Bài 3: Cần giải pháp căn cơ

Thực chất, nghiêm túc hơn
Bài 3: Cần giải pháp căn cơ

Việc làm thời khó khăn

Ngoài việc cải tiến chính sách về lương, điều kiện và môi trường làm việc, doanh nghiệp (DN) cần quan tâm đến xây dựng chiến lược sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian dài để có thể chủ động được nguồn lao động, giữ họ gắn bó lâu dài với mình. DN và nhà trường cần gắn kết hơn nữa - Đó là một trong những nhận định của Sở LĐ-TB-XH TPHCM.

Người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Thực chất, nghiêm túc hơn

Theo sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất: về cơ bản, lâu dài cần phát triển “cung” lao động bằng việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động. Song song đó, cần xây dựng các giải pháp đảm bảo tính linh hoạt của thị trường lao động như tạo thuận lợi cho di chuyển lao động. Về “cầu” lao động, cần khuyến khích phát triển DN bằng các chính sách ưu đãi tạo ra nhiều chỗ làm mới, thu hút nhiều lao động. Hỗ trợ các hoạt động tạo việc làm ở khu vực phi chính thức và những người lao động tự tạo việc làm. Và, thúc đẩy giao dịch trên thị trường lao động, tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động của TP. Hiện, việc nghiên cứu thị trường lao động còn hạn chế ở phương pháp, cách thức nghiên cứu, dự báo còn mang tính thủ công. Sở gặp khó khăn trong nắm thông tin từ các DN hoạt động trên địa bàn do nhiều DN không thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động. Đối với các DN này, cần bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với hành vi trên.

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, cần sửa đổi quy định về mức tiền lương, tiền công làm cơ sở đóng BHXH, BHYT theo hướng căn cứ vào tiền lương bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp nhằm đảm bảo việc tham gia BHXH của người sử dụng lao động, người lao động được thực chất, nghiêm túc. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế tiền lương theo hướng thống nhất, bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các DN, cũng như bảo đảm quyền lợi giữa người lao động làm việc trong các DN thuộc các thành phần khác nhau. Trong tình hình các chủ DN nợ lương, bỏ trốn xuất hiện nhiều, cần có cơ chế quản lý, giám sát tình hình tài chính DN, kịp thời phát hiện các trường hợp DN gặp khó khăn tài chính có thể nợ lương, BHXH và chủ bỏ trốn. Nghiên cứu mô hình cho phép bán đấu giá nhanh tài sản ở những công ty này nhằm trả nợ lương, ổn định đời sống công nhân lao động.

Không dừng lại ở giải pháp trực tiếp

Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, TP đã có nhiều biện pháp chăm lo đời sống công nhân, người lao động như: xây một số khu lưu trú cho công nhân; vận động chủ nhà trọ chung sức cùng công nhân; áp dụng giá điện, nước theo định mức; bán hàng bình ổn giá… Dù rất đáng quý, đáng trân trọng nhưng những chính sách phúc lợi đó chưa thấm tháp gì so với khó khăn mà công nhân đang phải gánh chịu. Quan trọng nhất cho sự bền vững, ổn định, vấn đề lương, thu nhập của công nhân cần phải được cải thiện.

Góp ý tìm hướng ra cho bài toán việc làm cho người lao động thời khó khăn, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam đánh giá, TP nói rất nhiều biện pháp, biện pháp nào cũng đúng nhưng ít chú trọng đến tính khả thi. Theo ông Nguyên, khi giải quyết một vấn đề xã hội, chúng ta cần phải đặt vấn đề đó vào tổng thể tình hình chung và cần những biện pháp đồng bộ. Mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu DN (năm 2015, 70% người lao động được đào tạo).

Thực tế cho thấy, khả năng tạo ra nguồn nhân lực được đào tạo khá hạn chế. Phần lớn lao động là người nhập cư, bản thân họ đa số chưa được đào tạo khi vào TP. Họ vắt kiệt sức mưu sinh, rất ít người đủ khả năng tự bỏ tiền đi học; các DN vì lợi nhuận trước mắt, có dám bỏ tiền ra đào tạo đại trà và trả lương cho công nhân đi học? “Không đơn giản chúng ta chỉ nghĩ đến các biện pháp trực tiếp - vốn mang tính chất “chữa cháy” và thường tác động, xê dịch chỗ này sẽ làm ảnh hưởng, mâu thuẫn đến chỗ khác.

Vấn đề là điều hành kinh tế vĩ mô, cần sự đồng bộ. Kinh tế vĩ mô cũng giống như một ngôi nhà, không thể nói ngôi nhà ấy tốt khi từng viên gạch kém chất lượng. Kinh tế vĩ mô chỉ tốt khi nhìn vào từng DN vừa và nhỏ, thấy sự phát triển, khởi sắc” - TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

Khắc phục hệ quả lao động phổ thông

Các chuyên gia cũng thẳng thắn phân tích, tình cảnh hiện nay là hệ quả của việc thực hiện chính sách lao động không đầy đủ, lương quá thấp so với cống hiến của công nhân và mức sống của xã hội. “Nếu nói thế mạnh của lao động là giá rẻ, có nghĩa là chúng ta đã bán rẻ sức lao động của người lao động cho các DN nước ngoài. Chúng ta thường đổ lỗi cho người nhập cư - kẹt xe, hay trật tự xã hội, văn minh đô thị không đảm bảo, lao động - việc làm nghịch lý là… do người nhập cư. Lỗi không phải ở người nhập cư” - TS Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.

Thạc sĩ Lê Văn Thành bổ sung, lao động phổ thông không phải thế mạnh mà là thế yếu và rõ ràng, khi kinh tế chững lại, khiếm khuyết này càng bộc lộ rõ. Nguồn lực con người có hạn, không được chăm lo chu đáo sẽ bị suy kiệt nhanh, sớm “hết hạn sử dụng”. Lao động vắt sức mưu sinh, không còn điều kiện nâng cao năng suất, tái đào tạo nghề để chuyển đổi công việc phù hợp hơn. Khi bị thất nghiệp, về già, họ hưởng khoản lương hưu ít ỏi do mức đóng BHXH thấp và sẽ tăng thêm gánh nặng xã hội.

ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP

Việc làm thời khó khăn

- Bài 1: Xoay xở vượt khó

- Bài 2: Nhiều nghịch lý

Tin cùng chuyên mục