Quy định rõ cơ chế hoạt động để MTTQ phát huy vai trò

Theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Điều 9 Hiến pháp năm 2023 quy định về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam sẽ được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam.

Quy định rõ cơ chế hoạt động để MTTQ phát huy vai trò

1. Khi sửa đổi, bổ sung Điều 9, Hiến pháp năm 2013, tên gọi tổ chức này vẫn là “MTTQ Việt Nam”. Việc giữ tên vốn gắn với lịch sử của Đảng, của đất nước và của Mặt trận là rất phù hợp, song trong thời đại mới, có lẽ nên cân nhắc việc đổi tên gọi cho phù hợp.

Nhìn lại lịch sử, MTTQ Việt Nam ra đời trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Tên gọi của tổ chức này mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng từ “mặt trận” vẫn thống nhất từ khi tổ chức này ra đời. Từ “mặt trận” phù hợp với thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, bối cảnh, tình hình mới hiện đã khác. Chức năng chính yếu của MTTQ Việt Nam các cấp hiện nay là “liên minh”, “liên hiệp”.

X4a.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM giám sát công tác dân tộc - tôn giáo tại huyện Củ Chi. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Cũng xin nói thêm, ở Trung Quốc hiện nay, tổ chức này có tên gọi là “Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc”. Chúng ta không nhất thiết phải theo rập khuôn, song thể chế chính trị của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, nên điều gì hay của Trung Quốc hoặc của bất kỳ nước nào thì cũng cần tham khảo.

Về cơ chế hoạt động, để MTTQ Việt Nam thật sự xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị Việt Nam, thật sự là tổ chức “liên minh” “liên hiệp” tự nguyện tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc thì cần cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam, trong đó có những quyền như trình dự án luật, pháp luật. MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các giai tầng trong xã hội. Điều đó đòi hỏi tổ chức MTTQ Việt Nam các cấp thật sự là một thiết chế có vị trí, vai trò, tiếng nói quan trọng, quy tụ các nhân sĩ, trí thức, những người có uy tín trên địa bàn, các cán bộ, đảng viên, sĩ quan lực lượng vũ trang nghỉ hưu… Cùng với đó, cần quy định rõ cơ chế hoạt động để MTTQ phát huy vai trò của mình, đồng thời có quy định các luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp xã trước khi thông qua đều phải được bàn bạc và thông qua tại MTTQ Việt Nam. Tất nhiên, ý kiến và kết quả biểu quyết của MTTQ Việt Nam được xem là ý kiến tư vấn, chứ không phải là ý kiến quyết định.

2. Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp sửa đổi đều quy định: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội”. Nếu hiểu như vậy thì ở Việt Nam hiện nay có 3 loại tổ chức. Đó là tổ chức chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn, Nông dân, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh); các tổ chức xã hội. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì đã rõ, nhưng thế nào là tổ chức xã hội thì hiện nay vẫn chưa thật sự rõ ràng.

Theo Quyết định số 118-KL/TW ngày 22-8-2023 của Ban Bí thư ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, thì có 30 tổ chức hội thuộc nhóm này, được gọi là “hội quần chúng”. Tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 93-KL/TW ngày 20-11-2020 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW) thì Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam được xác định là “tổ chức chính trị - xã hội”.

Ngoài ra, Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về “pháp nhân phi thương mại” gồm: “cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác”. Theo quy định này, ngoài các tổ chức hội như đã nêu, ở Việt Nam còn có các tổ chức hội khác: tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp…

Như vậy có thể thấy, tính chất của các hội thông qua tên gọi hiện vẫn chưa cụ thể và thống nhất. Do đó, nhân đợt sửa đổi, bổ sung lần này cần có quy định cụ thể về tính chất các tổ chức hội ở Việt Nam.

3. Tôn chỉ, mục đích, địa vị pháp lý của MTTQ Việt Nam được quy định rất rõ, đó là tổ chức “liên minh chính trị”, “liên hiệp tự nguyện”. Trong cộng đồng quốc gia đông đảo với nhiều tôn giáo, dân tộc, giai tầng khác nhau thì sẽ có những nhu cầu, nguyện vọng, thậm chí là chính kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, với chức năng của MTTQ, hiệp thương dân chủ được xem là phương thức quan trọng giúp vượt lên những khác biệt, lựa chọn những điểm tương đồng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, hầu như tính chất hoạt động của MTTQ là dân chủ, hiệp thương, tôn trọng ý kiến khác nhau, không mệnh lệnh, áp đặt.

Dự thảo sửa đổi về nội dung này ghi là: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Nếu quy định các tổ chức này trực thuộc MTTQ Việt Nam thì sẽ làm giảm sút tính chất dân chủ của MTTQ cũng như các tổ chức trực thuộc. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp về nội dung này có thể cân nhắc, theo đó chỉ cần ghi các tổ chức nêu trên “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” mà không cần ghi “trực thuộc MTTQ Việt Nam”, vì “trực thuộc” mang tính chất mệnh lệnh, hành chính và không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của MTTQ Việt Nam.

TS VŨ TRUNG KIÊN, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị khu vực II

Tin cùng chuyên mục