Barack Obama - Ngôi sao vụt sáng trên chính trường Mỹ

Bài 2: Trên đường thăng tiến sự nghiệp

Bài 2: Trên đường thăng tiến sự nghiệp

Theo những người từng quen biết thì cả ở trường phổ thông, đại học ở Los-Angeles và Đại học Tổng hợp Columbia, Obama khi đó chẳng thể hiện gì về việc mình sẽ là một chính trị gia lớn trong tương lai. Mặc dù rất có thể vào thời điểm đó, nhận thức của ông đã bắt đầu định hướng cho ý tưởng này. Đây là lý do để giải thích cho việc Obama quyết định vào làm việc tại một quỹ từ thiện ở Chicago (là nơi chuyên hỗ trợ về mặt pháp lý và xã hội cho cư dân tại những khu vực khó khăn) thay vì tìm vị trí có mức lương cao tại một công ty làm ăn phát đạt nào đó.

Bài 2: Trên đường thăng tiến sự nghiệp ảnh 1
Gia đình luôn có ý nghĩa quan trọng đối với Obama.

Năm 1988, Barack Obama vào học tại một trong những trường dành cho giới thượng lưu có uy tín nhất nước Mỹ - Trường luật Harvard. Với kết quả học tập xuất sắc, những tham vọng chính trị của Obama bắt đầu được định hình.

Năm 1990, ông trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được làm biên tập cho ấn bản Harvard Law Review của trường đại học danh tiếng này, trước khi trở thành chủ tịch da đen đầu tiên của Câu lạc bộ các luật gia Harvard.

Trước khi tốt nghiệp đại học, Obama nhận được lời đề nghị của Abwer Mickva - khi đó đang đứng đầu Tòa án thượng thẩm liên bang - về làm việc cho văn phòng của mình. Rõ ràng là cánh cửa của khả năng thăng tiến trong công danh sự nghiệp đã mở toang trước chàng sinh viên 30 tuổi vừa tốt nghiệp đại học. Nhưng Obama vẫn quyết định quay trở lại Chicago để tiếp tục những hoạt động từ thiện trước kia của mình. Vào thời điểm này, theo như người bạn thân thiết Valeria Jarret, Obama đã nung nấu ý định trở thành tổng thống Mỹ.

Do không có đủ tiền sinh sống từ hoạt động từ thiện, Obama quyết định làm thêm tại Khoa luật Trường Đại học Tổng hợp Chicago bằng cách tham gia giảng dạy về hiến pháp. Ông đã không ít lần nhắc về giai đoạn này trong quá khứ kể từ khi ra tranh cử tổng thống: “Tôi sẽ là một tổng thống đã từng đọc kỹ hiến pháp và giảng dạy nó, là một tổng thống luôn tin tưởng vào hiến pháp và luôn tuân theo mọi điều khoản của hiến pháp”.

Cũng tại Illinois, Obama đã bắt đầu hoạt động chính trị một cách nghiêm túc. Từ năm 1997 đến 2004, ông đại diện cho phe Dân chủ trong thượng viện của bang này. Năm 2000, Obama thử ra tranh cử vào hạ viện tại Quốc hội Mỹ nhưng đã chịu một thất bại nặng nề trước ứng cử viên Bobby Rush. Trở ngại ban đầu này chẳng thể làm chùn bước Obama.

Trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 2004, ông đã có một thắng lợi cách biệt nhất trong lịch sử bang Illinois, sau khi lần lượt qua mặt tới 6 ứng cử viên khác nhau. Ngay mùa hè năm đó, Obama đã được cả nước Mỹ biết đến với bài phát biểu ấn tượng tại đại hội của đảng Dân chủ. Chủ đề chính của bài phát biểu này - “Chúng ta là một dân tộc luôn gìn giữ lòng trung thành với lá cờ sao-sọc” - hiện vẫn đang là một trong những khẩu hiệu chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.

Chính trị gia bình dị

Dù đã chuyển tới Washington nhưng thượng nghị sĩ trẻ Obama vẫn coi mình là một người Chicago. Cô vợ Michelle cùng với hai cô con gái vẫn sống tại ngôi nhà ở khu vực Kenwood (Chicago), được Obama mua năm 2005 với giá 1,6 triệu USD bằng khoản nhuận bút từ cuốn sách The Audacity of Hope (Sự táo bạo của hy vọng).

Hàng xóm của nhà Obama tại khu vực này chính là nhà tài phiệt nổi tiếng tại Chicago Tony Rezko, từng là một nhà tài trợ hào phóng cho những chiến dịch tranh cử của Obama. Mới đây, sau khi Rezko vừa phải ra tòa vì tội lừa đảo, báo chí Mỹ đã đua nhau “săm soi” mối quan hệ của nhà tài phiệt này với Obama nhưng đã không tìm ra bất cứ dấu vết nào làm ảnh hưởng tới uy tín của ông.

Còn tại Washington, ngôi sao đang lên trên chính trường Mỹ này đang thuê một căn hộ khiêm tốn chỉ có một phòng trên đại lộ Massachusets nằm không xa đồi Capitol (là nơi đặt trụ sở quốc hội). Obama không bỏ lỡ bất cứ một thời gian rảnh rỗi nào dù chỉ vài giờ để có thể tranh thủ bay về Chicago với vợ con.

“Cuộc sống gia đình đối với tôi là điều quan trọng nhất và cũng lớn lao nhất mà tôi đã kịp có được trên thế giới này - Obama đã từng tâm sự như vậy với ngôi sao truyền hình nổi tiếng Opra Winfrey, một người luôn ủng hộ rất nhiệt thành cho ông - Và điều lớn hơn tôi có thể làm chỉ có thể bằng hoạt động chính trị của mình”. Thượng nghị sĩ này còn tỏ vẻ rất hài lòng với lý luận cho rằng, gia đình lớn của ông - bao gồm cả những họ hàng là người Mỹ, Indonesia và Kenya - có thể coi là “một Liên Hợp Quốc thu nhỏ”.

Thời thơ ấu, Obama được coi là một “người vô thần lặng lẽ”, do cả mẹ và ông bà ngoại đều không phải là người theo đạo. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc với các nhóm từ thiện của giáo hội, Obama cho biết đã hiểu rõ được “sức mạnh truyền thống tôn giáo Phi-Mỹ đối với việc thúc đẩy những biến đổi về xã hội”.

 Từ gần hai thập niên gần đây, vợ chồng nhà Obama đang là những con chiên của giáo hội Chicago. Cha bề trên của giáo hội này là Jeremiah Wright từng nổi tiếng vì những lời công kích mang tính cực đoan về “một nước Mỹ của người da trắng”.

Cũng chính vì chuyện này mà Obama đã phải hai lần đứng ra giải thích về sự khác biệt rõ ràng trong quan điểm của mình với cha Wright. Chuyện rắc rối này đã tạm thời được dẹp yên, cho dù phe Cộng hòa chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội quay trở lại “đề tài” này, một khi Obama chính thức trở thành đối thủ của McCain vào mùa thu sắp tới.


LINH NGA


Bài 3: Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Tin bài liên quan:
- Bài 1: Cả các ngôi sao Hollywood cũng mến mộ

Tin cùng chuyên mục