Bài 5: Tố Nữ kinh

Bài 5: Tố Nữ kinh

Một nhóm đạo sĩ Trung Quốc đời Đông Hán (thế kỷ I-III) đã hiệp nhau viết Tố Nữ kinh. Về nội dung tổng quát, cẩm nang tính dục này hầu như không khác những chủ điểm được bàn luận tỉ mỉ trong Vườn thơm (Ả Rập) hay Kama sutra (Ấn Độ), tức là nó cũng chỉ dẫn cặn kẽ các lý thuyết và kỹ thuật chăn gối, cộng thêm mấy bài thuốc yểm trợ…

Bài 5: Tố Nữ kinh ảnh 1
Tố Nữ kinh (bản chữ Hán)

Điểm dị biệt duy nhất chính là óc tưởng tượng siêu thực của đạo sĩ Trung Quốc. Họ cường điệu rằng việc giao hợp không chỉ làm vui cuộc sống mà còn giúp trường sinh bất tử! Bí quyết nhiệm mầu gói gọn trong thuật bế tinh (ngăn chặn sự phóng tinh, semen holdback). Bế tinh thật ra là một phiên bản đảo nghịch 1800 của đạo Lão, một tôn giáo mà người thực hành có hai xu hướng chính: đạo gia và đạo sĩ.

Nguyên ủy, các đạo gia chủ trương tu tiên để trường sinh bất tử bằng cách tham thiền. Vì đối với người luyện đạo, tinh là một trong ba món quý báu (tam bảo: tinh, khí, thần). Họ phải tuyệt dục để giữ không cho tinh lọt ra ngoài (bảo tinh: semen preservation), củng cố không cho tinh hư hỏng (cố tinh: semen strengthening). Thân xác con người có đủ âm dương, ngũ hành chính là lò nấu thuốc trường sinh bất tử. Lò nấu thuốc nằm ở hạ đan điền mà đạo gia gọi là khôn lô (lò âm), và họ hô hấp để tạo thành lửa (hỏa hầu) nấu các dược liệu đã sẵn chứa trong cơ thể (nội dược). Đây chính là phép luyện nội đan (interior alchemy) mà người hành giả phải ăn chay trường, giữ nhiều giới cấm mà giới căn bản nhất là không được hành dâm.

Trái lại, giới đạo sĩ thời Đông Hán đã bẻ quặt các khái niệm tu tiên của đạo gia để vẽ ra con đường trường sinh bất tử hoàn toàn ngược lại. Họ giảng rằng đàn bà là âm (khôn), đàn ông là dương (càn), mà luật trời đất buộc âm dương phải hòa hợp, thế nên thay vì cấm dục thì phải quan hệ tính dục để càn khôn tương giao, âm dương hòa hợp. Nhằm bồi bổ thân thể thì thay vì ăn chay hãy biết tìm ăn một số động vật có dược tính “đặc trị”. Khôn lô (lò âm) được hiểu chệch đi là thân thể phụ nữ, và họ chủ trương dùng thiếu nữ nhỏ tuổi để lấy âm bổ dương. Thế là thay vì bảo tinh, cố tinh và hành thiền thì đạo sĩ cổ súy cho kỹ thuật hành lạc và bế tinh.

Với hình thức đối thoại theo kiểu hỏi đáp, thuật phòng the lần lượt được trình bày qua miệng Tố Nữ và Huyền Nữ. Ngoài hai nàng hư cấu này, các đạo sĩ còn gán nhiều lời lẽ trong Tố Nữ kinh cho hai nhân vật huyền thoại là Hoàng Đế và Bành Tổ. Theo huyền sử Trung Quốc, Hoàng Đế sống vào thế kỷ XXVII trước Công nguyên; Bành Tổ thì vào lúc nhà Ân của vua Trụ sụp đổ (thế kỷ XII trước Công nguyên) đã sống thọ 767 năm(!) Thủ pháp mượn tên ẩn dạng này rất phổ biến ở Trung Quốc, nó được các đạo sĩ áp dụng để Tố Nữ kinh có sức thuyết phục và thu hút các vua chúa Đông Hán vốn rất sùng bái đạo Lão, vừa say mê tìm thuốc trường sinh, vừa nuôi đầy mỹ nữ trong chốn thâm cung.

Giới đạo sĩ thời Đông Hán đã mở ra khoa phòng trung bí thuật (secret art of the bedchamber) gây ảnh hưởng lâu dài và rộng khắp. Trong La Sơn phu tử, Hoàng Xuân Hãn viết rằng Nguyễn Hoãn là quan bộ Lễ triều Lê Cảnh Hưng (1740-1786) nuôi nhiều hầu non trong nhà để luyện phép trường sinh, hậu quả là điên mà chết. Sang nửa sau thế kỷ XX, trong truyện Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã hư cấu chiêu thức Hấp tinh đại pháp của các ma đầu chẳng qua cũng là một biến tấu từ óc tưởng tượng có một không hai của các đạo sĩ.

TRẦN THẾ HƯƠNG

Bài 4: Tính dục đồng giới nam ở Hy Lạp cổ

Bài 2: Tính dục cũng thiêng

Bài 1: Đông Tây hòa điệu xuân ca

Tin cùng chuyên mục