Bài 4: Tính dục đồng giới nam ở Hy Lạp cổ

Bài 4: Tính dục đồng giới nam ở Hy Lạp cổ

Được viết vào thế kỷ IV trước công nguyên (tcn), tác phẩm Phaedrus của triết gia Plato là bằng chứng lịch sử cho thấy tính dục đồng giới nam (pederasty) rất phổ biến trong xã hội Hy Lạp cổ. Tiếng Việt gọi người yêu đương đồng giới nam là pê-đê, và tiếng lóng này có nguồn gốc sâu xa từ tiếng Hy Lạp (paiderates).

Tiếng Hy Lạp gọi con trai dưới 20 tuổi là ephebos, biến thể của nó là ephebe hay ephebus và tính từ là ephebic. Ái tình ephebic (hay pederasty) của người Hy Lạp cổ chính là quan hệ tính dục giữa đàn ông (pederast) với nam thiếu niên (thường từ 12 tới 17 tuổi). Pederast là biến thể của paiderates; âm tiết ped- (hay paid-) là do tiền tố pedo- có nghĩa là đứa trẻ.

Bài 4: Tính dục đồng giới nam ở Hy Lạp cổ ảnh 1

Quan hệ tính dục đồng giới nam còn được phản ánh qua hình vẽ trang trí trên các bình gốm Hy Lạp cổ, chẳng hạn: Người đàn ông tặng cậu bé con gà trống để ve vãn cậu.

Trải nhiều thế kỷ, luân lý Hy Lạp cổ chấp nhận quan hệ đồng giới nam giữa các công dân tự do và cấm quan hệ với nô lệ. Điều này không cản trở đời sống gia đình: các công dân cứ cưới vợ, nuôi con và cùng lúc yêu đương một cậu bé mà họ có quan hệ trước hay sau hôn nhân.

Vợ không có quyền can thiệp vì trong văn hóa Hy Lạp, phụ nữ là “công dân hạng hai”, không được tôn trọng, bị gạt ra ngoài hoạt động chính trị, xã hội. Vợ hầu như chỉ là phương tiện để sinh con, duy trì nòi giống. Chồng vẫn chăn gối với vợ hay một phụ nữ khác (heterosexuality) nhưng không từ bỏ yêu thương anh bạn trẻ (homosexuality), như vậy đã hình thành hành vi tính dục lưỡng tính (bisexuality).

Ở Hy Lạp cổ, cộng đồng quan trọng hơn gia đình, quan hệ giữa con trai và cha đẻ cũng kém hơn quan hệ giữa cậu ấy với pederast của cậu. Quan hệ này không đơn thuần là sinh lý mà là một phức hợp mang tính xã hội, sư phạm và luân lý. Như thế, yêu đương đồng giới nam của người Hy Lạp cổ hoàn toàn khác xa quan niệm của xã hội thời nay về tính dục đồng giới.

Thật vậy, bằng cách quan hệ với một quý tộc, cậu bé sẽ có đường tiến thân sau này trong xã hội vì theo luật tục Hy Lạp cổ, chính người đàn ông quan hệ tính dục với cậu mới thực sự là người có trách nhiệm dạy dỗ cậu học hành, hướng dẫn trí thức và tâm linh để khi trưởng thành cậu trở thành công dân xứng đáng gia nhập cộng đồng.

Vì thế, các học giả nghĩ rằng quan hệ thầy trò triết gia Socrates (469-399 tcn) và Plato (428-347 tcn) cũng như đời sống nhà hùng biện Aeschines (389-314 tcn) hay sử gia Pausanias (thế kỷ II của công nguyên) có lẽ đều không ra ngoài quan hệ đồng giới nam, một quan hệ mà Plato cho là ái tình tinh khiết nhất, nếu nuôi dưỡng đúng cách.

Các học giả cho rằng yêu đương đồng tính nam của người Hy Lạp bắt nguồn từ thần thoại của dân tộc họ. Zeus cai quản chư thần trên núi Olympus, là chúa tể cõi trời và cõi người. Zeus hóa làm đại bàng quắp lấy hoàng tử Ganymede ở thành Troy mang lên núi Olympus. Zeus rất sủng ái chú bé đẹp trai này nên ban cho cục cưng này quyền năng bất tử. 

TRẦN THẾ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục