Văn hóa tính dục

Bài 2: Tính dục cũng thiêng

Bài 2: Tính dục cũng thiêng

Tri thức khôn ngoan của người Hindu từ xưa sớm xác định đời người phải phấn đấu để đạt được trivarga, tức là hoàn thành một mục đích bao gồm ba phương diện pháp-tài-ái. Pháp (dharma) là những giá trị đạo đức, tâm linh làm nền tảng cho gia đình, xã hội. Tài (artha) là của cải, sản nghiệp giúp con người sống sung túc. Ái (kama) gồm những lạc thú yêu đương phải biết hưởng cho đúng điệu trong cuộc sống. Dạy về yêu đương, Mallanaga Vatsyayana viết Kamasutra (hay Kama sutra).

Kama sutra (kinh yêu đương) xác định, phải sống sao cho đề huề cả ba mặt dharma, artha và kama thì kiếp này mới có ý nghĩa, sướng vui để sang kiếp sau cũng sẽ tốt đẹp như thế.

Bài 2: Tính dục cũng thiêng ảnh 1

Một số tượng mô phỏng theo Kamasutra.

Nắm được then chốt này thì hiểu Kama sutra không nhằm khuyến khích con người chạy theo đòi hỏi xác thịt và đắm chìm trong dục lạc mà bỏ mất giá trị tinh thần, tâm linh (dharma), quên đi nhiệm vụ phải tạo ra phương tiện vật chất sung túc cho gia đình (artha). Nói cách khác, vì yêu đương (kama) là chuyện đáng làm thì hãy biết làm cho khéo, đó là phương châm của tác giả Vatsyayana.

Biết làm cho khéo tức là nắm vững các nguyên tắc lý thuyết và kỹ thuật thực hành đồng thời đừng lạm dụng mà cũng đừng đè nén, ức chế. Điều này phải chăng cho thấy nhân sinh quan của người Hindu là tâm vật đề huề, không vì tâm bỏ vật, chẳng vì vật quên tâm?

Các học giả cho rằng, tác giả Kama sutra (một trí thức độc thân) chỉ đúc kết và cô đọng những kinh nghiệm lâu đời trong truyền thống Hindu, cụ thể là tác phẩm Kama Shastra đã viết ra từ trước.

Niên đại ra đời Kama sutra không thể biết chính xác. Chỗ chép là thế kỷ IV trước Công nguyên, chỗ bảo thế kỷ II trước Công nguyên nhưng có học giả lại nói là trong khoảng sáu thế kỷ đầu Công nguyên! Nói cách khác, không thể xác định năm sinh, năm mất của tác giả Vatsyayana.

Bài 2: Tính dục cũng thiêng ảnh 2
Đền thờ Kamasutra tại Ấn Độ.

Kama sutra có lẽ mượn tên thần tình ái Kama, mang hình ảnh một chàng trai trẻ, có cánh, tay mang cung tên. Đối với người Ấn cổ xưa, Kama sutra có nguồn gốc thiêng liêng. Thoạt đầu, kinh do thần sáng tạo Prjapati thuyết. Sau đó, thần Shiva tối cao soạn thành 10.000 chương, rồi giáo sư triết học Shvetaketu rút gọn còn 500 chương. Cuối cùng Vatsyayana cô đọng còn 36 chương như các bản hiện lưu hành.

Từ Ấn Độ rồi lan rộng ra các nước, dịch và in bằng nhiều ngôn ngữ, Kama sutra không bị xếp vào loại dâm thư (porno). Kinh được viết bằng tiếng Sanskrit theo thể văn xuôi nhưng các nghệ nhân và họa sĩ dân gian Ấn Độ trong nhiều thế kỷ đã tạc tượng, vẽ tranh để minh họa 64 chiêu thức bài bản mà Vatsyayana đã miêu tả tỉ mỉ.

Nhiều đền thờ Hindu được trang trí rất hoành tráng ở bên ngoài bằng hàng loạt tượng sống động. Tại thành phố Khajuraho, người Ấn còn dựng lên một đền thờ mang tên Karma sutra sau đó trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế.

Có lẽ sẽ không sai nếu nói rằng chính người Hindu từ xa xưa đã thiêng liêng hóa khía cạnh tính dục trong cuộc sống.

TRẦN THẾ HƯƠNG

Bài 1: Đông Tây hòa điệu xuân ca

Tin cùng chuyên mục