
Trước vấn nạn kẹt xe ở TPHCM, chắc hẳn nhiều người thắc mắc: tại sao mỗi năm thành phố đều đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho giao thông mà không giải quyết được triệt để vấn đề này?
- Thiếu các giải pháp đồng bộ

Một điểm kẹt xe khi đường tàu hỏa cắt ngang.
Một nhận định cũ rích nhưng… vẫn mang tính thời sự. Kết sổ lại, trong 5 năm qua, thành phố xây dựng, cải tạo được không ít trục đường. Phía Bắc có đường Trường Chinh được cải tạo mở rộng từ hơn 10m lên đến gần 60m.
Phía Tây có đường Hùng Vương nối dài (Kinh Dương Vương) to đẹp hơn xưa rất nhiều. Phía Đông, nút giao thông Hàng Xanh được mở rộng rồi đường Điện Biên Phủ cũng được mở rộng; thêm vào đó là một con đường mới tinh – đường Nguyễn Hữu Cảnh, đã giải quyết một cách khá căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này. Phía Nam có đường trục Bắc-Nam kéo dài từ trung tâm thành phố về đến gần Nhà Bè, Cần Giờ làm cho thời gian đi đến đây giảm còn 1/3 so với trước…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những đường trục hoặc đường cửa ngõ và chúng cũng chỉ mới giúp thành phố cải thiện giao thông trong khu vực. Một lợi ích khác, đáng lẽ các trục đường này có thể mang lại cho thành phố là… giãn dân thì chưa được phát huy. Anh Hoàng Nam Sơn, ngụ tại căn cứ 26 Gò Vấp đã nói về chuyện này: “Nếu có một đô thị hiện đại hay thậm chí chỉ là một khu dân cư được quy hoạch đàng hoàng ở Củ Chi, kết nối thuận lợi với đường Xuyên Á vào tới Trường Chinh thì tôi đã chuyển đến ở đấy. Tuy nhiên, những điều ấy mới ở trên giấy và tôi thì không thể mạo hiểm đưa gia đình ra ngoại thành để rồi không biết ở đó sẽ có những gì. Do vậy, tốt nhất là cứ ở nội thành”. Tâm trạng trên không riêng của anh Nam.
Trong khi người dân cứ phải “cố thủ” trong nội thành thì đường nội thành lại không thể tăng thêm. Trong vài năm gần đây, thành phố rất hạn chế việc mở rộng đường trong nội thành, năm 2004 chỉ có đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa có quyết định mở rộng. Thực ra, đây là một quyết định đúng đắn tuy nhiên đặt trong bối cảnh thành phố chưa thể giãn dân ra ngoại thành và dân số cứ tăng lên theo cấp số nhân thì nó nảy sinh bất cập: sự quá tải!
Cách nay 3-4 năm, ngành giao thông công chính đã quyết định điều chỉnh lại giao thông ở một số chốt giao thông trọng điểm như Hàng Xanh, Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Ông Cha Cả… với hy vọng “nếu khéo sắp xếp” thì cũng có thể đi được. Thế nhưng, tiếc rằng việc điều chỉnh giao thông không phải chỗ nào cũng thành công hoặc có thành công cũng chỉ giúp cải thiện giao thông ở một khu vực nhỏ, nên cách này cũng chưa tác động lớn đến việc chống ùn tắc giao thông. Đó là chưa kể đến một thực tế khác: một khi sự quá tải lên đến đỉnh điểm thì khó mà sắp xếp, điều chỉnh cho hợp lý được. Mà đến đây thì chúng ta lại phải quay trở lại vế đầu: giãn dân. Không giải quyết chuyện này thì không thể giải quyết căn cơ chuyện kẹt xe ở thành phố.
- Có cầu, có đèn… nhưng không có người sử dụng
Trong các năm qua, thành phố cũng đã đầu tư không ít tiền để xây dựng hàng loạt các công trình giao thông phụ trợ cho việc đi lại của người dân như cầu vượt, đèn giao thông dành cho người đi bộ… Tuy nhiên, có cầu, có đường nhưng lại không có mấy người đi. Về phía người dân cũng không hẳn là bàng quan với các tiện ích này. Nhiều người đã sử dụng đèn dành cho người đi bộ trước cửa Bệnh viện Bình Dân để qua đường nhưng khi đèn xanh sáng lên, các loại phương tiện khác vẫn không chịu dừng lại nhường đường cho người đi bộ. Như vậy, vấn đề ở đây là gì? Rõ ràng chúng ta đang thiếu một chiến lược tổng lực cho giao thông.
Làm cho đường thông, hè thoáng- chuyện không mới nhưng chúng ta cũng chưa thực hiện được. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP, trong thành phố chỉ có một số quận với một số tuyến đường như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi... là thông thoáng, còn lại phần lớn đều bị lấn chiếm. Hãy thử làm một phép tính: diện tích đậu của một chiếc xe gắn máy khoảng 1,5m2, ô tô là 12m2, một gánh hàng rong dừng lại mua bán trên đường chiếm khoảng 2m2… trong khi TPHCM hiện có khoảng 280.700 xe ô tô, gần 3 triệu xe gắn máy 2 bánh đang lưu hành. Chỉ cần ¼ số xe này đậu lấn chiếm lòng, lề đường thì thành phố đã “mất đi” hàng ngàn mét vuông đường.
Với diện tích đường không bị lấn chiếm, thành phố còn không đủ đường để đi thì diện tích đường không bị lấn chiếm còn lại, tất yếu không thể phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. TPHCM đã chủ trương xã hội hóa việc xây dựng bãi đậu xe ngầm để giải quyết nhu cầu đậu xe đang ngày càng tăng. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào đây nhưng vẫn trong giai đoạn chuẩn bị nên trong thời gian trước mắt, đường thành phố vẫn cứ bị chiếm làm nơi đậu xe.
Trở lại vấn đề đầu tiên mà chúng tôi đã đặt ra: Tại sao thành phố bị kẹt xe trong giờ cao điểm? Đề án làm việc lệch ca đã được thực hiện đến đâu mà để giờ cao điểm mọi người cùng ra đường? Theo một cán bộ của Ban An toàn giao thông thành phố, đề án này chưa được triển khai mạnh mẽ bởi vẫn còn quá nhiều ý kiến trái ngược nhau, trong đó nhiều người không đồng tình.
Thành phố bị kẹt xe, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành giao thông công chính, tuy nhiên chống kẹt xe, lập lại trật tự an toàn giao thông là công việc chung của toàn xã hội. Mỗi ngành, mỗi người đều phải có ý thức góp tay vào giải quyết vấn nạn kẹt xe thì tình trạng kẹt xe mới khả dĩ giảm bớt.
NGUYỄN KHOA
Bài 1: Đường to, lộ nhỏ… cùng kẹt