Nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Tại hội nghị lấy ý kiến do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức ngày 21-5, một số đại biểu đã đề nghị cần làm rõ hơn một số nội dung trong dự thảo.

Làm rõ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Cho rằng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chưa nêu rõ việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, góp ý chỉnh lý lại để khẳng định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở. Trên cơ sở tính chất đặc thù của mỗi địa phương, quy định có thể tổ chức hoặc không tổ chức HĐND - UBND hay UBND.

V1d.jpg
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức ngày 21-5. Ảnh: VĂN MINH

Luật sư Tô Văn Chung, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cũng đề nghị bổ sung, tỉnh chia thành xã, thị trấn và đơn vị hành chính (ĐVHC) tương đương; thành phố trực thuộc trung ương chia thành phường, xã và ĐVHC tương đương. Để tăng tính rõ ràng quy định chính quyền địa phương có 2 cấp hành chính là cấp tỉnh và cấp cơ sở, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, góp ý việc xác định tên gọi cụ thể của cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, đặc khu...) sẽ do Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.

Về quy định chuyển tiếp khi sắp xếp lại ĐVHC, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, các quy định chuyển tiếp cần đảm bảo tính toàn diện, chi tiết, khả thi để hệ thống chính trị vận hành thông suốt và đời sống người dân ít bị ảnh hưởng nhất. Liên quan đến việc kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện, cần có quy định cụ thể về quy trình, thời hạn bàn giao công việc, hồ sơ, tài chính, tài sản công, biên chế. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế kế thừa quyền và nghĩa vụ pháp lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vụ án dở dang cũng như khẳng định hiệu lực của các văn bản do cấp huyện đã ban hành.

Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, các đại biểu góp ý cần có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển giao, tiếp nhận các hồ sơ đang giải quyết tại cấp huyện, công khai địa điểm, cơ quan xử lý mới, tránh gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, vấn đề điều chỉnh thông tin trên giấy tờ của công dân, tổ chức khi thay đổi ĐVHC cần có quy định chuyển tiếp hết sức thuận lợi. “Nên khẳng định giấy tờ cũ còn giá trị sử dụng, việc điều chỉnh chỉ thực hiện khi có yêu cầu hoặc cấp đổi, cấp mới, đồng thời nghiên cứu lộ trình cấp đổi đồng loạt, miễn phí hoặc giảm phí”, luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý.

Đảm bảo quyền chất vấn của đại biểu HĐND

Theo khoản 2, Điều 115 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quy định, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND không chịu sự chất vấn của đại biểu HĐND. Với quy định này, luật sư Tô Văn Chung góp ý, nếu không được quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thì đại biểu HĐND sẽ khó có thể trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của TAND, VKSND.

V4c.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Đặc biệt là trường hợp oan sai hoặc quyết định tố tụng của TAND, VKSND mà cử tri bức xúc, nếu đại biểu HĐND không được quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thì rõ ràng việc thực hiện giám sát của đại biểu HĐND sẽ không đầy đủ, chưa làm tròn nhiệm vụ với cử tri. Cùng quan điểm, bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng, quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Do đó, bà kiến nghị giữ nguyên quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

Về nhân sự, các ý kiến cho rằng, việc quy định chỉ định người không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cũng cần hết sức cân nhắc. Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM, cho rằng, khoản 3, Điều 2 Dự thảo Nghị quyết quy định về vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chính quyền địa phương sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC và kết thúc hoạt động của ĐVHC… không nên đưa vào nội dung bổ sung, chỉnh sửa trong Hiến pháp. Bên cạnh đó, nội dung quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã là không phù hợp với các quy định về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương của cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã, nội dung này nên quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã mới.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung dự thảo Nghị quyết đã khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét điều khoản liên quan đến nội dung quy định các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” MTTQ Việt Nam. Cụ thể, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung góp ý, cần nghiên cứu chỉnh lý điều khoản theo hướng các tổ chức chính trị - xã hội là “tổ chức thành viên” của MTTQ Việt Nam, để đảm bảo tinh gọn theo xu thế chung, nhưng không làm mất đi hiệu quả, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội.

Công an TPHCM cho biết đang vận động hơn 4,9 triệu công dân có tài khoản định danh điện tử mức 2 tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID. Theo đó, các tổ công tác phối hợp trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để hướng dẫn người dân góp ý từ nay đến hết ngày 30-5.

Tin cùng chuyên mục