Bài 3: Tìm hướng đi mới

Đầu tư nuôi tôm sạch
Bài 3: Tìm hướng đi mới

Nghề nuôi và xuất khẩu tôm gặp khó

Trước áp lực của nhu cầu thị trường trên thế giới ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, cộng với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan…về xuất khẩu tôm, để con tôm Việt Nam tồn tại và phát triển, đã đến lúc phải mạnh dạn thay đổi từ việc nuôi đến chế biến, xuất khẩu; trong đó chú trọng nguồn nguyên liệu sạch và giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh.

Nuôi tôm sạch trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc

Đầu tư nuôi tôm sạch

Trong điều kiện môi trường nuôi tôm ngày càng xấu thì phong trào “nhà nhà nuôi tôm” xem ra không còn phù hợp. “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cho rằng, giải pháp tốt nhất là ổn định diện tích tôm công nghiệp hiện nay và không phát triển thêm nếu nơi đó không đảm bảo cơ sở hạ tầng, thủy lợi, điện… Vấn đề quan trọng và mang tính lâu dài là đầu tư mô hình tôm sinh thái, tôm quảng canh nhằm tạo nguồn nguyên liệu sạch, đồng thời góp phần cải tạo môi trường, giảm dần mầm bệnh. Đề xuất này được nhiều người ủng hộ bởi đây là cách làm “ăn chắc mặc bền”, tập trung vào khâu chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng như lâu nay. Tại các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… mô hình tôm sinh thái đang được khuyến khích phát triển.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi tôm sinh thái, bà Phan Thị Giàu ở ấp Nhưng Miên, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, giới thiệu: “Nuôi tôm sinh thái vùng này là vuông tôm luôn có rừng che phủ, mật độ rừng chiếm khoảng 60% diện tích, phần còn lại nuôi tôm và một số loài thủy sản khác. Khi cây đước trong vuông tôm lâu ngày khép tán thì tỉa thưa để đủ không gian trống bên dưới cho tôm phát triển. Nuôi tôm dưới tán rừng nên môi trường trong lành, tôm không bị bệnh, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và cho hiệu quả lâu dài. Hiện người nuôi có ghi chép sổ sách nên được các doanh nghiệp tán đồng, bởi tôm nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc”. Ông Tạ Minh Mẫn, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, cho biết hiện đang hợp tác với 2 công ty thủy sản để nuôi tôm sinh thái trên diện tích 5.491ha. “Tôm nuôi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế, tuy tốn công chăm sóc nhưng bù lại hạn chế được bệnh và giá bán cao, đảm bảo người nuôi có lãi”, ông Mẫn nói. Sở NN-PTNT Cà Mau đã triển khai nuôi tôm sinh thái và cấp giấy chứng nhận 12.400ha với 2.500 hộ. “Cà Mau có lợi thế về tôm sinh thái nhờ diện tích rừng ngập mặn rộng. Vấn đề là tổ chức sản xuất bài bản, đưa khoa học vào để nuôi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế. Khi con tôm được công nhận “sạch” sẽ đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Xu hướng tiêu dùng thế giới ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn”, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau hồ hởi.

Tại Sóc Trăng, trại tôm Tân Nam ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu nuôi mô hình mới theo tiêu chuẩn VietGAP khá thành công. Năm 2014, trại tôm này nuôi 4 ao (1.700m2/ao), các ao được lót đáy bằng tấm bạt nhựa, giữa ao có lỗ xi phông để thải chất bẩn ra ngoài. Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát tốt đáy ao, giảm vi khuẩn có hại và khí độc, không bị ô nhiễm vì cách ly đất ở mặt đáy ao… Nhờ cách làm mới này mà qua 2 vụ nuôi đạt hơn 40 tấn tôm, lợi nhuận 3 tỷ đồng; năm 2015, trại Tân Nam nuôi 40 ao, tỷ lệ thành công hơn 85%. Tại Bạc Liêu, Tập đoàn Việt - Úc triển khai mô hình nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính, áp dụng 3 vụ/năm với năng suất đạt trên 100 tấn/ha/năm. Theo ông Lương Thanh Văn, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, nuôi tôm trong nhà kính sẽ kiểm soát tốt môi trường, tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tốt cho thị trường khó tính trên thế giới. Mô hình này sẽ tăng được giá trị con tôm Việt trên thế giới… 

Bài toán liên kết

Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho rằng, xu hướng tiêu dùng đang chuộng thực phẩm an toàn, sinh thái; vì vậy mô hình nuôi tôm sạch sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, khi gia nhập TPP, FTA các doanh nghiệp không được chứng nhận vùng nuôi sẽ không thể xâm nhập thị trường. Vấn đề đặt ra lúc này là liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp và các ngành liên quan để phát triển mô hình tôm sạch. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, so với các loại cây con khác thì con tôm là sản phẩm yếu nhất trong chuỗi liên kết về giá trị. Hầu hết các vùng tôm đang tồn tại việc nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nên tốn kém nhiều về chi phí, không quản lý được dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro cao. “Chúng tôi đã nhận thấy cách làm cũ không còn phù hợp và rất mong chờ các doanh nghiệp vào cuộc để cùng ngành chức năng quy hoạch lại vùng nuôi tôm quy mô lớn, có sự hợp tác “4 nhà”. Trên thực tế, người dân cũng khát khao liên kết nhưng tìm mãi chưa có doanh nghiệp tham gia”- ông Vũ Phương, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, bộc bạch.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, tiết lộ: “Thời gian qua, công ty vừa chủ động xây dựng vùng nguyên liệu sạch, vừa liên kết với người nuôi ở nhiều nơi. Hiện chúng tôi có hơn 900ha tôm tự nhiên, 12.000ha tôm sinh thái liên kết và hợp tác với nhiều hộ nuôi khoảng 100.000ha tôm trong chuỗi cung ứng nguyên liệu cho công ty. Nhờ đó mà công ty có nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng đảm bảo để chủ động thị trường xuất khẩu”. “Những hộ nuôi khi đã liên kết thì công ty cung cấp con giống sạch bệnh, thức ăn, chế phẩm vi sinh, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và cả việc phòng ngừa mầm bệnh… Từ khâu nuôi đến thu hoạch đều được kiểm soát chặt, nên chất lượng tôm đảm bảo”- ông Quang nói. Tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, những năm qua cũng liên kết với các hộ nuôi nhỏ để hình thành vùng tập trung từ 60- 70ha nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; cách làm này đã giảm được nguy cơ dịch bệnh và tăng được năng suất lẫn chất lượng tôm. “Chúng tôi xác định đây là hướng đi phù hợp trong tình hình mới và cũng là mô hình bền vững cho con tôm. Vì vậy, công ty sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”- ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, khẳng định.

Các nhà chuyên môn nhìn nhận, liên kết là điểm sáng để gỡ khó cho nghề nuôi và xuất khẩu tôm. Ở đó người nuôi có lợi vì an tâm đầu ra, nhẹ vốn đầu tư và giảm thiểu dịch bệnh; trong khi doanh nghiệp cũng được lợi bởi chủ động nguồn nguyên liệu sạch. Còn ngành chức năng cũng dễ dàng trong quản lý. Cái lợi là vậy, tuy nhiên việc phát triển mô hình liên kết vẫn ì ạch bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, sẽ rất khó mở rộng diện tích tôm liên kết nếu chỉ hô hào khẩu hiệu. Vấn đề là phải đi vào thực chất, cụ thể bằng những chính sách như ưu đãi về thuế thu nhập cho doanh nghiệp và những ưu đãi khác. Có như vậy thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư vốn phát triển mô hình liên kết, cùng nông dân xây dựng vùng chuyên canh tôm quy mô lớn…

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho rằng, khi Việt Nam ký các hiệp định tự do về thương mại sẽ mang lại những lợi ích cho ngành tôm, đồng thời cũng chịu nhiều áp lực. Hiện tại, Việt Nam bán tôm cho Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore… Trong số những nước này thì Nhật Bản là có thuế nhập khẩu, tuy nhiên giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có FTA nên tôm Việt Nam không bị thuế. Song, các hiệp định đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí để phù hợp với các nước quy định. Một số doanh nghiệp tiết lộ, năm 2016 sẽ tăng cường xuất khẩu tôm vào EU, bởi thuế tôm của Việt Nam vào EU bằng 0%, trong khi Thái Lan còn hơn 10%, đây là lợi thế để cạnh tranh…

HUỲNH LỢI - NGỌC CHÁNH

- Bùng nổ nuôi tôm và những hệ lụy

Tin cùng chuyên mục