Bài học đau xót

Đình Lưu - một di tích quốc gia được xây dựng từ triều Nguyễn (ở xã Đông Phương, Đông Hưng, Thái Bình) đã bị lửa thiêu rụi gần như hoàn toàn vào giữa buổi trưa. Bên cạnh thiệt hại lớn khi nhiều cổ vật có giá trị văn hóa bị thiêu rụi, vụ cháy còn lộ ra việc chính quyền địa phương tổ chức xây công trình không phép trong khu di tích.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Thái Bình, đình Lưu gồm 2 tòa nhà. Tòa chính tầm 5 gian và tòa hậu cung 3 gian. Bộ khung đình làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Các vì kèo chạm nổi hoa lá cách điệu. Hai vì kèo thuộc gian giữa chạm khắc tinh vi hình rồng cuốn, thủy, chim, cá, hoa lá, rùa... Đây là nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Các cổ vật tại di tích gồm: Bài vị thời hậu Lê; câu đối, đại tự, bàn thờ, cổ kiệu, bát hương... thời Nguyễn. Tuy nhiên, địa phương đã hạ giải 2 tòa trung tế và hậu cung, chuyển toàn bộ đồ thờ lên để tạm trong tòa tiền tế. Hỏa hoạn xảy ra đã khiến toàn bộ đồ thờ bị thiêu rụi. Hệ thống khung cột gỗ lim cháy đen, mái đổ sập. Qua điều tra bước đầu xác định, 2 tháng qua, chính quyền địa phương đã tự ý xây dựng công trình bên trong di tích nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép!

Nguyên nhân để xảy ra cháy ở đình Lưu hiện vẫn đang trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng. Nhưng nhiều người dân địa phương không loại trừ nguyên nhân chủ quan “có sự tác động của con người mới xảy ra”. Trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Thái Bình cho biết, việc để ra sai phạm tại xã Đông Phương có trách nhiệm của lãnh đạo xã khi tự ý xây dựng công trình trong khu di tích không xin phép là sai phạm rất nghiêm trọng. Đại diện sở cũng thừa nhận, đến khi xảy ra hỏa hoạn mới phát hiện sai phạm này. Đề cập đến trách nhiệm của sở, vị này bảo có chút khó khăn vì toàn tỉnh có hàng ngàn di tích nên không kiểm tra sát sao thường xuyên.

Từ vụ cháy đình Lưu, dư luận lại nhớ đến vụ cháy nghiêm trọng đã thiêu rụi nhà sàn cổ của quan Lang Mường tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (ở tổ 12, phường Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) xảy ra cách đây không lâu. Trước đó, có 4 người (2 nam, 2 nữ) đi trên 2 ô tô đến bảo tàng đặt cơm ăn tại nhà Lang hàng trăm năm tuổi. Trong lúc ngồi đợi cơm, họ đã lên nhà sàn cổ của quan Lang Mường trước đây (rộng 150m2) tự ý đốt lửa sưởi. Tuy nhiên, một lúc sau, ngọn lửa đã bén nhanh và bùng cháy lên mái nhà. Sau khi không dập được lửa, những người này mới gọi nhân viên bảo tàng và nhanh chóng lên xe bỏ trốn.

Mọi nỗ lực của lực lượng phòng cháy chữa cháy sau đó đều không cứu được ngôi nhà Lang độc nhất này. Toàn bộ ngôi nhà cổ có tuổi thọ hơn 100 năm bị thiêu hủy trên 90%, chỉ còn lại bộ khung cột. Gần 200 hiện vật lưu giữ bên trong, tái hiện nguyên bản đời sống sinh hoạt của nhà Lang, gồm: bộ cồng chiêng, bộ sưu tập súng săn, bộ sưu tập đồ đồng sinh hoạt gồm: sanh, ninh, mâm, chậu, nồi các cỡ, đèn đồng; các loại đồ gốm bát, đĩa, bình, lọ; các loại đồ gia dụng mây tre đan, rương, chăn, gối… được Bảo tàng Mường tìm kiếm và sưu tập trong thời gian gần 15 năm, cũng theo đó bị thiêu hủy toàn bộ.

Điều đáng tiếc, dù ngôi nhà có giá trị như vậy nhưng công tác phòng cháy chữa cháy ở đây rất lơ là. Hơn nữa, việc khai thác những giá trị truyền thống phục vụ du lịch cũng hết sức tự phát, thiếu chuyên nghiệp khi để khách tự do đi lại, đốt lửa trong ngôi nhà sàn có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Hai vụ cháy nói trên đều để lại những bài học đau xót trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có hàng ngàn di tích. Nếu tính cả nước, số lượng di tích càng không nhỏ. Nếu nơi nào cũng để “mất bò mới lo làm chuồng” hoặc đều đổ cho lý do bận rộn, “không kiểm tra sát sao thường xuyên” thì những vụ việc tương tự như nhà Lang, đình Lưu sẽ còn tiếp tục diễn ra.

Tin cùng chuyên mục