựng từ 1927 đến 1938, Kho bạc Sài Gòn xây dựng cuối năm 1920… Ngoài ra, còn có Trường Gia Long (nay là Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai) xây dựng 1913; Trường Trung học Chasseloup-Laubat (tức Trường PTTH Lê Quý Đôn ngày nay) xây dựng năm 1874; Trường College Fraternite xây dựng năm 1908 (nay là Đại học Sài Gòn). Trường Marie Curie xây dựng năm 1918. Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong) xây dựng năm 1925…

Nhà cổ A 17/1E, đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh xuống cấp nghiêm trọng

Tiếc thay, thời gian qua, nhiều kiến trúc Pháp cổ đã bị sửa chữa, thay đổi hiện trạng. Ngôi biệt thự nằm ở góc đường 3 mặt tiền Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu (phường 6, quận 3), diện tích hơn 2.800m². Mới hơn 100 tuổi nhưng do không được bảo quản đúng cách nên xuống cấp nghiêm trọng: mái ngói vỡ, tường bám đầy rêu xanh, loang lổ mốc, một phần công trình bị đục khoét, cơi nới cho thuê làm bãi giữ xe, bán cà phê, bán hàng rong... Cùng chung số phận là nhiều biệt thự, nhà cổ trên đường Tú Xương, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo... đã bị cải tạo thành trường học, nhà hàng, quán cà phê... Mới đây, 2 biệt thự tại số 6 đường Nguyễn Thông và số 458 đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) bị tháo dỡ do xuống cấp; chủ nhân của 13 biệt thự khác tại quận 1 và quận 3 cũng đề nghị được tháo dỡ vì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng...

Ai lo bảo tồn di sản?

Anh Phạm Công Luận, một người thân của gia đình ông Sáu Nhỏ, đã ngậm ngùi sau lần đến thăm ngôi nhà cổ số 237 Nơ Trang Long: “Khi bước ra khỏi cánh cổng, đọng lại trong tôi là cảm giác tiếc nuối và bâng khuâng. Một di tích vẫn còn rất đẹp, nhưng với những bất cập hiện nay, liệu có thể giữ được nguyên vẹn, dù tôi biết gia đình ông Sáu rất mong muốn điều ấy. Dường như có những mảnh linh hồn của đất Sài Gòn - Gia Định xưa dần mai một, khó mà giữ lại được trong đô thị ngày càng  hiện đại này”. Phải nói là việc sửa chữa, thay thế những hạng mục theo kiến trúc cổ rất khó khăn, lại tốn kém. Ông Nguyễn Tấn Tự, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, đề xuất: “Các cơ quan chức năng ngoài việc sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với nhà cổ, cần tích cực giúp đỡ chủ nhà không những về kinh phí trùng tu mà còn về chuyên môn kỹ thuật. Đây là việc cần làm gấp để tránh lặp lại trường hợp như việc biến mất của từ đường tri huyện Trương Văn Lánh ở quận Bình Thạnh, hoặc thay đổi kết cấu và kiến trúc như nhà ông Đúng ở huyện Hóc Môn, nhà ông Thạc ở huyện Củ Chi…”.

Ông Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cũng lo lắng: “Ví dụ Nhà hát thành phố, sau  sửa chữa, người ta cho phục dựng 2 pho tượng nhưng tỷ lệ 2 tượng này quá mập, không đạt yêu cầu như nguyên thủy. Chưa kể họa tiết trên cửa sổ chưa đúng. Giá mà chúng ta nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn trong nghiên cứu, thi công và giám sát khi bảo tồn, phục dựng các công trình trên 100 năm tuổi của Sài Gòn thì hay biết bao!”.

Theo Thạc sĩ - kiến trúc sư Lương Thu Anh  (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM), nhìn chung công tác bảo tồn di sản kiến trúc đô thị của TP chưa hiệu quả, còn nhiều khoảng trống về quy định pháp luật. Ý thức bảo tồn như là trách nhiệm của công dân gìn giữ văn hóa lịch sử cho tương lai chưa được xã hội quan tâm. Những mục tiêu hướng tới như tạo ra những khu vực di sản, con đường di sản gắn với hoạt động đi bộ tham quan cho du khách còn bế tắc trong luật pháp, phương pháp và nguồn lực. Gần 2 thập niên trôi qua, trước sức ép đầu tư phát triển, các công trình kiến trúc lịch sử bị tháo dỡ với số lượng đáng kể. Một số không gian kiến trúc trong khu trung tâm lịch sử bị biến đổi, mất tính đồng nhất, càng gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Ngoài ra, do khó khăn, chính chủ nhân các nhà cổ cũng góp phần làm cho chúng xuống cấp. Chỉ cần đến Hội An thôi, ai cũng thấy người dân hào hứng, tự hào kể chuyện về từng cái giếng cổ, ngôi nhà cổ, thậm chí đến cả một mảng tường rêu. Trái lại, khi chúng tôi đến thăm các ngôi nhà cổ ở TPHCM, thường bị xua đuổi. Người thì tủi phận: “Không có tiền mới phải ở cái nhà cũ này. Hay ho gì mà xem!”.

Trong khi chính những người sống hàng ngày trong nhà cổ mà không tự hào về di sản của cha ông mình, thì ở TPHCM, hơn một năm nay, ông Tim Doling, thạc sĩ Sử học người Ireland, lại kỳ công lập một trang trên facebook lấy tên là “Đài quan sát di sản Sài Gòn - Saigon Heritage Observatory” và trang web www.historicvietnam.com để đăng tải nhiều bài viết thú vị về những tòa nhà xưa của Sài Gòn - TPHCM, đặc biệt là câu chuyện lịch sử đằng sau những tòa nhà. Qua việc cảnh báo những di sản kiến trúc bị xâm hại, ông muốn nâng cao ý thức bảo tồn của cộng đồng: “Di sản là sự tiếp nối với quá khứ. Trong một nghĩa nào đó, di tích nối người Việt với quá khứ và tương lai, cũng nối chúng ta với thế giới bên ngoài. Nếu giật sập hết, chúng ta nối với ai? Ai nối với chúng ta?”…

“Chúng ta phải bảo vệ và bảo tồn các tòa nhà cũ có giá trị di sản, nghiên cứu lịch sử của chúng và sáng tạo những câu chuyện xung quanh các tòa nhà này, bằng cách làm cho chúng là “di sản sống”, chứ không phải là “di sản chết”. Như vậy, chúng ta có thể biến chúng thành một công cụ để đổi mới các khu vực nghèo, bồi dưỡng ý thức cộng đồng, tăng cường đời sống văn hóa thông qua việc tái sử dụng các tòa nhà cũ như không gian văn hóa và trên tất cả là việc khuyến khích du lịch văn hóa di sản (culture and heritage tourism)”.

Ông Tim Doling, thạc sĩ Sử học

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Hồn di sản còn lại bao nhiêu?

Tin cùng chuyên mục