
Những bậc thang ký ức
Không phải Sơn Đoòng, không phải Hang Én... những kỳ quan thiên nhiên được truyền thông quốc tế xưng tụng. Hang Bảy Tầng là kỳ quan của chiến tranh, của sự tồn tại và kháng cự. Nó không chỉ là vết khắc của bom đạn mà còn là minh chứng cho cách mà con người khi buộc phải sống sót có thể biến lòng đất thành đại bản doanh, có thể làm việc phi thường.

Con đường dẫn đến hang Bảy Tầng là một đoạn "đường kín", vốn là nhánh phụ của đường 20 Quyết Thắng, rẽ dưới chân dốc Táu, nơi ngày trước từng là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Từ ngầm Trạ Ang nơi rừng táu và sung cổ thụ vẫn vươn lên bất chấp thời gian, con đường ngoằn ngoèo chừng hơn ba cây số, vẫn giữ nguyên hình hài của một đường mòn Trường Sơn năm xưa.

Ông Nguyễn Văn Lam, một cựu binh từng sống, từng chiến đấu và giờ sống gần đó chỉ tay vào vết lằn bánh xe còn hằn trên đá: “Đây là đường kín thật sự. Sau giải phóng, không ai sử dụng nữa, cây mọc đầy, nhưng vết xưa còn đó”.

Ở đó, thời gian như khựng lại. Hai bên đường, những hố bom vẫn trũng xuống như miệng ký ức chưa khép. Một khoảnh rừng nhỏ dẫn vào một hốc đá như một kho đạn bị bỏ quên nơi hàng chục quả đạn cối nằm vương vãi, đầu nổ còn nguyên, chỉ có lớp rỉ sét dày lên như gỉ máu thời gian.

Hang Bảy Tầng không phải một hang tự nhiên nguyên trạng. Nó từng là một hang lớn cao gần trăm mét nhưng được cải tạo thành bảy tầng công sự khác nhau bởi chính tay những người lính công binh Trường Sơn.

Giữa mưa bom bão đạn, giữa rừng núi trập trùng và mệnh lệnh phải sống, họ đã biến đá thành pháo đài, hang động thành trung tâm chỉ huy. Chính tại đây, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đặt Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trong một thời gian dài giữa những năm tháng ác liệt nhất, khi hơn 12 vạn quân được huy động giữ đường tiếp viện cho miền Nam.

"Hang không nằm sâu dưới lòng đất như địa đạo ở Củ Chi, mà nằm lồng lộng trong lòng núi, với từng tầng một được khoét sâu, gia cố, nối liền bằng lối đi nhỏ, thoát hiểm bằng những đường thông hơi khéo léo ẩn mình trong rừng nguyên sinh", Tướng Đồng Sỹ Nguyên viết trong sách "Trọn một con đường".

Không ai biết hết bên trong hang có gì. Bởi suốt mấy chục năm sau chiến tranh, nó vẫn là điểm mù trên bản đồ du lịch, vẫn được coi là “mật địa”. Người dân bản địa cũng chỉ dám kể lại rằng, có những người lính sau chiến tranh vẫn trở lại, đứng thẫn thờ trước miệng hang, như thể đang tìm một phần tuổi trẻ đã gửi lại trong đá lạnh.
Lưu mãi ký ức
Con đường nhỏ dẫn vào khu rừng nguyên sinh, nơi những thân gỗ thẳng đứng cao vút hàng chục mét như che chắn cả bầu trời. Giữa không gian mát lành và yên tĩnh, một dốc đá hiện ra, cong cong vắt vẻo ôm lấy sườn núi đá vôi. Đó là bậc tam cấp được xây dựng từ hơn sáu mươi năm trước, giữa rừng già, bằng vôi vữa thô sơ, nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Vết tích bàn tay con người giữa rừng sâu, trong cái lạnh âm u của núi đá, là một chứng tích hiếm hoi.

62 bậc đá men theo triền núi, khuất dần trong tán rừng rậm. Tiếng lá khô lạo xạo dưới chân, cành cây khô gãy vụn trong gió, dây leo phủ lối như muốn giấu đi tất cả. "Đã lâu không có dấu chân người qua lại. Chúng tôi, những người đến sau, bước trên con đường vắng như thể đang lần theo hồi ức của một thời không còn hiện hữu", ông Nguyễn Văn Lam nói.

Lên hết bậc đá là đến cửa hang Bảy Tầng. Không gian mở ra rộng hàng trăm mét vuông, cao đến cả trăm mét. Gió mát lạnh từ lòng núi thổi ra khiến không khí trở nên tĩnh lặng khác thường. Hang có hai cửa thông nhau. Một bục xi măng cũ kỹ nằm ngay bên trong, còn vương lại dấu vết khói đạn và nhiều dòng chữ than đã nhạt. Trên vách đá, có những nét vẽ hình chim bồ câu đang bay, một khát vọng hòa bình được gửi gắm giữa khói lửa chiến tranh năm xưa.

Lòng hang như một khán phòng lớn được thiết kế thành bảy tầng riêng biệt. Cựu binh Nguyễn Văn Lam, người từng phục vụ tại đây, kể rằng ông được giao nhiệm vụ gùi đá từ ngoài vào. Cát sạn lấy từ dưới Phong Nha, xi măng chuyển từ miền Bắc vào, tất cả đều gùi tay, từng gùi một. Trong ba tháng, bảy tầng lần lượt hình thành. Một thời, nơi này từng vang lên tiếng máy móc, tiếng điện thoại cơ yếu, hoạt động điều hành liên lạc giữa các mặt trận Trường Sơn. Những cuộc họp quan trọng nhất được tổ chức tại tầng bảy. Chỉ những chiến sĩ được chọn lọc mới được phục vụ tại đó.

Toàn bộ bảy tầng được xây dựng mà không làm vỡ bất kỳ mảnh thạch nhũ nào. Ông Lam nói, các thủ trưởng yêu cầu bảo tồn nguyên vẹn địa hình trong hang, với tầm nhìn sau hòa bình nơi này sẽ còn phục vụ cho mục đích khác. Chính vì thế, cấu trúc kỳ vĩ hàng trăm triệu năm tuổi vẫn được giữ nguyên, như chưa từng bị bàn tay con người can thiệp.

Ở tầng một, ngay vị trí cầu thang dẫn lên tầng hai, có một khối đá hình vuông sơn dòng chữ: “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm”. Câu khẩu hiệu vẫn chưa phai, nằm lặng lẽ như một dấu mốc của ký ức.
Nhiều năm đã trôi qua, không còn ai trở lại. Người lính cũ, giờ tóc bạc, đứng giữa lòng hang mà không còn nhận ra địa hình quen thuộc. Nơi từng vang vọng tiếng gọi nhau í ới từ sáng sớm, từng có những cuộc chạy vội tránh bom, nay im ắng hoàn toàn. Một nén nhang được thắp giữa rừng sâu. Ông mong nơi này không bị lãng quên. Ông bảo, nếu có một tuyến hành hương về hang động này, nhiều cựu binh sẽ tìm về. Để nhìn lại, để nhớ, và để một chứng tích của thời khói lửa không bị xóa mờ.

Hang Bảy Tầng không chỉ là kỳ quan địa chất, mà là kỳ quan của bản lĩnh con người. Không lộng lẫy để ngắm, mà âm thầm để nhớ. Một ngày nào đó, nếu bước vào Hang Bảy Tầng với ánh đèn và giọng thuyết minh từ loa tự động, có thể ta sẽ hiểu nó hơn. Như hiểu một phần Trường Sơn còn nguyên sơ trong tâm tưởng.