Công tác cán bộ - khâu then chốt trong xây dựng Đảng

Bài 3: Kiểm soát quyền lực khi bí thư cấp ủy không là người địa phương

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết số 26-NQ/TW) đã đề ra những mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu về kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền.
Một trong những mục tiêu được quan tâm và nếu thực hiện tốt có thể góp phần hạn chế những bất cập trong công tác cán bộ thời gian qua, đó là bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Bài 3: Kiểm soát quyền lực khi bí thư cấp ủy không là người địa phương ảnh 1 Người dân đánh giá sự hài lòng của cán bộ giải quyết thủ tục hành chính tại một đơn vị của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngăn chặn “cả họ làm quan” Cảnh báo về việc kéo bè, kết cánh trong công tác cán bộ, ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, trong thư gửi cho các huyện, tỉnh và làng vào ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những lỗi lầm nặng nề mà đội ngũ cán bộ mắc phải khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, trong đó có biểu hiện kéo bè, kéo cánh. Người phê bình: “Bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”. Cũng trong thư gửi các đồng chí Bắc Bộ ngày 1-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình, kiểm thảo “những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. Trong thực tiễn vừa qua đã lộ ra vô số chuyện xung quanh nội dung trên. Từ chuyện hàng loạt họ hàng của bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền núi phía Bắc giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy tỉnh này, đến câu chuyện “cười ra nước mắt” ngay giữa thủ đô Hà Nội khi một huyện có 13 phòng thì tới 10 người là anh em họ hàng với bí thư huyện ủy. Còn ở một đơn vị nọ, chồng quy hoạch vợ làm lãnh đạo… Tất nhiên, cuối cùng tất cả đều được giải thích là “đúng quy trình”. Chỉ có điều lạ là các quy trình này thật khôn ngoan, cứ đi thẳng vào người nhà lãnh đạo. Điều đó cho thấy một thực trạng hiện nay là có biểu hiện phe phái cục bộ trong công tác cán bộ mà dư luận râm ran là “nhất hậu duệ”.Mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch Luật Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam quy định “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”. Tương tự, Nghị định 158/2007 và Nghị định 150/2013 có quy định về các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, phạm vi chuyển đổi hẹp hơn rất nhiều và vẫn cơ bản trong cơ quan, tổ chức đó. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 7 nhấn mạnh đến 5 đột phá trong công tác cán bộ, trong đó đặt ra yêu cầu thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đây có thể xem là một trong những biện pháp để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng “cả họ làm quan” như hiện nay. Trước hết, nếu thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần hạn chế những biểu hiện cục bộ trong công tác cán bộ như một số vụ lùm xùm vừa qua. Ngoài ra, nếu bí thư cấp ủy không phải người địa phương, khi bổ nhiệm những người lãnh đạo dưới quyền theo thẩm quyền sẽ không phải e dè. Trong bối cảnh ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng “cả họ làm quan”, hoặc các nhóm lợi ích cấu kết với nhau để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng thì việc quay trở lại với cha ông, trong đó có việc áp dụng Luật Hồi tỵ của người xưa (quy định những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê…) không được làm quan cùng một chỗ cũng là một biện pháp góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực nêu trên. Tuy nhiên, mỗi thời kỳ có những đặc điểm riêng. Ở thời xưa, thông tin, liên hệ giữa các vùng miền còn khó khăn, hạn chế nên việc áp dụng Luật Hồi tỵ cơ bản mang lại hiệu quả. Tất nhiên, khi thực hiện bí thư cấp ủy không phải người địa phương cũng sẽ gặp những khó khăn bất cập khác. Chẳng hạn, với người đứng đầu địa phương cần am hiểu đặc điểm về văn hóa, tính cách của vùng miền. Vậy nên, khi bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương cần bố trí đưa người ở những địa phương không quá xa nhau vì họ hiểu đặc điểm, văn hóa, tính cách, con người, từ đó thuận lợi hơn. Trong bối cảnh của thời đại khoa học công nghệ thông tin hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, ranh giới về địa lý được thu hẹp nên nếu áp dụng nội dung này, chắc chắn sẽ góp phần mang lại hiệu quả tích cực. Thế nhưng, cũng không hẳn kỳ vọng vào việc thực hiện này. Vấn đề quan trọng nhất là mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch với hệ thống luật pháp rõ ràng và nghiêm minh mới là “liều thuốc” hữu hiệu nhất.
Siết xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII cần có những giải pháp đồng bộ. Ngoài việc triển khai thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm phải triệt để nghiêm minh. Đặc biệt là xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Xử lý kiểu… “đánh bùn sang ao”

Đại tá Nguyễn Xuân Hợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TPHCM), nguyên Phó Chỉ huy Trưởng về Chính trị, Bí thư Đảng ủy vùng 5 Hải Quân (Bộ Tư lệnh Hải quân), nhận xét, Nghị quyết 26-NQ/TW nhấn mạnh quan điểm “cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Trong bối cảnh xảy ra nhiều sai phạm trong công tác tổ chức, cán bộ thì khẳng định trên là rất quan trọng và việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách ấy càng cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi thực tế việc triển khai gặp nhiều khó khăn do không ít nơi đã bổ nhiệm cán bộ một cách lạ lùng, chỉ sau vài ngày Nghị quyết Trung ương 7 được ban hành. Đó là việc bổ nhiệm cán bộ bị kỷ luật vào chức vụ lãnh đạo, như ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và ông Lư Thành Đồng, nguyên Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, đều bị kỷ luật nhưng lại được bổ nhiệm chức vụ khác.

Đối với ông Ngô Văn Tuấn, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Tuấn với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Kế đến, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với ông Tuấn. Nhưng sau đó, tỉnh Thanh Hóa “phân công” ông Tuấn làm Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh. Trong khi đó, ông Lư Thành Đồng bị kỷ luật Đảng và chính quyền đều bằng hình thức cảnh cáo, do để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, khiến nhiều cán bộ thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT Cần Thơ vào tù. Vậy nhưng, ông Đồng lại được bổ nhiệm làm Trưởng Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ.

Về nguyên tắc, cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật cả về mặt Đảng lẫn Nhà nước như ông Tuấn mà trong thời gian ngắn lại được bố trí vào cương vị lãnh đạo khác là rất khó thuyết phục. Tương tự, ông Đồng mới bị kỷ luật cả về mặt Đảng và chính quyền thì không được bổ nhiệm vào một chức vụ ngang chức vụ. Đã vậy, thời điểm bổ nhiệm lại diễn ra ngay sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Sai - xử lý người đứng đầu

Đại tá Nguyễn Xuân Hợi cũng nhận xét nhiều nơi bố trí, bổ nhiệm cán bộ không đúng nhưng vẫn được khẳng định là “đúng quy trình”, như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh. Thực chất, cụm từ này được viện dẫn nhằm thoái thác trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đối với vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 7 đã nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Người đứng đầu quyết định và phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với quyết định của mình. Trường hợp quyết định đúng là rất tốt nhưng sai phải chịu trách nhiệm và không được đổ lỗi cho tập thể.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Hợi, Nghị quyết Trung ương 7 đã nêu ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đòi hỏi phải thực hiện đúng, đầy đủ. Trong đó, người đứng đầu phải thật sự khách quan và công khai, minh bạch; thực sự gương mẫu và trách nhiệm. Người đứng đầu phải có quan điểm, lập trường rõ ràng vì Đảng, vì dân và vì đất nước, chứ không phải vì lợi ích của cá nhân. “Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 sẽ từng bước giải quyết được bất cập, hạn chế hiện nay”, Đại tá Nguyễn Xuân Hợi nhận xét và dẫn chứng Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã đề cập đến các hình thức chế tài trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động… Trong đó có quy định (bổ sung so với Quy định 181-QĐ/TW) hình thức kỷ luật cách chức đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn người đứng đầu quyết định không đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền về công tác tổ chức, cán bộ. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 nêu trên cần có những giải pháp đồng bộ, nhất là công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng Nghị quyết ban hành nhưng vẫn có nơi làm sai, gây bức xúc cho dư luận.
KIỀU PHONG

Tin cùng chuyên mục