
“Tôi chọn câu chuyện “Bác có phải là vua đâu” nhằm nhắc nhở mình và mọi người phải đem lương tâm trong sáng ra để làm tròn trách nhiệm của một người công dân tốt. Câu chuyện đó cũng là bài học làm người theo tôi nhiều năm qua”. Đó là lời tâm sự của cô giáo trẻ Trần Thị Thơm (Trường THPT Ernst Thalmann), 29 tuổi, người đoạt giải nhất hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức.
1. “Nhìn những người “ngôi cao chức cả” sống trong sự trọng vọng, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, tôi bỗng giật mình: hình như ta cũng đã từng ích kỷ, thờ ơ, từng cầm chừng, ngại khó trong công việc, từng đòi hỏi quyền lợi khi làm được một điều gì đó… Liệu ta có chắc rằng mình đã và sẽ nằm trong số một bộ phận không nhỏ như những người đó? Nhưng thật may mắn, cách đây gần 3 năm, chính Bác đã giúp tôi nhìn lại mình, nhìn lại phẩm chất của một nhà giáo…”. Bằng chất giọng thật truyền cảm của mình, chị Trần Thị Thơm đã đem lại cho mọi người một câu chuyện về Bác, một câu chuyện cũ nhưng luôn luôn mới trong mọi hoàn cảnh.

Cô giáo Trần Thị Thơm soạn giáo án trước mỗi giờ lên lớp.
Đó là một lần đi thăm huyện Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhìn Bác đứng nói chuyện với dân dưới trời nắng nóng, ai cũng băn khoăn. Đồng chí Chủ tịch huyện mượn được cái ô, định giương lên che nắng cho Bác thì Bác quay lại hỏi: Thế chú có đủ ô để che cho đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu!
Lần khác trong một bữa ăn, người phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá Anh Vũ vốn là một loại cá quý hiếm, Bác khen và bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều, đồng chí Tô về cùng thưởng thức”. Nhưng đến bữa hôm sau, trong mâm cơm lại có món cá ấy. Bác tỏ ra không bằng lòng: “Bác có phải vua đâu mà phải cung với tiến”…
Câu chuyện mà chị Trần Thị Thơm kể ra muốn truyền tải một câu chuyện về sự khác nhau giữa một vị vua và một vị Chủ tịch nước. Chị nói: Cả hai đều là người đứng đầu của một dân tộc nhưng thật khác nhau. Quyền lực luôn nằm trong tay vua nhưng với vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, quyền lực lại không nằm trong tay Người mà là do nhân dân quyết định bởi Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân”… Vì thế thật dễ hiểu khi Bác nói: Bác có phải là vua đâu?
Với chị, bài học làm người chính là rút tỉa từ câu chuyện về Bác, về tình yêu thương bao la của Bác dành cho mọi người, từ người nông dân chân lấm tay bùn, từ cụ già cho đến em thơ, vì “Bác có phải là vua đâu” mà được đối xử hơn nhân dân của mình.
2. Chị tâm sự: “Cũng đã có lúc, tôi từng có suy nghĩ “ta đây” khi đảm nhận nhiều vai trò ở trường và cả lúc cho rằng mình trẻ tuổi, có khả năng làm được nhiều thứ. Nhưng ba năm nay, từ lúc trở thành một cô giáo dạy văn học tại Trường Ernst Thalmann, thì những suy nghĩ ấy đã hoàn toàn biến mất”. Đó là khi chị giảng dạy về văn học của Người, về Nhật ký trong tù đầy cảm xúc. Dạy cho học sinh, cô giáo Trần Thị Thơm cũng “cảm” cho mình nhiều bài học từ nhân cách lớn của Bác. Nhất là khi chị sưu tầm những câu chuyện về Bác để kể cho học sinh nghe nhằm giúp học sinh dễ tiếp thu văn học của Người. Bài học “Bác có phải là vua đâu” cũng là một bài giảng sinh động mà chị truyền đến học sinh bằng cảm xúc thật của mình.
“Tôi đã sống bớt ích kỷ hơn, bớt thờ ơ và tính toán thiệt hơn. Bài học lớn nhất của tôi qua những câu chuyện về Bác là phải sống có trách nhiệm và yêu thương mọi người”, chị chia sẻ.
Là trợ lý thanh niên của trường, cô giáo Trần Thị Thơm có cơ hội gần gũi hơn với học sinh. Chị biết trong đám học trò đáng yêu của mình, có em vì hoàn cảnh gia đình phải đi làm bồi bàn, bán chuối chiên ngoài giờ học để mưu sinh. Từ thực tế đó, chị đã đề xuất lên Ban giám hiệu thực hiện phong trào “nuôi heo đất giúp học sinh nghèo được tiếp tục đến trường”. Trong hơn một tháng, mỗi học sinh, mỗi thầy cô tiết kiệm tiền ăn sáng của mình để bỏ heo được hơn 10 triệu đồng làm học bổng giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Sau đó, “táo bạo” hơn, cô giáo trẻ này còn có ý tưởng tổ chức 1 đêm hội văn hóa có bán vé thu tiền hẳn hoi để gom quỹ. Nhiều người sợ cô thất bại vì đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ ở trường. Nhưng cô đã thuyết phục Ban giám hiệu cho mình được đứng ra cáng đáng công việc. Và con số 30 triệu đồng từ những tấm vé đã nói lên tất cả. Số tiền ấy được chuyển thành học bổng cho học sinh nghèo và 1 căn nhà tình thương ở tỉnh Vĩnh Long…
3. Hôm thi vòng bán kết, sau khi nghe chị kể xong câu chuyện “Bác có phải là vua không?”, Ban giám khảo đã đặt cho chị một câu hỏi: Hãy chỉ ra biện pháp nào để xóa bỏ chuyện “ngôi cao chức cả”, “đặc quyền đặc lợi” và làm cách nào để cán bộ, giáo viên ngành giáo dục không “đặc quyền, đặc lợi” trong công việc?
Không nao núng, chị trả lời ngay: Để chữa 2 chứng bệnh trên hoàn toàn là do dân. Nếu mỗi người dân khi đến các cơ quan công quyền làm giấy tờ mà thấy cán bộ, nhân viên của cơ quan đó lợi dụng “ngôi cao chức cả”, vòi vĩnh tiền của dân thì người dân cần phải viết ngay đơn tố cáo gửi ngay đến các cấp có thẩm quyền. Nếu người dân có đủ dũng khí, chắc chắn sẽ không có chuyện cán bộ nhà nước nhũng nhiễu dân. Với ngành giáo dục, chị cho rằng để môi trường giáo dục thật sự trong lành, cái cần thiết nhất là phải lựa chọn ra một Ban giám hiệu gồm những người có tâm và có tầm để trở thành một tấm gương cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường noi theo.
Học Bác để có một lương tâm trong sáng, để được sống hết mình là bài học làm người mà cô giáo trẻ Trần Thị Thơm muốn truyền lại với học sinh của mình. Đó cũng là một bài học thật đáng quý và mãi mãi trường tồn với người dân Việt.
Thạch Thảo