Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ
Làm gì để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc là vấn đề được người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đang hết sức quan tâm. Đây cũng là trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội - những người đại diện trực tiếp cho hơn 90 triệu cử tri. PV Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của 3 vị đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý giàu kinh nghiệm.
* TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội: Quyết tâm cao độ mới làm được
Trong nền kinh tế hội nhập mà bảo không có mối quan hệ với Trung Quốc - công xưởng lớn nhất của thế giới - là điều không tưởng, nhưng chúng ta cần phải tăng cường tìm kiếm các nguồn nhập khẩu để đa dạng hóa đối tác, có nhiều lựa chọn hơn, khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết.
Ở đây cũng là quan hệ hai bên cùng có lợi nên cũng không ngại bên nào thực sự “nghỉ chơi” với bên nào cả. Độc lập tự chủ trong thời điểm hiện nay phải hiểu là bán được hàng của mình đúng giá trị sản xuất ra, bao gồm cả giá tài nguyên, giá công lao động và phần lợi nhuận để tái đầu tư phát triển. Không ai ép được ta về giá định bán, cũng không ai ép được ta quá đáng về giá phải mua.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ. Phải biết lựa chọn làm cái gì. Để xây một nhà máy và đưa vào hoạt động được thì trong trường hợp “xuôi chèo mát mái” nhất cũng mất 36 tháng, là nếu có tiền và làm thuận lợi. Kiểu tư duy “làm cả ăn tất”, từ đinh vít, cái kim đến cái máy bay hiện đã rất lỗi thời!
Chúng ta có thế mạnh về chế biến nông sản, thủy hải sản và có thể cung cấp lên thị trường phía Tây Trung Quốc. Có những doanh nghiệp của ta đã làm rất tốt việc thâm nhập thị trường này: Biti’s đã đi theo đường Lào Cai lên châu Hồng Hà của Trung Quốc, lên Côn Minh và đi sâu vào vùng Tây Trung Quốc, sản phẩm rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Mà thị trường này rất rộng lớn. Một lĩnh vực nữa cũng vừa sức là dệt may, không đòi hỏi công nghệ quá tinh vi.
Hiệp định TPP có quy định xuất xứ nguồn hàng, nên chọn đột phá là sợi và vải. Hiện ta đang nhập mỗi năm 1,5 tỷ mét vải từ Trung Quốc. Ở đây cần có sự phân vai hợp lý giữa Nhà nước và tư nhân, mà tôi cho rằng không thể không có vai trò của kinh tế nhà nước. Vì doanh nghiệp tư nhân - cả doanh nghiệp nội hay doanh nghiệp FDI - họ cũng chỉ làm những gì vừa sức, có thể thu hồi vốn nhanh, cho lợi nhuận sớm.
Nhà nước muốn điều tiết nền kinh tế, “kích” ở khâu nào thì phải tự đầu tư vào đó. Thậm chí một số mục tiêu ngắn hạn có thể cũng phải điều chỉnh. Ví dụ như tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nếu muốn tập trung phát triển nhanh chóng các ngành công nghiệp hỗ trợ thì chưa thể cổ phần hóa ngay doanh nghiệp được, Nhà nước phải sử dụng doanh nghiệp của mình để làm theo cách thức giao nhiệm vụ, “đặt hàng” cho doanh nghiệp. Phải có quyết tâm cao độ và một số chính sách rất quyết đoán thì mới làm được.
* TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chú trọng các hiệp định thương mại tự do
Các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Hiện nay về nguồn cung ứng “đầu vào” cho sản xuất trong ngành dệt may, một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50% - 60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga, Ukraine và các nền kinh tế khác.
Máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc. Đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu “đầu vào” trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm.
Về “đầu ra” của nền kinh tế, theo số liệu chính thức, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải thị trường lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam.
Do đó thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc là rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường các nước phương Tây và luôn có những rủi ro rình rập nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này, bởi hàng rào thuế quan nhập khẩu ở các thị trường Âu - Mỹ còn cao.
Chúng ta chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo của những khách hàng giàu có và khó tính trên thế giới. Vì vậy, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa “đầu ra” cho các sản phẩm. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay chúng ta làm chưa tốt.
Trong lúc nhiều người lo ngại về những hành động trả đũa ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam khi tranh chấp biển Đông leo thang như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, thì cũng có không ít ý kiến cho rằng Trung Quốc không dễ gì làm được điều đó, ít nhất là từ góc độ chính thức và ở quy mô lớn.
Các hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất của Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam. Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào.
Nhưng cũng phải nói rằng, dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú của Trung Quốc, không thể không mua các sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất thế giới và bán hàng sang một thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề với nền kinh tế Việt Nam.
Với cách thức sản xuất hiện đại theo chuỗi cung ứng toàn cầu, mỗi nước đều phụ thuộc vào các nước khác. Rất nhiều nước trên thế giới tìm cách giao thương với Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn không phải là một ngoại lệ. Thậm chí gần Trung Quốc lại là một lợi thế để bứt phá, vượt lên nếu chúng ta có được một nền kinh tế đủ sức cạnh tranh.
Do đó, với các hiệp định thương mại tự do cũ và mới, đồng thời với việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào Trung Quốc, chúng ta có thể chủ động ứng phó với những trục trặc bất ổn có thể xảy ra trong quan hệ Việt - Trung.
| |
BẢO VÂN (thực hiện)
- Bài 3: Cơ chế đặc thù, tăng sức cạnh tranh