Bãi biển Cam Bình, Bình Thuận: Giữ hay bỏ xe bò chở du khách

UBND xã Tân Phước, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) vừa có văn bản cấm sử dụng xe bò vận chuyển khách du lịch trên bãi biển Cam Bình vì lo ngại mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường. Điều này khiến nhiều du khách tỏ ra tiếc nuối cho một mô hình du lịch cộng đồng độc đáo, cũng như mất kế sinh nhai của nhiều hộ dân.
 Chiếc xe bò chở khách được trang trí đẹp mắt của người dân vùng biển Cam Bình bị “thất nghiệp” sau lệnh cấm
Chiếc xe bò chở khách được trang trí đẹp mắt của người dân vùng biển Cam Bình bị “thất nghiệp” sau lệnh cấm

Cách đây khoảng 7 năm, thấy khách du lịch muốn đi khám phá bãi biển Cam Bình nhưng không có phương tiện, một vài hộ dân tại xã Tân Phước nảy sinh ý tưởng sử dụng xe bò để chở khách đi dạo bãi biển theo yêu cầu. Cách làm này đã được du khách đón nhận nồng nhiệt và mau chóng trở thành điểm nhấn mà dường như chỉ vùng biển Cam Bình mới có được. 

Vào những dịp cao điểm, bãi biển Cam Bình có khoảng gần 50 xe bò hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. “Nhiều du khách đã gọi điện trước nhiều ngày khi đến biển Cam Bình để được chúng tôi đưa xe bò xuống chở đi dạo ngắm cảnh. Có những vị khách hễ cứ đến đây là phải ngồi xe bò vì loại hình này hiếm có ở những miền biển khác”, anh Võ Minh Cường, hộ dân từng tham gia vận chuyển khách bằng xe bò, cho biết. 

Không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, mô hình chở du khách bằng xe bò đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục hộ dân sinh sống ven biển. Tuy nhiên, xét hoạt động sử dụng xe bò vận chuyển khách du lịch trên địa bàn có khả năng ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn, mới đây, UBND xã Tân Phước có văn bản yêu cầu dừng hoạt động này. Theo ông Phan Trọng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, xã cũng hết sức trăn trở vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống những hộ tham gia; đồng thời sẽ mất đi nét độc lạ, hút khách mà mô hình này đã đưa lại. Tuy nhiên qua thống kê, từ khi loại hình này đi vào hoạt động đã xảy ra 20 vụ việc va quẹt, tai nạn. Bên cạnh đó, vấn đề bất cập nhất từ hoạt động này là môi trường biển bị ảnh hưởng. 

“Khi bò phóng uế ra bãi biển, bà con dùng cuốc lấp phân sơ sài, sau đó chất thải trôi ra biển, gây ảnh hưởng đến môi trường và du khách”, ông Phan Trọng Minh cho biết. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho rằng: “Mục tiêu chúng ta hướng tới là phát triển du lịch bền vững, với những sản phẩm du lịch chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, việc vận chuyển khách du lịch bằng xe bò chỉ là hoạt động tự phát của người dân nhằm thỏa mãn thị hiếu của một nhóm nhỏ du khách, chưa mang lại giá trị cho du lịch, cộng đồng”.

Vậy nhưng, một số doanh nghiệp lữ hành tại Bình Thuận cho rằng, ở nhiều nơi trên cả nước như TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), hay như điểm du lịch Cồn Phụng (tỉnh Bến Tre)…, mô hình sử dụng gia súc, đặc biệt là ngựa, để chở khách du lịch đi tham quan phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường. Phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển đúng đắn ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Để tạo ra được một mô hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng đã khó, nên tỉnh Bình Thuận cần có giải pháp để duy trì, phát triển thay vì “quản lý không được thì cấm”. Đó là xem xét đưa hoạt động xe bò chở du khách được hoạt động trở lại, nhưng phải đi vào nề nếp, đảm bảo môi trường cũng như tạo sự an toàn cho du khách khi tham gia.

Tin cùng chuyên mục