
Hội chứng tự tử bằng lá ngón từ những người dân tộc trẻ ở các tỉnh vùng cao miền Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình... thường xảy ra khi gặp các chuyện bất như ý.
Gần đây tại Lạng Sơn cũng có trường hợp đầu độc bằng rượu ngâm lá ngón. Những người bị ngộ độc chết hoặc tự tử bằng lá ngón cũng gặp ở Quảng Ngãi, Lâm Đồng... cho thấy mối nguy hại tiềm ẩn do cây lá ngón gây ra.

Cây lá ngón còn gọi là cây rút ruột, đoạn trường thảo, tên khoa học là Gelsemium elegans thuộc họ Gelsemiaceae. Đây là loại dây leo có nhiều tại Việt Nam, nhất là các tỉnh miền Bắc như Lai Châu, Hòa Bình… hay tại Lâm Đồng hoặc đỉnh núi Lang Biang, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối, Núi Voi… cây thường mọc ở độ cao từ 200-2.000m.
Cây lá ngón có hoa màu vàng đẹp mọc ở đầu cành hay kẽ lá, quả màu nâu. Lá ngón nguy hiểm ở chỗ thường mọc gần các cây rau như cây lá giang hoặc cây làm thuốc nên dễ nhầm lẫn.
Độc tính của lá ngón
Lá ngón chứa độc tính alcaloid mạnh (gelsemin, gelmicin…), thuộc loại thuốc độc bảng A, tất cả các bộ phận rễ, thân, hoa quả, lá đều độc. Chỉ cần 9 phút sau khi uống ba giọt dung dịch (10g lá ngón tươi pha với 10ml nước cất) là đủ để chuột lăn ra chết.
Triệu chứng ngộ độc
Khát nước, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, hôn mê, giãn đồng tử, liệt cơ hô hấp, các cơ bị mềm nhũn, chảy máu dạ dày, ruột, hạ huyết áp, sùi bọt mép, tim đập yếu và chết nhanh do ngưng hô hấp. Khi ngộ độc, cần nhanh chóng nhập viện cấp cứu.
Cách giải độc
Hiện chưa có thuốc đặc trị giải độc lá ngón nên khi có triệu chứng ngộ độc cần dùng nước rau má tươi, nguyên cây, rửa sạch giã nát hoặc lấy cây rau muống giã nhỏ, vắt lấy nước cốt, uống để giải độc lá ngón cấp tốc rồi đưa đi cấp cứu.
THẾ NGỌC (Tổng hợp)