Hãng phim tư nhân nở rộ: Mừng hay lo?

Bài 5: Xu hướng làm phim theo công nghệ mới

Chỉ sau 2 năm tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh và phim truyền hình, các hãng phim tư nhân bước đầu đã có những “cú hích” tạo nên sự chuyển biến mới mẻ trong công nghệ làm phim.
Bài 5: Xu hướng làm phim theo công nghệ mới

Chỉ sau 2 năm tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh và phim truyền hình, các hãng phim tư nhân bước đầu đã có những “cú hích” tạo nên sự chuyển biến mới mẻ trong công nghệ làm phim.

  • Công nghệ cũ “giậm chân một chỗ”

Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn làm phim theo công nghệ truyền thống: quay một máy, thu hình ngoài hiện trường nên làm hậu kỳ (in tráng, hòa âm, dựng phim…) mất rất nhiều thời gian.

Từ năm 2004, ngành điện ảnh đã tập trung đầu tư thiết bị máy móc cho một số hãng phim, đồng thời hoàn thiện hệ thống máy in tráng tại Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh Việt Nam và một số hãng phim lớn để tiến hành dựng phim theo phương pháp phi tuyến tính...

Tuy nhiên, trình độ của chuyên viên lại kém, xử lý không đúng yêu cầu kỹ thuật. Muốn đảm bảo kỹ thuật vẫn phải đưa phim ra nước ngoài làm hậu kỳ và kỹ xảo. Phim trường chuẩn ở ta lại không có, cái gọi là phim trường thực ra chỉ là khu nhà kho rộng vài ngàn m2, đoàn làm phim nào cần thì cho thuê mặt bằng và tự dựng bối cảnh hoặc “dùng tạm” những bối cảnh có sẵn, xong phim thì tháo dỡ, phá bỏ.

Công nghệ làm phim đã lạc hậu, tổ chức đoàn làm phim lại thiếu chuyên nghiệp. Thành phần đoàn làm phim hiện nay chỉ có đạo diễn, quay phim, họa sĩ được đào tạo chính quy, còn các bộ phận khác như hóa trang, phục trang, đạo cụ, thư ký trường quay, thiết kế mỹ thuật, lồng tiếng, in tráng… đều học theo phương pháp truyền nghề.

Riêng diễn viên, linh hồn của một bộ phim, tuy có trường lớp đào tạo hẳn hoi nhưng lực lượng chủ yếu lại mượn từ nguồn nghiệp dư. Năm ngoái, Cục Điện ảnh đã cử mấy đoàn gồm các nhà quay phim, đạo diễn giỏi ở các hãng sang Đức, Mỹ tu nghiệp. Các đài truyền hình lớn cũng cử các đoàn sang Hàn Quốc, Thái Lan học hỏi, tiếp thu công nghệ làm phim truyền hình mới, đó là những nỗ lực đáng kể, song đến nay hiệu quả mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm.

  • Công nghệ làm phim truyền hình mới

Trên thế giới, việc quay thu đồng bộ trong điện ảnh đã là chuyện hàng ngày. Ưu điểm của công nghệ này là cho hình ảnh đẹp, nét, âm thanh tốt. Tháng 5-2005, bộ phim truyền hình dài 30 tập Vòng xoáy tình yêu của Công ty L.a.s.t.a (chủ đầu tư) và Hãng phim Fanatic (đơn vị thực hiện) đã trở thành “hoa trái đầu mùa” của công nghệ mới này ở nước ta. Thay vì ngồi nhà mời chuyên gia Thái Lan qua Việt Nam chỉ trỏ ít ngày, Fanatic đã cử một đoàn 30 người được tuyển chọn từ các khâu quay phim, bố quang, thu âm, điều chỉnh tiếng động, sử dụng bàn dựng cho xe dựng lưu động… sang tận Hãng Katana tại Băng Cốc tu nghiệp trong vòng 1 tháng để nắm bắt quy trình đồng bộ thu tiếng- thu hình và sơ dựng tại hiện trường quay.

Bài 5: Xu hướng làm phim theo công nghệ mới ảnh 1

Khi thực hiện Vòng xoáy tình yêu, Hãng Kantana cũng cử chuyên gia ra hiện trường quay nhưng xem là chính. Họ rất ngạc nhiên vì ê-kíp làm phim đầu tiên của đạo diễn Quang Đại đã bắt tay vào việc rất nhanh, sáng tạo “liệu cơm gắp mắm” trong điều kiện Việt Nam chưa có phim trường chuẩn như ở Thái Lan, đúng tiến độ 3 ngày/tập phim. So với những bộ phim truyền hình dài tập trước đây, Vòng xoáy tình yêu hơn hẳn với hình ảnh sáng đẹp, rõ nét, khuôn hình đẹp, âm thanh trong và khá chuẩn.

Nếu có phim trường chuẩn thì với công nghệ làm phim mới này có thể thực hiện 1 tập/ngày mà tránh được những lỗi tạp âm khi phải quay ở bối cảnh phức tạp như chợ búa đông người... Song song với việc đưa người đi đào tạo, Hãng phim Fanatic còn đầu tư lớn về máy móc, thiết bị với 2 xe màu loại Obvan nhỏ, dễ cơ động để sơ dựng tại chỗ, hơn 10 máy quay hiện đại, hệ thống thu âm thanh, ánh sáng, 10 phòng dựng và đào tạo 100 công nhân phục vụ đủ cung cấp cho 3 đoàn làm phim cùng lúc... Có thể nói, đó là những tín hiệu đáng mừng của những người làm phim truyền hình trong bước đầu hội nhập công nghệ làm phim mới .

Tuy nhiên, để công nghệ làm phim truyền hình mới này phổ biến và hoàn chỉnh, ngoài sự ra đời của những hãng phim chuyên đảm trách kỹ thuật sản xuất và hậu kỳ như Fanatic thì rất cần sự đồng bộ trong các khâu khác như: công đoạn viết kịch bản theo phương pháp brainstorming (nhiều người cùng tham gia theo một quy trình chuẩn từng tập từ 45 phút đến 60 phút); đào tạo diễn viên đạt yêu cầu cao về diễn xuất và đài từ… Hiện đã có một nhà biên kịch nổi tiếng ở TPHCM đang chuẩn bị thành lập một trung tâm chế tác và cung cấp kịch bản cho các hãng phim có nhu cầu.

Việc đào tạo diễn viên xem ra khó khăn hơn, hiện mới chỉ có Việt images tổ chức dịch vụ casting diễn viên chứ chưa thể đào tạo. Một vài người đang ấp ủ dự định lập công ty chuyên đào tạo và cung cấp thư ký trường quay, thiết kế trang phục, thiết kế bối cảnh và cả diễn viên; thậm chí một số dự án xây dựng phim trường chuẩn của tư nhân cũng bắt đầu “rục rịch”.
Áp dụng công nghệ kỹ thật số cho phim truyện

Để làm kỹ xảo phải đầu tư rất lớn về máy móc và con người, không phải ngày một ngày hai có thể thực hiện nổi, nhất là khi nhu cầu sản xuất điện ảnh trong nước chưa cao. Muốn chứng minh Việt Nam có thể làm được kỹ xảo, từ 2 năm nay, một số hãng phim tư nhân chuyên về làm hậu kỳ, trong đó có kỹ xảo, đã thành lập.

Hãng phim IDS Media Việt Nam là một trong những nơi đầu tiên ứng dụng đưa kỹ xảo vào phim truyện với sản phẩm mà nhiều người biết đến là bộ phim truyền hình dài tập Những giấc mơ dài (VFT sản xuất năm 2O04), sau đó là phim điện ảnh Trò đùa của Thiên Lôi (Hãng phim Truyện Việt Nam), gần đây là phim truyền hình dài tập Dòng sông phẳng lặng. Công ty Fanatic đang làm kỹ xảo những cảnh máy bay rơi, máy bay đuổi bắn người, cảnh lửa đạn, khói bom trong phim truyền hình dài tập Người Bình Xuyên... Digipost Việt Nam thành lập vào tháng 5-2005 cũng dự định sẽ trở thành trung tâm làm hậu kỳ lớn nhất Việt Nam.

Hiện nay, chi phí thực hiện phim ở Việt Nam quá cao so với khả năng doanh thu. Ngân sách sản xuất lại hạn hẹp nên việc tận dụng kỹ xảo phim ảnh để tạo thêm nét hấp dẫn cho phim hầu như không thể thực hiện được. Mặt khác, các công ty chuyên về hậu kỳ ở Việt Nam có thể làm được kỹ xảo nhưng nếu quay bằng phim nhựa thì không có máy móc thiết bị để thực hiện.

Được sự hậu thuẫn mạnh của Công ty Digital Magic Hong Kong, từng làm hậu kỳ cho các phim Anh hùng, Thập diện mai phục... và hiện nay là bộ phim Việt Nam có tên 1735 km (Hãng phim Kỳ Đồng sản xuất 2005), Công ty DVS (chuyên làm hậu kỳ) đã tổ chức một hội thảo về giải pháp kỹ thuật số (KTS) cho việc thực hiện một bộ phim điện ảnh dài 90 phút có xử lý màu sắc, kỹ xảo hình ảnh và âm thanh nổi với chi phí sản xuất dưới 90.000 USD, được rất nhiều người trong ngành điện ảnh đến tham dự.

KTS có lợi thế trong việc làm kỹ xảo và chỉnh sửa màu, có thể quay đi, quay lại nhiều lần những cảnh chưa đạt chứ không phải “đốt phim” như quay bằng phim nhựa. Ngoài Công ty D.V.S, Digitpost Việt Nam, IDS Media Việt Nam và Fanatic ...đều có khả năng cung cấp và làm hậu kỳ cho phim KTS (HD) bắn sang phim nhựa, thậm chí có cả máy quay KTS loại Xmen (mà bộ phim Stars war sử dụng).

Thực ra, KTS được sử dụng làm phim truyền hình từ vài năm nay ở Việt Nam, chẳng hạn như bộ phim truyền hình 39 độ yêu. So với các bộ phim truyền hình quay bằng chất liệu video thông thường thì chất lượng hình ảnh và âm thanh của phim này khá tốt. Chính vì điều này mà Hãng phim Việt và TFS đã quyết định chuyển cắt phim truyền hình thành phim nhựa với hy vọng nếu thành công sẽ dùng máy DV quay để tiết kiệm ngân sách nhưng do quay bằng format thấp nhất của KTS là Video KTS nên chất lượng của bản phim điện ảnh 39 độ yêu quá tệ khiến nhiều người đang hăm hở với KTS “nhụt chí”.

Tuy vậy, vạn sự khởi đầu nan, sau bài học của 39 độ yêu, những hãng phim có khả năng thực hiện công nghệ quay phim KTS cũng như các đạo diễn trẻ và hãng phim tư nhân vẫn tự tin quyết định vào cuộc ứng dụng công nghệ KTS (HD) làm phim điện ảnh như các dự án phim Đẻ mướn, Bộ lạc siêu quậy (đạo diễn Lê Bảo Trung), Tuổi dậy thì (đạo diễn Bá Vũ)…

Ông Nguyễn Nam Dương – Giám đốc D.V.S, khẳng định: “ Sự tham gia của các hãng phim tư nhân, các đạo diễn trẻ là lợi thế cho việc ứng dụng công nghệ KTS vào phim. Với sự tham gia của các hãng phim tư nhân ngày càng gia tăng, dự báo trong vòng 3-5 năm nữa phim kỹ xảo Việt có thể hấp dẫn khán giả chứ không chỉ phụ thuộc vào nội dung phim và diễn viên như hiện nay”.

XUÂN HƯỚNG

Thông tin liên quan

Bài 1: Vùng đất chưa ai chiếm lĩnh

Bài 2: Phim giải trí đang tăng tốc

Bài 3: Phá thế độc quyền

Bài 4: Xã hội hóa phim truyền hình - Để người việt xem phim việt 

Tin cùng chuyên mục