Thể chế hóa “bộ tứ chiến lược” vào Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát, quán triệt và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng – đặc biệt là những nội dung trong “bộ tứ chiến lược” – vào dự thảo Luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Theo báo cáo, đa số ý kiến đại biểu thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra nhằm hiện thực hóa chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan thanh tra, đồng thời cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh việc cụ thể hóa các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị như Nghị quyết 57-NQ/TW (ngày 22-12-2024) về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; và Nghị quyết 68-NQ/TW (ngày 4-5-2025) về phát triển kinh tế tư nhân.

Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các hành vi như: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ yêu cầu kiến nghị kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; hành vi thay đổi làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra, kết luận thanh tra; “gợi ý hối lộ”; liên lạc, tiếp xúc giữa trưởng đoàn, phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra với đối tượng bị thanh tra khi không có bên thứ 3.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân khi vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm để có sức răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật; bổ sung cơ chế bảo vệ đối tượng thanh tra, quy trình xử lý khi đối tượng thanh tra không hợp tác.

(Trích báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội)

Có ý kiến đề nghị giải thích rõ quy định về hành vi “sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà”; “bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Thêm vào đó, có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “lạm dụng hoặc sử dụng trái phép dữ liệu số” vào các hành vi bị nghiêm cấm.

Về hệ thống cơ quan thanh tra, một số ý kiến đề nghị báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng để làm rõ có phải vẫn tiếp tục duy trì hệ thống cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như hiện nay không, hay là có duy nhất một cơ quan thanh tra ở cấp Bộ.

Có ý kiến cho rằng, sau khi sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra thì trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ sẽ rất lớn trong việc xem xét, phát hiện, xử lý những vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ không tổ chức cơ quan thanh tra; bên cạnh đó, dẫn đến những sự thay đổi về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra với nhau, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để làm rõ tại dự thảo Luật những vấn đề này…

Tin cùng chuyên mục