Sáng 21-5, Bangkok xuất hiện mưa nhỏ. Đây là lần đầu tiên sau 4 ngày oi ả với cái nắng gay gắt, thủ đô của xứ Chùa Vàng hạ nhiệt được đôi chút. Đây cũng là ngày thứ 2, Bangkok vắng sắc đỏ và không khí tại Ratchaprasong, theo ghi nhận của chúng tôi, cũng không còn “nóng” như những ngày trước đó, mà là không khí nhộn nhịp dọn dẹp bãi chiến trường Ratchaprasong.
Quân đội buông súng... cầm chổi
Sáng 21-5, từng đoàn ô tô từ nhiều hướng lũ lượt kéo về Ratchaprasong - trái tim của Bangkok. Đây là những cư dân bắt đầu trở về nhà khi thấy không khí không còn quá căng thẳng. Mặc dù vậy, binh lính và các chốt kiểm soát vẫn còn khá dày bởi vì hôm nay (22-5) Bangkok mới dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.
Tổng hành dinh của phe áo đỏ trước đây thật sự đã biến thành một bãi rác khổng lồ. Các tấm lưới bằng nylon được dùng để che nắng, mưa cho khu vực khán đài bị kéo xuống đất. Rác thải sinh hoạt chất đống đầy đường. Công tác tháo dỡ sân khấu, các giàn giáo đặt dụng cụ phát thanh, lều bạt của phe áo đỏ đang được dọn dẹp hết sức khẩn trương.
Những người lính mấy ngày trước còn lăm lăm súng ống để giải tán người biểu tình giờ chung tay cùng công nhân vệ sinh cầm chổi giải quyết đống ngổn ngang. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở đống phế liệu ra khỏi Ratchaprasong. Cánh “đồng nát” ở Bangkok cũng đã xuất hiện tại Ratchaprasong để “tham chiến”.
Những người thợ sửa điện bắt đầu xem xét, khôi phục các đường dây tải điện bị đứt, hỏng trong các vụ bạo động vừa qua. Cùng lúc đó, nhiều nhóm công xây dựng xuất hiện, bắt đầu dựng các rào chắn bên ngoài tòa nhà thương mại Zen, Central World, phục vụ cho việc sửa chữa các tòa nhà này.
Tuy nhiên, khói vẫn bốc nghi ngút ở khu vực tòa nhà Central World dù đã gần 2 ngày trôi qua kể từ khi tòa nhà này “phát hỏa”. Các nhân viên cứu hỏa vẫn phải miệt mài dập nốt những đám cháy còn âm ỉ. Đây là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất sau trận tấn công của quân đội Thái Lan vào ngày 19-5. Các tòa nhà ở đường Ploenchit phía sau 2 tòa nhà trên cũng không còn nguyên vẹn, bị cháy lem nhem hoặc bị đập phá.
Nỗ lực khôi phục
Mặc dù không bị hư hỏng nhưng đa phần các tòa nhà thương mại lớn gần khu vực Ratchaprasong vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại. Một số tòa cao ốc ở khu vực trung tâm đã xuất hiện các nhân viên bảo vệ, quản lý và vệ sinh nhằm chuẩn bị mở cửa trở lại.
Một nhân viên của tòa nhà Ploenchit Tower trên đường Ploenchit, cho biết, Ploenchit Tower đã đóng cửa hơn 1 tuần, đến ngày 20-5, một số nhân viên đảm trách các nhiệm vụ quan trọng mới quay trở lại tòa nhà. Tất cả các công ty thuê văn phòng tại cao ốc này vẫn chưa làm việc. Được biết, rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng nổi tiếng có văn phòng ở Ploenchit Tower. Rất có thể thứ hai tuần tới (24-5), tòa nhà này mới hoạt động bình thường.
Tại tòa cao ốc thứ 2 mà chúng tôi ghé qua, Mercury Tower, không khí cũng không khác mấy. Cô Thawephon Phaowong, một nhân viên tiếp tân của Mercury Tower cho biết, tòa cao ốc này cũng đã đóng cửa được hơn 1 tuần nay do lo sợ tình trạng bạo lực trong khu vực trung tâm thương mại Ratchaprasong. Chẳng có nhân viên, khách hàng nào dám đi làm hay tới giao dịch trong hơn 1 tuần qua. Ngay cả kế hoạch làm mới lại một số hạng mục của tòa nhà này đang được thi công cũng bị đình trệ do biểu tình. Theo cô Thawephon, hiện mới chỉ có khoảng 15 nhân viên bắt đầu đi làm trở lại vào ngày 20-5 và hy vọng thứ hai tuần tới mọi thứ sẽ hoạt động trở lại.
Mercury Tower cũng là một trong số các tòa cao ốc văn phòng may mắn không bị phá hoại. Suốt dọc gần 1km đường tiếp đó, với các tòa nhà đóng cửa im lìm, họa hoằn lắm mới thấy một nhà dân mở cửa. Một trong số đó là ngôi nhà trên đường Ploenchit, bên ngoài có bảng hiệu: Interlanguage Translation Center. Chủ nhân của ngôi nhà này, anh Surat, đã trao đổi rất vui vẻ với chúng tôi về tình hình tại khu vực trên. Theo anh Surat, gia đình anh và hầu như tất cả hàng xóm của anh đã sơ tán khỏi nhà 5 ngày trước đây hoặc sớm hơn vài ngày.
“Tình hình bây giờ đã bớt căng thẳng, chúng tôi mới chỉ trở về nhà vào sáng nay (21-5). Công việc bị bê trễ lâu quá rồi. Sốt ruột quá”, anh Surat nói. Theo anh Surat, chính phủ đã thông báo trên tivi, mọi hoạt động tại Bangkok sẽ trở lại bình thường vào thứ hai tuần tới.
Ngậm ngùi... Bangkok
Khi được hỏi cảm nhận về cảnh đổ nát hoang tàn tại trung tâm thương mại Bangkok và các khu vực xung quanh, rất nhiều người dân nghẹn ngào: “Quá buồn và quá xót xa”. Qua ánh mắt của họ, chúng tôi đều cảm nhận được sự thất vọng đối với cuộc bạo loạn đẫm máu kéo dài gần 2 tháng qua.
Nhìn dòng chữ “Bangkok - City of life” in trên thành cầu vượt đi qua sân khấu đổ nát của phe áo đỏ chắc chắn rằng bất cứ ai từng ghé thăm, yêu quý Bangkok xinh đẹp sẽ không khỏi bùi ngùi... Kati, một nữ đồng nghiệp người Thái Lan tâm sự: “Biểu tình, đảo chính là việc của những người làm chính trị, của các thế lực chính trị, tuy nhiên phá hủy lại là vấn đề khác và người dân sẽ không chấp nhận, không đồng tình với những hành động phá hủy…”.
Hai ngày nay, trên các bản tin buổi sáng được phát trên các đài truyền hình của Thái Lan đều đưa đậm thông tin: “Chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng lòng tin với cộng đồng quốc tế”. Nhân dân Thái Lan đã mất rất nhiều năm để tạo dựng một đất nước phát triển, trở thành một trong những con rồng của châu Á, được cộng đồng quốc tế tin tưởng. Thế nhưng, vì sự tranh giành quyền lực, quyền lợi và vì nhiều lý do khác, chỉ trong thời gian ngắn, rất ngắn, Thái Lan đã đánh mất rất nhiều. Tạo dựng lại lòng tin trong nhân dân, trong cộng đồng quốc tế là điều phải làm, nhưng mất bao lâu để được như ngày xưa là điều không dễ trả lời. Đó là điều mà người dân Thái Lan và những người yêu quý đất nước Thái Lan đang ngậm ngùi…
Ngày 21-5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm ASEAN, đã ra “Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về tình hình Thái Lan”: “Các nước thành viên ASEAN, trong khi bày tỏ quan ngại về những diễn biến bạo lực tại Thái Lan, nhấn mạnh sự ủng hộ và đoàn kết đối với nhân dân và Chính phủ Vương quốc Thái Lan trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho những thách thức đang diễn ra tại đất nước này thông qua đối thoại và tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ và luật pháp. Các nước thành viên ASEAN ủng hộ việc sớm khôi phục luật pháp và trật tự, hòa hợp dân tộc và đưa tình hình trở lại bình thường tại Thái Lan, phù hợp với các nguyên tắc nói trên và vì lợi ích của nhân dân Thái Lan cũng như tầm nhìn hướng tới cộng đồng ASEAN. Các nước ASEAN nhấn mạnh hòa bình, ổn định và phát triển ở Thái Lan có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thúc đẩy mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các nước thành viên ASEAN tin tưởng rằng với tính tự cường, dân tộc Thái sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ mọi việc có thể, trên cơ sở các nguyên tắc quy định trong Hiến chương ASEAN”. B.Hằng
Ngày 21-5, phát biểu trên chương trình truyền hình được phát sóng trực tiếp ở Thái Lan, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho biết trật tự đã được khôi phục ở thủ đô Bangkok và các tỉnh bị tàn phá nặng nề trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cũng thừa nhận chính quyền đang đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là sự chia rẽ trong nội bộ đất nước. Ông cho biết, Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục kế hoạch hòa giải để hàn gắn với người biểu tình áo đỏ, đồng thời sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ bạo loạn ở Bangkok. Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn của Trung tâm xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES), đại tá Sansern Kaewkamnerd tuyên bố lực lượng an ninh nước này đã hoàn tất việc giải tán người biểu tình trên các đường phố xung quanh giao lộ Ratchaprasong. Giám đốc Công ty vận tải Thái Lan cùng ngày cho biết toàn bộ người biểu tình áo đỏ đã an toàn rời thủ đô Bangkok về nhà ở các tỉnh. Bộ Phát triển xã hội và An sinh con người đã phát 200 baht tiền ăn đường cho mỗi người. Bên cạnh nỗ lực khôi phục trật tự ở Thái Lan, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Chumpol Silpa-Archa cho biết đã chuẩn bị các biện pháp trình Thủ tướng Chính phủ nhằm khôi phục hình ảnh của đất nước và lấy lại niềm tin của du khách nước ngoài. Bộ này có kế hoạch bồi thường 10.000 USD/người cho những du khách bị ảnh hưởng bởi các vụ đụng độ mới đây ở Thái Lan. Hậu quả của khủng hoảng chính trị đang tác động xấu đến viễn cảnh phát triển kinh tế - xã hội Thái Lan, nhất là đối với ngành du lịch (chỉ chiếm 6% nền kinh tế Thái Lan nhưng thu hút 15% lực lượng lao động của nước này) với dự báo có thể bị mất tới 200.000 việc làm trong năm 2010. Chính phủ Thái Lan dự kiến phải giảm 0,64% mức dự toán tăng trưởng kinh tế 4,5% nếu tình trạng bất ổn kéo dài trong 3 tháng. Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể giảm 2,7% trong năm nay, trong khi năm 2009 Thái Lan đạt tỷ lệ tăng trưởng 2,6%. T.Như – V.Anh |
Chiến Dũng - Đỗ Văn
(Tường thuật từ Bangkok)
Thông tin liên quan |
- Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng?
- Thái Lan kéo dài lệnh giới nghiêm thêm 3 đêm nữa - Thái Lan: Phe áo đỏ đầu hàng - "Chiến trường" Bangkok: 5 người bị thương, trong đó có 3 nhà báo - Quân đội Thái Lan ra đòn quyết định với áo đỏ - Thái Lan: Bạo lực đã lắng dịu |