TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe?
TPHCM không ngừng gia tăng về số lượng phương tiện giao thông. Thống kê mới nhất năm 2014 của cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng TP tăng trên dưới 20.000 xe máy và khoảng 3.000 ô tô. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng bãi đậu xe không đáp ứng được.
Trước thực tế này, từ nhiều năm nay, TPHCM đã quy hoạch nhiều vị trí đầu tư xây dựng bãi xe ngầm phục vụ khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan lẫn chủ quan, đến nay các dự án này vẫn bất động.
Tiếp tục trễ hẹn
Trong số các vị trí bãi xe ngầm tại TPHCM được phê duyệt quy hoạch thì dự án đầu tư bãi xe ngầm của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1) tươi sáng nhất. Vượt qua hàng loạt thủ tục thực hiện trong nhiều năm, đến năm 2010 dự án bãi đậu xe ngầm được nhà đầu tư cho rằng có quy mô lớn nhất Việt Nam được động thổ với tổng vốn đầu tư khoảng 110 triệu USD, được xây dựng trong phạm vi diện tích công viên là 6,249ha. Thông tin tại thời điểm động thổ, chủ đầu tư cho rằng công trình sẽ được khai thác vào năm 2013. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết năm 2014 nhưng dự án này vẫn “án binh bất động”.
Lý giải về sự ách tắc này, ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc IUS cho biết, trong quá trình triển khai đầu tư dự án, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành phòng cháy chữa cháy mới nhất và yêu cầu vận hành an toàn, thuận tiện cho người sử dụng, chủ đầu tư đã tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở. Thiết kế cơ sở bản điều chỉnh mới năm 2012 đã được Bộ Xây dựng cho ý kiến đóng góp và được UBND TP phê duyệt vào tháng 5-2014. Riêng giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KH-ĐT cấp năm 2009, phần có liên quan tới thiết kế cơ sở bản năm 2006 thì bãi đậu xe và dịch vụ công cộng này có 5 tầng ngầm với công năng đậu xe và hạ tầng kỹ thuật công trình có tổng diện tích 72.321m² (chiếm 70% tổng diện tích sàn xây dựng); tổng diện tích 3 tầng ngầm với công năng thương mại, dịch vụ là 30.904m² (chiếm 30% tổng diện tích sàn xây dựng). Theo thiết kế mới được điều chỉnh thì còn lại 4 tầng ngầm để đậu xe cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật công trình, cũng như các công trình phụ trợ với tổng diện tích 76.798m², chiếm 70,05% tổng diện tích sàn xây dựng; tổng diện tích 3 tầng ngầm thương mại, dịch vụ là 32.839m², chiếm 29,95% tổng diện tích sàn xây dựng.
Bãi giữ xe trong tầng hầm tòa nhà Bitexco.
Theo chủ đầu tư, tất cả những điều chỉnh trên đã được thương thảo và được đưa vào phụ lục chỉnh sửa, bổ sung của hợp đồng BOT. Các nội dung điều chỉnh này cũng đã được UBND TP phê duyệt. Tại mục 3 công văn UBND TP giao Sở KH-ĐT hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định. Trong khi đó, Sở KH-ĐT lại cho rằng, Nghị định số 108 của Chính phủ không có điều khoản quy định về cơ quan điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp, các quy định về xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp đã được Bộ KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư. Do vậy, Sở KH-ĐT trả lời sẽ có văn bản gửi Bộ KH-ĐT xin ý kiến hướng dẫn về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nêu trên…
Mặc dù nói vậy, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được hướng dẫn về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nên chưa thể ký được phụ lục chỉnh sửa, bổ sung của hợp đồng BOT. “Thủ tục đầu tư dự án hiện đang ách tắc ở khâu này”, ông Lê Tuấn nói.
Gỡ từ cơ chế
Theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) đến năm 2020 và sau đó, tại TPHCM được Thủ tướng phê duyệt có chỉ tiêu hơn 1.145ha. Nhưng thực tế, bến bãi hiện có trên địa bàn TP chỉ mới đạt 76,8ha (6,7% so với chỉ tiêu quy hoạch). Do vậy, đa số xe buýt phải đậu tạm ở lòng lề đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không thuận lợi cho việc quay trở đầu xe và đón trả khách, phần lớn taxi cũng phải lưu đậu trên lòng lề đường, các trạm xăng dầu…
Trước thực tế trên, để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh bãi giữ xe, tháng 5-2014, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính đề xuất những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà đậu xe, giữ xe nhằm đạt được mục tiêu mà quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh của TP đến năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt đã đề ra. Theo đó, TPHCM kiến nghị các bộ ngành trung ương thực hiện miễn tiền thuê đất hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích phục vụ cho hạng mục đậu, đỗ xe và các hạng mục liên quan của công trình xây dựng bến bãi. Trong trường hợp không được thì cho phép thí điểm miễn tiền thuê đất ít nhất là 15 năm (đối với phần diện tích dành cho khu vực bãi đậu xe) kể từ ngày hoàn thành đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, TP còn đề xuất các hình thức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, môn bài, nhập khẩu đối với các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của bãi. Cùng với đó, để hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư, TP đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước không đưa nhóm các dự án bãi đậu xe công cộng (mặc dù có trung tâm thương mại) vào dự án bất động sản, mà cần đưa vào nhóm hạ tầng để khuyến khích cho vay vốn đầu tư.
Sốt ruột trước tình trạng các dự án bãi đậu xe ngầm gần như “giậm chân tại chỗ”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín mới đây đã có văn bản số 6100 giao Giám đốc Sở GTVT khẩn trương phối hợp với Tổ công tác liên ngành TP nhanh chóng tìm hiểu để giải quyết các vướng mắc, khó khăn và những kiến nghị của nhà đầu tư. Từ đó, đề xuất hỗ trợ từng dự án để khởi công các công trình bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, Công viên Văn hóa Tao Đàn… trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, nêu ý kiến: Trung tâm TP dứt khoát phải có một số bãi xe công cộng quy mô, hiện đại. Đây là mong muốn chính đáng của người dân. Thời gian qua, TP rất chủ động, tích cực trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư bãi xe ngầm. Các vướng mắc hiện nay, chủ yếu thuộc thuộc quyền của Trung ương. Do vậy, các cơ quan chức năng TP cần sâu sát, đeo bám các kiến nghị đối với Trung ương để thúc đẩy tháo gỡ ách tắc. Còn những vướng mắc gì thuộc thuộc quyền của TP nhanh chóng giải quyết theo hướng có lợi cho nhà đầu tư. Để các dự án bãi xe ngầm sớm trở thành hiện thực, đối với doanh nghiệp đầu tư bãi xe ngầm hiện nay vấn đề quan trọng hơn cả tiền là phải tháo gỡ cơ chế.
VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG
>> Bãi xe cao tầng: Sống dở, chết dở