Sau 21 năm triển khai chủ yếu trên bàn giấy, đến nay, đề án Khu liên hợp thể dục thể thao (KLHTT) Rạch Chiếc vừa được chuyển động bằng động thái mới nhất bằng cuộc thi tuyển thiết kế quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để làm cơ sở trình thành phố phê duyệt trước khi bắt đầu triển khai vào cuối năm 2016. Đây là thông tin vui đối với ngành thể thao TPHCM nhưng từ bản vẽ được phê duyệt cho đến ngày thành hình có lẽ vẫn còn một con đường rất dài.
Cái khó lớn nhất trong việc triển khai KLHTT Rạch Chiếc nằm ở chỗ, dù là chủ đầu tư của dự án hạ tầng rất lớn này nhưng Sở VH-TT TPHCM không tìm đâu ra nguồn kinh phí để thực hiện. Hai mươi năm trước, khi khu vực này chưa phát triển thì chi phí đền bù chiếm 10% so với hiện nay, tuy nhiên, dự án chỉ tồn tại trên giấy do không có hạ tầng kết nối. Nay khi đô thị mọc lên xung quanh thì giá đất tại khu vực cũng tăng cao và việc triển khai dự án KLHTT Rạch Chiếc ở thời điểm này cũng khá phù hợp do quá trình hình thành không gian đô thị tại đây, nhu cầu về một công viên sinh thái là cần thiết, nhưng ở góc độ của chủ đầu tư là Sở VH-TT thì lại hoàn toàn bị động.
Lấy ví dụ về việc xây Trung tâm huấn luyện và thi đấu đặt tại khu vực Trường đua Phú Thọ thì sẽ thấy cái khó của ngành thể thao. Quá trình xây dựng vẫn đang bất động khi chưa tìm được nhà đầu tư dù các diện tích đất dành cho dân cư xung quanh đã nhanh chóng được hình thành. Kế đến, khi có được kinh phí để đầu tư, thì với một trung tâm có chức năng thi đấu rất lớn nằm ngay trong thành phố thì liệu còn nhà đầu tư thể thao nào lại mạo hiểm rót tiền cho KLHTT Rạch Chiếc bởi theo quy hoạch, ngoài một đường đua lòng chảo cho môn xe đạp thì các cơ sở vật chất còn lại như sân vận động, nhà thi đấu lại trùng chức năng với các cơ sở trong nội đô vốn chưa được sử dụng hết công năng.
Thật ra, KLHTT Rạch Chiếc gần đây có chuyển động chủ yếu vì kế hoạch đăng cai SEA Games 2021 mà Việt Nam được giao. Tuy nhiên, nhiều khả năng Hà Nội sẽ là nơi tổ chức nên ngành thể thao TPHCM lại tiếp tục… hổng chân. Việc xây dựng một trung tâm thi đấu quy mô quốc tế là cần thiết đối với một đại đô thị như TPHCM, vị trí của KLHTT Rạch Chiếc cũng hợp lý vì nằm trong vùng trung tâm kinh tế đang phát triển, kết nối giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, bất kỳ cơ sở vật chất thể thao nào được xây dựng đều phải xuất phát từ lý do đặc thù của nó trước khi đóng góp vào các lĩnh vực khác. Trong chiến lược phát triển thể thao TPHCM 2020 và tầm nhìn đến 2025 không có một đại hội quốc tế nào diễn ra, chính vì thế ngay cả khi được phê duyệt, có quy hoạch chi tiết đến đâu thì bài toán tìm nguồn kinh phí đầu tư từ xã hội vẫn khó có lời giải. Đây cũng là lý do mà từng có lãnh đạo ngành thể thao đề xuất ý tưởng bán các cơ sở vật chất tại nội đô cho tư nhân để lấy tiền xây dựng khu Rạch Chiếc. Ngay lập tức, ý tưởng này bị phản đối bởi nếu ngay tại nội đô mà cơ sở vật chất không sử dụng, phải bán đi thì việc xây dựng KLHTT Rạch Chiếc phục vụ cho cái gì?
Từ sau SEA Games 2003 đến nay, TPHCM hầu như không còn đăng cai tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế. Một phần vì cơ sở cũng đã xuống cấp, phần khác quan trọng hơn đó là sự sa sút của nhiều môn thể thao vốn dễ thu hút đầu tư xã hội như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt hay xe đạp. Trong khi đó, tại SEA Games 28 vừa qua, thành công của thể thao TPHCM lại đến từ những môn “ít tốn diện tích” như đấu kiếm, bơi lội, cử tạ…
Không phải tự nhiên mà hiện nay, nhiều hoạt động thể thao quốc gia lẫn quốc tế được đưa về các cơ sở thi đấu trong các trường đại học, bởi việc đầu tư các cơ sở này gắn liền với hoạt động thể chất của nhà trường. Thế nên, việc xây dựng KLHTT Rạch Chiếc đầu tiên cần xác định phục vụ cho ai, tầm nhìn trong việc sử dụng ra sao và nhất là hướng đến những mục tiêu lớn nào của thể thao TPHCM trong tương lai, thì mới đủ sức thuyết phục nhà đầu tư.
VIỆT QUANG